Từ tháng 2, Hong Kong đã tiếp nhận gần 4 triệu liều vaccine của công ty dược phẩm Sinovac và công ty sinh học BioNTech (sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech). Song khoảng 2 triệu liều vẫn đang nằm trong kho lưu trữ giữa lúc chiến dịch tiêm chủng của thành phố bị đình trệ, theo South China Morning Post.
Chính quyền Hong Kong hôm 25/6 cũng xác nhận các liều vaccine Pfizer/BioNTech sẽ hết hạn vào giữa tháng 8.
Ba tháng sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, Hong Kong chỉ có khoảng 1,28 triệu dân, tương đương 17% tổng dân số, được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Trong khi đó, chỉ có khoảng 921.500 người đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng.
Ông William Chui Chun-ming, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Bệnh viện, tin rằng Hong Kong phải đối mặt với ba lựa chọn: Thiêu hủy, trao tặng hoặc bán lại số vaccine sắp hết hạn cho các quốc gia khác.
Người dân tại Hong Kong xếp hàng đợi đến lượt tiêm vaccine. Ảnh: South China Morning Post. |
Theo ông Chui, thành phố nên bán vaccine cho các nước đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, ví dụ như Ấn Độ, Pakistan, Nepal hay Philippines. “Những quốc gia này thiếu vaccine nhưng không thiếu tiền. Chúng ta có thể nhận tiền để mua đợt vaccine thế hệ thứ hai trong tương lai”, chuyên gia này cho biết.
Tiến sĩ Leung Chi-chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho rằng Hong Kong chỉ cần tạm ngừng việc tiếp nhận vaccine. Từ đó, thành phố sẽ tránh được thế “tiến thoái lưỡng nan” là bán phá giá chế phẩm này.
Hong Kong đã mua được 7,5 triệu liều vaccine chống Covid-19 từ hai nhà sản xuất Sinovac và BioNTech. Số vaccine này đủ tiêm chủng cho toàn bộ 7,5 triệu người dân của thành phố.
Theo ông William Chui Chun-ming, vaccine hết hạn buộc giới chức phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong những ngày qua.
Vaccine của BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C và hạn sử dụng chỉ kéo dài 6 tháng. Trong khi đó, vaccine của Sinovac có thời hạn lên tới một năm.
Giới chức Hong Kong sẽ thảo luận với các công ty dược phẩm về phương án xử lý vaccine, đồng thời trì hoãn một số đơn đặt hàng. Họ cũng cân nhắc việc tài trợ vaccine cho các quốc gia có nhu cầu thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).