Trong "Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060" vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, mô hình tập trung - đa cực tiếp tục là định hướng được Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất.
Đây không phải ý tưởng mới mà là kế thừa định hướng trong quy hoạch chung thành phố từ năm 1998 và 2010.
Tuy nhiên, 23 năm kể từ đề án đầu tiên, TP.HCM vẫn chưa hình thành được đa cực phát triển theo hướng quy hoạch, đặt ra yêu cầu phải thay đổi. Do đó, quy hoạch chung lần này sẽ được nghiên cứu lại các cực phát triển cho phù hợp với tình hình của thành phố, trong đó phải kể đến 2 yếu tố mới là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông (TP thủ Đức) và khu đô thị biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ).
Việc kêu gọi đầu tư diễn ra chậm
Tập trung - đa cực tiếp tục là mô hình phát triển đô thị mà TP.HCM theo đuổi ở lần điều chỉnh quy hoạch này. Trong đó, trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển ở 4 hướng đông, nam, tây bắc và tây nam.
Với không gian đô thị, TP sẽ chia thành khu đô thị hiện hữu, khu vực phát triển mới và không gian ngầm để quy hoạch. Trong đó, khu vực phát triển mới được chia thành 5 phân khu chức năng gồm vùng phát triển đô thị; vùng phát triển công nghiệp; vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; vùng nông nghiệp; vùng bảo tồn thiên nhiên.
Riêng vùng phát triển đô thị được thành phố cơ cấu theo 5 đô thị lớn. Trọng tâm là TP Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao. Bốn khu đô thị vệ tinh gồm: Khu đô thị (KĐT) cảng Hiệp Phước (3.900 ha); KĐT Tây Bắc (6.000 ha); KĐT Bình Quới - Thanh Đa (426 ha); KĐT du lịch biển Cần Giờ (2.870 ha).
TP.HCM đang đối diện với nhiều vấn đề đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dù được đưa vào quy hoạch khu vực phát triển mới, đây thực chất không phải 4 khu đô thị mới mà đều là những dự án được TP.HCM "thai nghén" hàng chục năm.
KĐT cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được UBND TP.HCM duyệt từ năm 2009 và được xây dựng thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp (đã đầu tư hơn 13 năm qua), giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng (đang đầu tư), giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân.
Đồ án quy hoạch KĐT Tây Bắc được Thủ tướng duyệt từ năm 2010. Đến nay, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2000 đã được phủ kín; tuy nhiên, quá trình kêu gọi đầu tư xây dựng diễn ra chậm, chưa triển khai dự án.
KĐT Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt từ năm 1992 với kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại nằm trong một tổng thể không gian sinh thái cảnh quan thiên nhiên. Thế nhưng, sau 29 năm, dự án vẫn "đắp chiếu" vì không tìm được nhà đầu tư.
Ý tưởng về Khu du lịch biển Cần Giờ với quy mô ban đầu 600 ha đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2004. Sau nhiều lần đổi chủ đầu tư, đến năm 2021, Khu du lịch lấn biển Cần Giờ được nâng tổng diện tích lên 2.870 ha và đã được UBND TP.HCM duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Những điều 23 năm chưa làm được
Phát triển TP.HCM theo hướng đô thị vệ tinh là mục tiêu mà thành phố đã theo đuổi suốt 23 năm nay. Mô hình tập trung - đa cực từ năm 1998 lấy nội thành làm khu vực trung tâm với bán kính 15 km và thiết kế 4 cực phát triển. Theo đó, khu vực trung tâm hiện hữu (930 ha) gồm quận 1, 3, 4, Bình Thạnh.
Bốn hướng phát triển gồm hướng chính phía đông là TP Thủ Đức hiện nay (khu đô thị sáng tạo - tương tác cao phía đông); hướng chính phía nam là quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ; hướng phụ phía tây bắc là quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi; hướng phụ phía tây - tây nam là một phần quận 7, 8, và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy ngoài khu nội thành cũ là trung tâm hiện hữu, các khu vực kế cận phát triển theo kiểu "vết dầu loang", chưa hình thành được cực phát triển tại các hướng.
Trong đó, hướng chính phía đông chưa hình thành được các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ. Thực tế, các dự án đầu tư quy mô nhỏ, vị trí phân tán, số lượng nhiều làm ảnh hưởng lớn tới việc nối kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Định hướng phát triển TP.HCM theo quy hoạch chung cũ, định hướng đến năm 2025 (ảnh trái) và theo quy hoạch chung mới, định hướng đến năm 2040. Đồ họa: Sở QHKT. |
Tại hướng chính phía nam, hạ tầng dọc tuyến đường chính Nguyễn Hữu Thọ cơ bản hoàn chỉnh. Các dự án phát triển dọc theo tuyến này tập trung trong ranh khu nam TP, kéo dài đến khu lân cận. Dù hướng này có xu hướng phát triển nhưng vẫn chậm. Cụ thể, KĐT Hiệp Phước từ khi đồ án quy hoạch chung được duyệt đến nay vẫn chưa hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000.
Còn ở hướng phụ phía tây bắc với cực phát triển là KĐT Tây Bắc, mặc dù quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000 đã phủ kín, các dự án khu đô thị, khu dân cư rất chậm hoặc không triển khai. Ví dụ như khu dân cư (KDC) đô thị Tân Thới Nhì và KDC đô thị Tây Hiệp, KĐT Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT), KĐT sinh thái quận 12.
Hướng phụ phía tây - tây nam, các trục giao thông chính theo hướng bắc nam của TP.HCM và vành đai chưa được kết nối, đầu tư hoàn chỉnh.
Với thực trạng và kinh nghiệm từ quy hoạch chung 2010, trong lần điều chỉnh quy hoạch này, thay vì phát triển thành phố theo 2 hướng chính và 2 hướng phụ như trước đây, thành phố định hướng cân bằng cả 4 hướng - đông, nam, tây bắc và tây nam. Theo đó, 2 hướng phụ sẽ được bổ sung các khu chức năng đô thị nhưng vẫn giữ mảng xanh, rừng hiện hữu, mặt nước... Bên cạnh đó, 4 huyện ngoại thành được định hướng nâng cấp thành quận.
TP.HCM lấy ý kiến người dân về điều quy hoạch chung đến năm 2040
Sở Quy hoạch Kiến trúc đang lấy ý kiến người dân cho "Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060". Trong đó, sở tập trung xin ý kiến cư dân về hai vấn đề: Xác định các vấn đề thực trạng phát triển đô thị TP.HCM từ năm 2010 đến nay; Xác định yêu cầu nghiên cứu trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung.
Sở QHKT sẽ hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch và gửi Bộ Xây dựng thẩm định trong quý I/2021 trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.