Câu 1: Câu hát "Cây lúa non chờ từng cơn mưa đổ" nằm trong nhạc phẩm nào?
Lời “Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ. Cây lúa trổ chờ nước đổ trên nguồn…” mở đầu cho bài hát Tình đất đỏ miền Đông của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Bài hát ca ngợi tinh thần lao động và chiến đấu chống giặc của người dân “đất đỏ miền Đông”. Ảnh: Thegioitiepthi. |
Câu 2: Đàn đáy được sử dụng trong loại hình nghệ thuật nào?
Đàn đáy là nhạc cụ không thể thiếu trong hát ả đào, hay còn gọi là ca trù. Thường chỉ nam giới mới chơi loại nhạc cụ này. Đàn đáy không có đáy, bộ phím cao, cần đàn dài, là loại nhạc cụ trầm có kỹ thuật độc đáo là “ngón chùn”. Âm sắc của đàn đáy trầm, đục, ấm nhưng ngắn làm nổi bật sự tương phản âm sắc của nó so với các loại nhạc cụ cùng hòa tấu. Ảnh: Báo Tin tức. |
Câu 3: Trong bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" có loại đuốc nào xuất hiện?
Tiếng chày trên sóc Bom bo của nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời năm 1968 ca ngợi tinh thần cống hiến, hy sinh cho cách mạng của người dân sóc Bom Bo ngày đêm giã gạo nuôi quân. Trong bài hát có loại “đuốc lồ ô” được tác giả đề cập đến: “Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa, sóc Bom bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng để đòng đưa…”. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Câu 4: Hát xoan là lối hát đặc trưng của tỉnh nào nước ta?
Hát xoan là lối hát dân gian có từ lâu đời của vùng đất tổ Phú Thọ. Hát xoan có làn điệu phong phú, đệm bằng trống, phách, đôi khi có điệu bộ để minh họa. Hiện nay hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ. |
Câu 5: Bài hát "Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ nào?
Nhớ về Hà Nội là sáng tác rất hay của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người được mệnh danh là "ông hoàng phổ nhạc từ thơ". Nhưng riêng bài hát Nhớ về Hà Nội lại không phổ nhạc từ thơ mà từ chính cảm xúc của tác giả với Hà Nội dấu yêu. Bài hát mở đầu ngân nga với câu: “Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Một thời đạn bom, Một thời hòa bình”. Ảnh: Báo Hà Nội mới. |
Câu 6: Đàn K'ní là nhạc cụ truyền thống của dân tộc nào?
Đàn K’ní là nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai. Đàn cấu tạo bởi một ống nứa nhỏ làm thân đàn, trên thân đàn có gắn nhiều nút bấm bằng tre có tác dụng như những phím đàn. Đàn có một dây, được dùng một thanh nứa nhỏ cọ vào dây đàn như một chiếc vĩ. Người Gia Rai thường thường diễn tấu K’ní bằng cách ngồi bệt xuống đất, các ngón của chân trái kẹp thân đàn dựng đứng. Ảnh: Báo Tin tức. |
Câu 7: Nhạc phẩm nào dưới đây là sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ?
Bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn là sáng tác để đời của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với nhịp điệu nhanh vừa như thúc giục người nghe. Nhạc phẩm được ông viết ra sau đợt 1 của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với những ca từ: “Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang...”. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam. |