Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1/4 đến 15/4 vì đây là khoảng “thời gian vàng” ngăn dịch bệnh lây lan.
Trong những ngày đầu, yêu cầu này được người dân thực hiện khá nghiêm túc, nhưng 2 ngày gần đây, lượng người dân đổ ra đường ngày càng nhiều, tình trạng tập trung đông người bắt đầu xuất hiện. Lãnh đạo Chính phủ và Hà Nội đều đang rất lo ngại về việc này.
Số ca nhiễm mới ít chưa nói lên được điều gì
Trao đổi với Zing sáng 9/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết từ 2 ngày qua, ông đã tiếp nhận nhiều phản ánh về việc người dân bắt đầu có biểu hiện chủ quan, lơ là, không chấp hành nghiêm yêu cầu về cách ly xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng về việc này. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16, các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm”, ông Dũng cho hay.
Theo lý giải của người phát ngôn Chính phủ, trong vài ngày gần đây, từ thông báo của Bộ Y tế cho thấy số ca nhiễm Covid-19 mới có xu hướng giảm, ít ca nhiễm và nhiều người được điều trị khỏi hơn. Đây là điều đáng mừng, nhưng kết quả này chưa thể nói lên điều gì, chưa thể căn cứ vào những con số này để khẳng định chúng ta đã an toàn trước dịch Covid-19.
“Có lẽ người dân theo dõi những thông tin này thấy yên tâm hơn nên ra đường nhiều hơn, dù không có việc gì thật sự cần thiết. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, phát hiện ít, hoặc không phát hiện ca nhiễm mới vào lúc này, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm, bởi vẫn chưa đủ thời gian chứng minh độ an toàn”, người phát ngôn Chính phủ nêu quan điểm.
Theo ông, chủ quan, lơ là vào lúc này là rất nguy hiểm vì vẫn còn những ca nhiễm chưa xác định được nguồn gốc lây lan, nguy cơ trong cộng đồng còn rất cao.
Bởi vậy, Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp chỉ đạo trong Chỉ thị 16. Thời gian cách ly xã hội còn gần 1 tuần nữa, trong khoảng thời gian này, người dân phải ở nhà nếu không có việc gì cần thiết phải ra ngoài, không được tụ tập đông người, phải giữ khoảng cách 2 m giữa người với người.
“Tôi nhắc lại, nếu người dân chủ quan thì sẽ gây hệ lụy vô cùng lớn khi dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội, chứ không phải khuyến cáo”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về những kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định chưa thể nói có nên và có cần kéo dài hay không, mà phải tùy vào diễn biến, tình hình dịch bệnh để quyết định.
Theo ông, còn 6 ngày nữa để thực hiện yêu cầu này, nếu đủ thời gian chứng minh Việt Nam kiểm soát tốt, không để bùng phát dịch bệnh thì sẽ ngừng cách ly xã hội. Nhưng nếu tiếp tục còn nguy cơ lây lan, thì vẫn phải kéo dài bởi cách ly hiện nay là giải pháp căn cơ, tối ưu, hiệu quả.
“Sau ngày 15/4, tùy vào diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng sẽ quyết định có kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không”, ông Dũng cho hay.
Lo “vỡ trận”
Trong khi đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ ông rất lo khi thấy người dân thủ đô đổ ra đường trong 2 ngày gần đây.
“Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận thôi, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”, người đứng đầu chính quyền thành phố nêu quan điểm.
Lượng người tham gia giao thông trên tuyến đường Khuất Duy Tiến sáng 9/4 tăng vọt so với ngày trước đó. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiều lần nhắc đến cụm từ “rất nguy hiểm”, “rất đáng lo”, ông Chung nhắc đến bài học từ Singapore, vì không kiên quyết thực hiện nên số ca nhiễm đang tăng vọt, mỗi ngày hàng trăm ca nhiễm. Vì thế, quốc gia này đã phải ra lệnh thiết quân luật, đến nỗi trong một gia đình có 3-4 người trở lên cũng không được gặp nhau. Theo ông Chung, phải làm triệt để như vậy mới giải quyết được nguy cơ lây lan.
“Tình hình Hà Nội bây giờ rất đáng lo. Người dân chủ quan quá. Những ngày qua Trung ương và thành phố đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng nếu không thực hiện nghiêm, triệt để các giải pháp này từ đầu đến cuối, chúng ta sẽ thất bại”, ông Chung chia sẻ.
Theo ông, cơ bản thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm, song thực tế vẫn còn ca bệnh chưa tìm được nguồn lây, như ca bệnh 237 người Thụy Điển. Dù chỉ là 1 người, nhưng với tính chất loại virus này lây lan theo cấp lũy thừa, thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất lớn.
Cho biết so với các nước, số ca nhiễm của Việt Nam còn ít và cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát, nên Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh tất cả các trường hợp nhiễm virus cần được làm rõ F0, xác định được nguồn lây, từ đó mới tìm được ổ dịch, rà soát và xử lý triệt để được. “Chúng ta chưa có quá nhiều ca nhiễm nên hoàn toàn vẫn làm được việc này, và phải làm triệt để mới thành công được”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo ngại người dân đổ ra đường có thể sẽ làm vỡ trận các giải pháp chống dịch. Ảnh: H.Nam. |
Ông nhắc lại cảnh báo của nhiều chuyên gia trên thế giới, rằng chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của quốc gia bị phá vỡ.
Đặc biệt, ở Hà Nội, thống kê cho thấy có đến 1,7 triệu người già trên 60 tuổi và 2,2 triệu trẻ em từ cấp 1 đến cấp 3, nên lãnh đạo thành phố rất lo lắng về nguy cơ lây nhiễm. Và theo thực tế chứng minh, những ca nhiễm bệnh không có triệu chứng thường có thời gian ủ bệnh rất dài.
Cho đến nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc trở lại trường học của học sinh các cấp vẫn chưa thể quyết định, vì vậy, Chủ tịch Hà Nội đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm yêu cầu về cách ly xã hội, vì từ nay đến ngày 15/4 chỉ còn 6 ngày nữa, và 6 ngày đó là cơ hội, là thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh.
Lãnh đạo chính quyền thành phố mong người dân chia sẻ, đồng thuận thực hiện các giải pháp, không chủ quan, lơ là vì số ca nhiễm ít vài ngày gần đây chưa thể nói lên điều gì. Nếu người dân tiếp tục chủ quan, đổ ra đường đông như hiện tại, chúng ta sẽ phải trả giá và nhận bài học “vỡ trận” như một số nước.
Ông Chung cũng cho biết Hà Nội vẫn duy trì việc xử phạt các trường hợp vi phạm, và quan điểm là xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, ví dụ không đeo khẩu trang khi ra đường, mở các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu.
“Nếu ta chủ quan mà không chuẩn bị thì ta sẽ phải đón nhận thất bại tiếp theo”, ông Chung dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới.