Tại kỳ họp thứ 24 HĐND TP.HCM sáng 23/3, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã đã báo cáo HĐND TP.HCM về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Thảo luận về nhiệm vụ quy hoạch này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định điều quan trọng nhất của một quy hoạch là tính khả thi.
Quy hoạch phải khả thi
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc lại TP.HCM có những quy hoạch 20-30 năm vẫn chưa thực hiện được, gây xáo trộn đời sống người dân. Nguyên nhân là quy hoạch nhìn chưa tới, hoặc mong muốn thực hiện nhưng chưa có điều kiện triển khai.
"Một nguyên nhân khác khiến quy hoạch chưa đi vào cuộc sống là chưa đảm bảo tính nhân dân. Tính nhân dân ở đây là tiếng nói, lợi ích của người dân. Thiếu điều này nên quy hoạch khó thực hiện, quyền và lợi ích của người dân cũng chao đảo theo", bà Tâm phân tích.
Đại biểu nêu ví dụ người dân khu Bình Quới - Thanh Đa đã chờ cả nửa đời người nhưng dự án vẫn chưa thực hiện. Từ thực tiễn đó, bà mong muốn tính khả thi, đi vào cuộc sống chứ không chỉ nằm trong giấy tờ của đề án.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quang Huy. |
Vấn đề thứ 2 được đại biểu Tâm đề cập tới là quy hoạch nước sạch cho người dân. Bà cho biết qua giám sát, HĐND nhận thấy nước ở thành phố không thiếu nhưng nhiều người dân vẫn không tiếp cận được.
Nguyên nhân là một số khu vực người dân sống rải rác trong đồng, ruộng. Trong khi đó, việc đảm bảo nước sạch liên quan mật thiết đến chỉnh trang đô thị và bố trí lại dân cư. Do không có quy hoạch nên chính quyền không dám duyệt kinh phí để đưa nước vào những khu vực này. Hoặc các dự án đã được duyệt nhưng chưa triển khai thì dân sống rải rác nên không đưa nước vào được.
"Quy hoạch không thực hiện, bị treo thì treo luôn cả nước sạch của người dân. Quy hoạch đồng bộ phải khả thi thì người dân mới có nước sạch sinh hoạt được", bà Tâm khẳng định.
Cần quy hoạch Cần Giờ đúng nội dung báo cáo Chính phủ
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ cũng là một nội dung mà đại biểu băn khoăn.
Bà nhấn mạnh UBND TP.HCM cần quy hoạch đúng với nội dung đã báo cáo Chính phủ để sau này có cơ sở triển khai, giám sát. Đặc biệt, cần lưu ý Cần Giờ là khu đô thị sinh quyển, có rừng ngập mặn rất cần bảo tồn, gìn giữ.
TP.HCM dự kiến xây dựng Khu đô thị Cần Giờ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị TP.HCM cần tăng không gian công cộng cũng như quan tâm đến việc phát triển không gian ngầm đô thị để cải thiện đời sống người dân.
Trong khi đó, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân bày tỏ kỳ vọng quy hoạch lần này sẽ định hướng đến năm 2040, TP.HCM trở thành đại đô thị của Đông Nam Á hoặc Đông Á thay vì chỉ tính đến quan hệ vùng Đông Nam Bộ như hiện nay. Còn đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy thì đề xuất nội dung quy hoạch của TP Thủ Đức cần có cả chỉ tiêu về văn hóa để xây dựng chiến lược giữ gìn và phát triển trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã, ở lần quy hoạch này, thành phố định hướng phát triển thành đô thị thông minh và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM (TP Thủ Đức). Đồng thời, phát triển Khu đô thị biển Cần Giờ và xây dựng 4 huyện ngoại thành thành quận.
Riêng vùng phát triển đô thị được thành phố cơ cấu theo 5 đô thị lớn. Trọng tâm là TP Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao. Bốn khu đô thị vệ tinh gồm: Khu đô thị (KĐT) cảng Hiệp Phước (3.900 ha); KĐT Tây Bắc (6.000 ha); KĐT Bình Quới - Thanh Đa (426 ha); KĐT du lịch biển Cần Giờ (2.870 ha).