Câu chuyện một số tỉnh, thành phố chỉ đạo cách ly tất cả người đến từ địa phương có dịch và thu phí gây nên nhiều ý kiến trái chiều những ngày qua.
Trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Zing đặt vấn đề vì sao Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần giải thích cách ly xã hội không phải phong tỏa, không ngăn sông cấm chợ, nhưng nhiều địa phương vẫn “tự cách ly” mình với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Và việc yêu cầu những người từ nơi khác đến phải cách ly 14 ngày, tự trả phí cách ly có đúng nguyên tắc, có làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.
“Chưa từng có tiền lệ” nên cách hiểu khác nhau
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng việc này cần được nhìn nhận dưới 2 góc độ.
Trước hết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng với yêu cầu cách ly xã hội là chưa từng có tiền lệ. Trong khi đó, có những địa phương nóng lòng, quyết tâm ngăn ngừa dịch, hiểu khái niệm thôn cách ly thôn, xã cách ly xã tức là quản lý chia nhỏ theo địa phận cát cứ ở địa phương. Vì thế, họ cách ly với những nơi khác.
Quảng Ninh là một trong những địa phương áp dụng chính sách cách ly 14 ngày với người đến từ địa phương khác và thu phí cách ly. Ảnh: Quốc Nam. |
Rồi khi Thủ tướng công bố dịch, nhiều địa phương cho rằng Hà Nội và TP.HCM là vùng dịch vì có số ca nhiễm lớn nên yêu cầu dân từ hai nơi này đến phải cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly. Thậm chí, có nơi không cho xe tỉnh khác vào, các xe vận tải hàng hóa cũng không được vào khiến thiếu nguyên liệu sản xuất.
“Chúng ta không được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường, như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ta chỉ dừng vận tải hành khách công cộng, còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động để phục vụ cho sản xuất, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân”, ông Dũng nói.
Chúng ta không được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường, như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng
Sau khi chuyện ở một số địa phương được phản ánh, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16.
“Thời điểm đó, điện thoại của tôi nóng máy liên tục vì báo chí gọi hỏi về vấn đề này. Rất may nhờ có báo chí tuyên truyền, nhiều địa phương đã tự điều chỉnh”, ông Dũng nói.
Theo ông, vì là việc chưa có tiền lệ nên còn nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng sau khi có văn bản hướng dẫn Chỉ thị 16 của Thủ tướng và thông tin từ báo chí, đến nay cơ bản các địa phương đều đồng tình. Ví dụ, Hải Phòng trước đây yêu cầu cách ly, tự trả phí nhưng sau đó điều chỉnh cho biết ngân sách thành phố sẽ chi trả phí cách ly.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, vấn đề thu hay không thu phí phải có căn cứ, tạo thuận lợi cho người dân.
Người phát ngôn Chính phủ nhắc lại nguyên tắc và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu (không phải khuyến cáo) người dân hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp cần thiết, tuyệt đối không ra ngoài tụ tập đông người.
Trong thời điểm Thủ tướng công bố dịch, chỉ có 24/63 tỉnh có dịch nhưng tinh thần là công bố sớm cho dân chủ động phòng tránh. Song, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng khái niệm vùng dịch mỗi nơi còn hiểu khác nhau. Ví dụ nhiều nơi quan niệm Hà Nội có ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, TP.HCM có ổ dịch quán bar Buddha nên đánh đồng toàn bộ 2 thành phố là vùng dịch.
Không thể giữ khoảng cách 2 m trong nhà máy
Liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ sở sản xuất.
Theo đó, UBND TP.HCM cho rằng các cơ sở sản xuất có số lượng công nhân đông là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, vì đa số là hoạt động theo dây chuyền sản xuất cố định, khó đáp ứng yêu cầu “không quá 20 người trong một phòng, yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người”.
Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị cần có ý kiến chỉ đạo đối với vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định không chỉ riêng TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng muốn làm rõ.
Ông nhắc lại Chỉ thị 15 của Thủ tướng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Nhưng trong nhà máy thì không thể nói phải giữ khoảng cách 2 m hay 3 m được, vì nhà máy có thiết bị, máy móc lắp đặt theo dây chuyền.
Tại Chỉ thị 16, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
Như vậy, nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn hoạt động bình thường và người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Ví dụ, vấn đề phun khử trùng, đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tất nhiên, nếu những đơn vị đó để xảy ra việc có người nhiễm thì yêu cầu phải đóng cửa toàn bộ.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. “Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe nhân dân”, Thủ tướng nói.
Theo ông, dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn, xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.
Tại các cuộc họp trước đó, người đứng đầu Chính phủ giải thích cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh chứ không phải là ngăn cấm giao thông, không phải phong tỏa.
Chỉ thị 16 đặt vấn đề cách ly xã hội trong vòng 15 ngày bởi đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng - vấn đề một số nước đã vấp phải.