Đàn cánh cụt hoàng đế lớn nhất thế giới giảm 90% số lượng
Thứ ba, 31/7/2018 14:24 (GMT+7)
14:24 31/7/2018
Trong vòng 30 năm, đàn cánh cụt hoàng đế trên đảo Ile aux Cochons, Pháp, giảm số lượng từ 2 triệu cá thể xuống còn khoảng 200.000, nguyên nhân được cho là vì biến đổi khí hậu.
Lần cuối cùng các nhà khoa học đặt chân lên đảo Ile aux Cochons vào những năm 1980, họ phát hiện khoảng 2 triệu cá thể chim cánh cụt hoàng đế đang sinh sống tại đây. Hòn đảo trên Ấn Độ Dương khi đó được công nhận là nơi có đàn chim cánh cụt hoàng đế lớn nhất thế giới. Ảnh: Henry Weimerskirch.
Tuy nhiên, một số hình ảnh chụp từ vệ tinh và từ trực thăng gần đây cho thấy bầy cánh cụt trên hòn đảo thuộc Pháp hiện chỉ còn khoảng 200.000 cá thể, theo một nghiên cứu đăng trên chuyên san Antarctic Science. Chim cánh cụt hoàng đế không có tập tính di cư, vì vậy các nhà khoa học cho rằng sự sụt giảm lên đến 90% này không xuất phát từ các nguyên nhân tự nhiên. Ảnh: AFP.
"Điều này hoàn toàn gây bất ngờ (cho các nhà khoa học) và phần nào đó rất nghiêm trọng vì bầy cánh cụt trên đảo Ile aux Cochons chiếm 1/3 tổng số chim cánh cụt hoàng đế trên toàn thế giới", nhà sinh thái học Henri Weimerskirch từ Trung tâm Nghiên cứu Sinh học tại Pháp cho biết. Ông Weimerskirch lần đầu nghiên cứu bầy cánh cụt trên đảo Ile aux Cochons vào năm 1982. Ảnh: AFP.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của sự sụt giảm trên có thể là do biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết bất thường. Năm 1997, El Nino xảy ra làm vùng biển phía nam Ấn Độ Dương ấm lên. Điều này khiến các loài cá, thức ăn của chim cánh cụt hoàng đế, bị đẩy khỏi vùng nước mà loài chim này săn mồi. Ảnh: Getty.
Dù El Nino chỉ diễn ra theo chu kỳ 3-11 năm một lần, sự ấm lên toàn cầu đã khuếch đại những tác động của hiện tượng này. Điều đó có nghĩa vùng nước nơi chim cánh cụt hoàng đế đảo Ile aux Cochons săn mồi ấm lên trong khoảng thời gian dài hơn. Trong khi đó, những hòn đảo xung quanh nằm quá xa, chim cánh cụt không thể di cư đến nơi khác. Ảnh: Kensington.
Bên cạnh nguồn thức ăn khan hiếm, sự quá tải số lượng cá thể cũng khiến bầy cánh cụt hoàng đế lớn nhất thế giới cạnh tranh khốc liệt với nhau, dẫn đến sự suy giảm số lượng nhanh và mạnh mẽ. Ảnh: Oceanwide Expeditions.
Một số nguyên nhân khác cũng được các nhà khoa học xem xét đó là dịch bệnh và sự xâm lấn của sinh vật ngoại lai. Một số loài chim tại các hòn đảo lân cận mắc dịch tả gia cầm và có thể đã lây nhiễm bệnh này cho đàn cánh cụt hoàng đế đảo Ile aux Cochons. Ngoài ra, chuột hoặc mèo hoang có thể đã tìm đường đến hòn đảo, phá vỡ lối sống của loài sinh vật đang cư ngụ tại đây. Ảnh: Oceanwide Expeditions.
Chim cánh cụt hoàng đế (emperor penguin) là loài cánh cụt lớn nhất thế giới với chiều cao trung bình trên 1 m và nặng khoảng 22-45 kg. Loài động vật nay sinh sống chủ yếu ở châu Nam Cực, chúng được mệnh danh là "những viên đạn biển" vì khả năng bơi với vận tốc trung bình 6-9 km/h, có thể lặn sâu đến 500 m và giữ hơi thở hơn 20 phút trong quá trình săn mồi. Ảnh: Oceanwide Expeditions.
Đảo Ile aux Cochons, nằm giữa Nam Cực và châu Phi, thuộc quần đảo Crozet của nước Pháp. Hòn đảo này được công nhận là Vùng chim quan trọng (IBA), tức khu vực cần được bảo tồn ở mức độ toàn cầu vì là nơi sinh sống của nhiều loài chim. Không chỉ là nhà của bầy cánh cụt hoàng đế lớn nhất thế giới, đảo Ile aux Cochons còn là khu vực sinh sản nhiều loài chim biển. Ảnh: NASA.
Cá voi mẹ mang theo xác con tại ngoài khơi bờ biển Canada như để tiếc thương. Vụ việc xảy ra tuần qua gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa từ những hoạt động của con người.
Các tổ chức bảo vệ động vật nổi giận khi bức thư bộ trưởng môi trường Congo phản hồi công ty Trung Quốc bị lộ. Trong thư, công ty này yêu cầu nhập thú quý hiếm để phục vụ sở thú.