Theo AFP, trong nhiều thế kỷ, người dân làng Trunyan trên đảo Bali đã theo đuổi tập tục mai táng độc đáo, qua đó thi thể người được bỏ mặc giữa thiên nhiên để tự phân huỷ, cho đến khi chỉ còn lại bộ xương và hộp sọ.
Tuy nhiên nghi thức độc đáo này đang gây lo ngại trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Indonesia. Trên khắp thế giới, việc chôn cất người tử vong do Covid-19 đều được thực hiện bởi những nhân viên nghĩa trang mặc đồ bảo hộ y tế, còn người thân được yêu cầu đảm bảo khoảng cách an toàn với người đã khuất.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Indonesia, nơi các nhân viên mai táng được yêu cầu mặc đồ bảo hộ, còn việc chôn cất được diễn ra nhanh chóng để hạn chế sự lây lan của virus chết người.
Tới nay, Indonesia ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm và hơn 2.200 ca tử vong. Mặc dù vậy các quan chức Bali tuyên bố virus vẫn chưa chạm tới khu vực đông bắc của đảo, gần hồ núi lửa Batur nơi người Trunyan sinh sống.
Người Trunyan sẽ để xác của người chết tự phân huỷ ngoài trời. Ảnh: AFP. |
"Quy trình tang lễ vẫn diễn ra như cũ, nhưng bây giờ chúng tôi phải đeo khẩu trang", trưởng làng Wayan Arjuna giải thích.
Ngôi làng tạm thời không tiếp đón khách du lịch do lo ngại những người này sẽ mang virus tới.
"Chúng tôi sợ nhiễm Covid-19", ông Arjuna nói thêm nhưng cho biết không có ai yêu cầu tạm dừng phong tục mai táng lộ thiên.
Không giống như những khu vực còn lại trên đảo Bali, người Trunyan có cách giải thích của riêng họ về đạo Hindu, và không chôn cất hoặc hoả táng người chết như phong tục thường lệ của tôn giáo này.
Thay vào đó, họ để xác của người chết ngoài trời, được bao bọc bởi những tấm vải và một chiếc lồng tre để ngăn thú vật, và đợi cho thi thể phân huỷ một cách tự nhiên. Một cái cây lớn ở khu vực này được cho là có năng lực siêu nhiên giúp hạn chế mùi tử khí.
"Điều này khiến chúng tôi cảm thấy được kết nối với những người thân yêu của chúng tôi", ông Arjuna nói.
"Giống như khi bà tôi qua đời, tôi cảm thấy rất gần gũi với bà", ông chia sẻ.
Để đi tới khu vực nghĩa trang của ngôi làng Trunyan nhỏ bé, du khách phải đi thuyền qua hồ Batur, vòng qua một ngôi đền Hindu được chạm khắc từ đá núi lửa.