Anh Bùi Nam (cư dân Masteri Thảo Điền, TP Thủ Đức) nhận 2 phiếu mua nhu yếu phẩm được trước cửa vào tối 28/7.
Phiếu có cả tiếng Anh và tiếng Việt. Màu xanh dùng để mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu (1 tuần 2 ngày); màu trắng dùng mua thuốc chữa bệnh, đồ dùng chăm sóc mẹ và bé (tất cả các ngày trong tuần).
Cư dân được yêu cầu mỗi gia đình chỉ cử 1 người đi mua hàng, trước 16h30 hàng ngày, theo mốc thời gian cố định in trên phiếu.
Phiếu đi chợ của cư dân Masteri Thảo Điền (mặt tiếng Việt). Ảnh: Quốc Tuấn. |
“Nếu khu vực mua sắm có ca nhiễm Covid-19 thì cũng dễ kiểm soát vì chủ cửa hàng sẽ thu lại phiếu mua hàng, lưu theo ngày để điều tra dịch tễ khi cần thiết”, anh Nam cho biết.
Tại chung cư New City (TP Thủ Đức), cư dân cũng vừa được phát phiếu đi mua sắm thực phẩm thiết yếu trong vòng 1 tháng, phân theo ngày chẵn lẻ.
Chị Q.N. (cư dân New City) tranh thủ ghi lại danh sách các mặt hàng cần thiết để đi mua một lần vào chiều thứ 7 tuần này.
“Phiếu được xem như giấy thông hành đưa cho các chốt kiểm tra trên các tuyến đường nên tôi giữ rất cẩn thận. Khi ra ngoài thì đem theo chứng minh nhân dân để cơ quan chức năng kiểm tra”, chị N. nói.
Chung cư Lexington Residence (TP Thủ Đức) cũng vừa gửi cư dân đường link đăng ký nhận phiếu mua hàng. Ban quản lý khuyến cáo cư dân lựa chọn hình thức nhận phiếu qua hộp thư để tránh tiếp xúc trực tiếp.
Theo UBND phường An Phú (TP Thủ Đức) từ ngày 28/7, cư dân trên địa bàn sẽ đi mua sắm hàng thiết yếu bằng phiếu tại 31 cửa hàng thuộc phường.
Phiếu được chia theo 2 màu là xanh nhạt (đi mua thứ 4 và thứ 6) và màu xanh đậm (đi mua thứ 5 và thứ 7). Cư dân khi đi mua hàng phải đảm bảo nguyên tắc 5K phòng dịch.
Cư dân New City nhận phiếu đi chợ trong vòng 1 tháng. Ảnh: V.K. |
Ban quản trị và Ban quản lý các chung cư trên địa bàn phường An Phú được yêu cầu cân đối hai khung giờ của 2 màu phiếu cho tòa nhà và các tầng. Việc này nhằm giảm tải tình trạng cư dân của một tòa đi mua cùng khung giờ quá đông.
Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ"
Sở yêu cầu phân chia tần suất đi chợ cách 2-3 ngày/lần. Theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ/30 ngày. Riêng các khu vực phong tỏa, người dân mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu với tần suất 2 lần/tuần.
Theo thống kê, toàn TP.HCM còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động, bao gồm 9 chợ mới mở cửa trở lại sau thời gian ngưng để phòng dịch Covid-19. Hiện nay, các chợ cũng đang chuẩn bị để mở lại chợ an toàn tùy theo tình hình dịch của từng địa phương.
Ngoài ra, thành phố đang có khoảng hơn 100 siêu thị, gần 800 điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.