Liên tục những năm gần đây, người dân tự tử ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) tăng cao với mức 'báo động đỏ'.
Một ngày cuối tháng 8, hàng trăm dân làng bàng hoàng khi nghe tin ông Huỳnh Kia (54 tuổi, ngụ thôn Mang Hin), Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Sơn Long bất ngờ ăn lá ngón (loại cây rừng có độc tố cao) tự tử chết.
Bản làng huyện vùng cao Sơn Tây- nơi liên tục xảy ra nhiều vụ tự tử. Ảnh:Minh Hoàng. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho hay, cuối tháng 8, trong cuộc họp bàn giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ăn lá ngón tự tử ở địa phương, Kia còn đứng phát biểu nhưng sau đó gia đình phải đưa ông đến bệnh viện cấp cứu vì ăn loại lá rừng độc này.
Ông Vượt xót xa kể, vị chủ tịch Hội cựu chiến binh tâm sự, ba tuần trước mẹ già qua đời ở bệnh viện mà ông không có mặt kịp nên "buồn lắm muốn chết". Vài ngày gần đây, ông Kia hay than thở, buồn phiền về con trai thua cá độ bóng đá, bỏ nhà đi vì bị ngăn cản lấy vợ.
Tối 26/8, bà Lê Thị Chang phát hiện chồng lên rẫy hái nhiều bó lá ngón mang về nhà. Sau khi cự cãi, ông Kia đuổi vợ chạy sang nhà xóm rồi đóng cửa nhà nấu lá ngón đổ vào bát phở ăn tự tử. Khoảng 23h tối cùng ngày, người vợ về nhà phát hiện chồng nằm bất động dưới sàn nhà đã phát hoảng gọi điện thuê ô tô chở ông Kia đến bệnh viện huyện cấp cứu. "Lúc xuống bệnh viện huyện, ông Kia vẫn còn thở, mắt lờ đờ, toàn thân tím tái, đến rạng sáng hôm sau thì qua đời", ông Vượt buồn bã nói.
Thống kê của xã Sơn Long, từ đầu năm đến nay, ở địa phương này có 5 trường hợp ăn lá ngón tự tử, trong đó nhiều người chết trẻ ở độ tuổi từ 17 đến 25.
Sau vài lần khuyên nhủ chồng bỏ rượu bất thành, đầu tuần trước, Đinh Thị Séc (21 tuổi, ngụ thôn Đăk Panh, xã Sơn Màu) buồn bã lên rẫy hái lá ngón (loại lá rừng có độc tố cao) ăn tự tử, kết thúc đời mình đang độ tuổi xuân thì.
Tự tử vì bế tắc cuộc sống
Chồng mất sớm, con dâu bỏ đi làm ăn xa, con trai ăn lá ngón tự tử, bà Đù vất vả đi làm thuê nuôi con gái tật nguyền và cháu gái 2 tuổi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nhận tiền đền bù vài trăm triệu đồng, gia đình bà Đinh Thị Đù (thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung) dồn hết vào xây nhà kiểu biệt thự ở khu tái định cư. Bà Đù nghĩ, sau khi nhận tiền đền bù, cuộc sống gia đình bớt khổ hơn nhưng con trai suốt ngày ăn nhậu sạch tiền rồi sinh ra buồn chán, bế tắc nên nó ăn lá ngón tự tử.
"Con trai trụ cột gia đình chết, con dâu bỏ đi làm ăn xa, chồng lại mất sớm, tôi phải vất vả làm thuê kiếm kế sinh nhai nuôi con gái bại liệt tật nguyền và cháu gái (2 tuổi) luẩn quẩn trong đói nghèo", bà Đù thở dài.
Hoàn cảnh khó nghèo lại bệnh mù lòa, bế tắc giữa bệnh tật, bà Đinh Thị Đủ (66 tuổi, ngụ thôn Nước Min, xã Sơn Mùa) uống rượu say rồi dùng dây vải treo cổ chết.
Thượng tá Trần Minh Thành, Phó trưởng Công an huyện Sơn Tây cho hay, đồng bào địa phương nơi đây xem thường tính mạng bản thân, mỗi khi buồn phiền hay cảm thấy bế tắc trong cuộc sống là tìm đến cái chết. Gắn bó với vùng cao này nhiều năm qua, vị công an này đã chứng kiến hàng chục cái chết thương tâm của dân làng với nhiều lý do quá đơn giản như: Buồn vì cha, mẹ qua đời, vợ cản không cho uống rượu, cha mẹ la mắng, ghen tuông...
Thống kê của Công an huyện Sơn Tây, từ đầu năm đến nay địa phương đã xảy ra 18 vụ tự tử khiến 17 người chết. Năm 2015, huyện này có 25 trường hợp tự tử, trong đó có 21 người chết vì cảm thấy buồn, bế tắc cuộc sống.
Cây lá ngón- loại cây rừng có độc tố cao ở huyện vùng cao Sơn Tây. Ảnh: Minh Hoàng. |
Hệ lụy đói nghèo kéo dài từ...nạn tự tử
Ở huyện vùng cao Sơn Tây, lá ngón mọc nhiều nơi ở trong rừng, khắp các đồi núi. Đến mức địa phương này từng huy động lực lượng tiêu diệt cây lá ngón thế nhưng số vụ ăn lá ngón tự tử vẫn liên tục tăng.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho hay, suốt nhiều năm qua, địa phương nhiều lần họp bàn, tuyên truyền người dân nhằm ngăn chặn nạn tự tử thế nhưng thực trạng này vẫn đang là vấn đề nan giải.
Vị Bí thư lý giải, do nhận thức đồng bào nơi đây còn thấp. Khi họ cảm thấy bế tắc trong cuộc sống là tìm đến cái chết như sự giải thoát đời mình. Họ chết đi để lại gánh nặng cho gia đình, cha mẹ không ai phụng dưỡng, con thơ không ai chăm sóc...để lại hệ lụy lớn đói nghèo. Để ngăn chặn nạn tự tử, điều cơ bản nhất là phải dần thay đổi được nhận thức của đồng bào nơi đây, giúp họ thấy được giá trị của cuộc sống bản thân mình ý nghĩa với gia đình, xã hội.
Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, địa phương này xảy ra 28 vụ tự tử làm 28 người chết. Nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử chủ yếu do một số người bệnh lâu ngày chán nản, kinh tế gia đình khó khăn, bế tắc vì mâu thuẫn gia đình. Riêng các huyện vùng cao nơi đây xảy ra 20 vụ với 21 người chết, trong đó nhiều vụ ăn lá ngón - loại lá rừng có độc tố cao.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu các địa phương, hội, đoàn thể tăng cường giáo dục, thông báo, cảnh báo các hiểm họa có thể gây ra đến người dân. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo giải quyết việc làm. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số biết quý trọng cuộc sống của bản thân; kịp thời phát hiện và ngăn chặn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc dễ dẫn đến tự tử.