Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Kiều Nguyệt Nga cảm mối ân tình, trao cho Lục Vân Tiên vật gì làm tin?

Truyện thơ "Lục Vân Tiên" được nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu sáng tác, phản ánh phần nào cuộc đời và khát vọng của ông cũng như lẽ cương thường đáng có ở trên đời.

Luc Van Tien anh 1

Câu 1: Lục Vân Tiên lúc theo thầy học sôi kinh nấu sử, chàng bao nhiêu tuổi?

  • Mười tám
  • Hai mươi hai
  • Hai mươi tư
  • Mười sáu

Lúc đang theo học thầy, Lục Vân Tiên 16 tuổi. Từ câu 9 trong truyện thơ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu ghi rõ: “Đặt tên là Lục Vân Tiên,/Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành". Hai tám với nghĩa là hai lần tám, cách nói bóng trong văn Nôm. Và Vân Tiên được miêu tả là một học trò giỏi khi “Văn đà khởi phụng đằng giao,/Võ thêm ba lược sáu thao ai bì”.

Luc Van Tien anh 2

Câu 2: Sau khi đánh đảng lâu la giải cứu Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên được nàng Nguyệt Nga “Xin đưa một vật để cầm làm tin”. Vật đó là?

  • Chiếc khăn
  • Cây trâm
  • Lá thư
  • Sợi chỉ hồng

Được Lục Vân Tiên giải cứu khỏi đảng cướp Sơn Đài, Kiều Nguyệt Nga cảm động trao cho chàng cây trâm để làm tin. Từ câu thơ 191 ghi: “Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên,/Tai nghe lời nói tay liền rút trâm./Thưa rằng: “Nay gặp tri âm,/Xin đưa một vật để cầm làm tin”.

Luc Van Tien anh 3

Câu 3: Trên đường đến trường thi để mộng ghi danh bảng vàng, Lục Vân Tiên đã gặp chàng trai “Xa xem mặt mũi đen sì,/Minh cao sồ sộ dị kỳ rất hung”. Người đó là ai?

  • Hớn Minh
  • Vương Tử Trực
  • Bùi Kiệm
  • Trịnh Hâm

Người được miêu tả ở trên là Hớn Minh, một trang hào kiệt “Hễ người dị tướng ắt là tài cao” nên Lục Vân Tiên rất vui được đàm đạo “Kìa nơi võ miếu hầu gần,/Hai ta vào đó nghỉ chơn một hồi…”/Cùng nhau bày họ tên rồi,/Hai chàng từ tạ đều lui ra đường./Hớn Minh đi trước tựu trường,/Vân Tiên còn hãy hồi hương viếng nhà”.

Luc Van Tien anh 4

Câu 4: Vương Tử Trực có lời “Trực rằng: Chùa rách Phật vàng,/Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân” để nói về ai có tài năng?

  • Lục Vân Tiên
  • Ông quán
  • Bùi Kiệm
  • Hớn Minh

Bốn người gồm Lục Vân Tiên, Bùi Kiệm, Vương Tử Trực và Trịnh Hâm gặp nhau trên đường vào trường thi, đã cùng vào quán uống rượu, thơ phú và được đàm đạo với ông quán mới biết ông là người tài năng, nghĩa hiệp ở ẩn, thông thuộc kinh sử, hiểu thời thế: “Quán rằng ghét việc tầm phào,/Ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm./Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm,/Để dân đến đỗi sa hầm sẩy hang” nên Vương Tử Trực mới có lời khen trên.

Luc Van Tien anh 5

Câu 5: Lục Vân Tiên lúc mù bị vợ chồng Võ công đem bỏ vào hang núi để chối bỏ việc kết sui gia đã hẹn ước trước kia. Núi đó là?

  • Thương Tòng
  • Đông Thành
  • Thể Loan
  • Đồng Quan

Hang tối nơi Võ công đem bỏ Lục Vân Tiên thuộc núi Thương Tòng. Núi này được nhắc tới trong lời Võ công bàn với vợ mình ở từ câu thơ 1040: “Nghe rằng: Trong núi Thương Tòng,/Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra./Đông Thành nghìn dặm còn xa,/Đem chàng bỏ đó ai mà biết đâu?”.

Luc Van Tien anh 6

Câu 6: Sau khi được du thần dắt ra khỏi hang, Lục Vân Tiên được tiều phu cứu và có duyên gặp lại bạn cũ Hớn Minh. Lục Vân Tiên bị nạn ở trong hang núi Thương Tòng bao nhiêu ngày?

  • Một ngày
  • Ba ngày
  • Năm ngày
  • Bảy ngày

Bị Võ công lập mưu bỏ vào hang núi, Lục Vân Tiên phải chịu cảnh đói khát trong 5 ngày liền. Từ câu thơ 1075 đã miêu tả rõ: “Năm ngày chịu đói khát ròng,/Nhờ ba huờn thuốc đỡ lòng hôm mai”. Sau đó du thần (thần đi rong các nơi xem xét mọi việc nhân gian) tìm thấy mà đưa chàng ra khỏi hang núi.

Luc Van Tien anh 7

Câu 7: Kiều Nguyệt Nga bị đem cống cho giặc Ô Qua. Nàng giữ tiết nên “Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay” để trẫm mình. Ai đã cứu Nguyệt Nga?

  • Du thần
  • Tiều phu
  • Ông quán
  • Quan âm

Kiều Nguyệt Nga giữ tiết với hương hồn Lục Vân Tiên mà nàng nghĩ đã chết, nên nàng quyết ý trẫm mình, và rồi từ câu 1517 miêu tả “Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời,/Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày”. Sau nhờ có Quan âm thấy nên cứu nàng: “Quan âm thương đấng thảo ngay,/Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa./Dặn rằng: “Nàng hỡi Nguyệt Nga!/Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày./Đôi ba năm nữa gần đây,/Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi”.

Luc Van Tien anh 8

Câu 8: Lục Vân Tiên diệt được giặc Ô Qua, gặp lại Kiều Nguyệt Nga và dẫn tới những cái kết có hậu, người tốt được đáp đền, người xấu phải chịu tội. Câu thơ kết truyện Lục Vân Tiên là?

  • Trăm năm biết mấy tinh thần,/Sanh con sau nối gót lân đời đời
  • Trạng nguyên xe giá chỉnh tề,/Sai quân hộ vệ rước về Nguyệt Nga
  • Trai thời trung hiếu làm đầu,/Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
  • Làm trai trong cõi người ta,/Trước lo báo bổ sau là hiển vang

Kết thúc truyện thơ "Lục Vân Tiên" là hai câu số 2081 và 2082: “Trăm năm biết mấy tinh thần,/Sanh con sau nối gót lân đời đời”, cũng là thể hiện cái kết có hậu cho chuyện tình Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, và cái lẽ sống nghĩa tình, nhân ái làm đầu của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm