Vào tháng 5, trên nhiều thị trấn và thành phố của Indonesia xuất hiện những chiếc ôtô gắn loa mang theo thông điệp của chính phủ để gửi tới người dân, nhưng điều thú vị là đó lại không phải là lời kêu gọi phòng chống dịch bệnh.
"Các bạn có thể quan hệ tình dục. Các bạn có thể làm đám cưới, nhưng xin đừng có thai", nhân viên y tế địa phương nói theo một văn bản được biên soạn sẵn.
Trẻ sơ sinh tại khoa sản của một bệnh viện ở Jakarta hồi tháng 4. Ảnh: AFP. |
"Xin hãy kiềm chế"
"Các ông bố, xin hãy kiềm chế. Các bạn có thể làm đám cưới. Các bạn có thể quan hệ tình dục miễn là có sử dụng biện pháp tránh thai", thông báo tiếp tục.
Các quan chức Indonesia đang lo lắng về một hậu quả chưa được tính đến sau khi đất nước trải qua giai đoạn phong tỏa vì dịch Covid-19: sự bùng nổ trẻ sơ sinh hậu đại dịch.
Vào tháng 4, khi người dân Indonesia được lệnh ở nhà, khoảng 10 triệu cặp vợ chồng đã ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai, theo Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình của quốc gia. Ước tính này dựa trên việc thu thập dữ liệu từ phòng khám và bệnh viện, nơi phân phối thuốc tránh thai.
Nhiều phụ nữ không thể tiếp cận với các biện pháp tránh thai vì đơn vị cung cấp dịch vụ đã đóng cửa. Những người khác thì không muốn mạo hiểm ra khỏi nhà vì sợ nhiễm virus. Điều đó khiến giới chức dự đoán một làn sóng "vỡ kế hoạch" sẽ xảy ra vào năm tới, đặc biệt là với các hộ gia đình nghèo vốn đang phải vật lộn vì suy thoái hậu đại dịch.
"Chúng tôi lo lắng khi phải rời khỏi nhà, chưa kể là phải đến bệnh viện, nơi có đầy các loại bệnh", cô Lana Mutisari, 36 tuổi, sinh sống ở ngoại ô Jakarta, chia sẻ. Cô đã hoãn cuộc hẹn đi đặt vòng trong cả tháng qua.
Ông Hasto Wardoyo, bác sĩ sản phụ khoa đứng đầu cơ quan kế hoạch hóa gia đình quốc gia, ước tính rằng có thể sẽ có thêm 370.000 đến 500.000 ca sinh trong đầu năm 2021, ở quốc gia mà mỗi năm thường có khoảng 4,8 triệu em bé chào đời.
Điều đó sẽ là trở ngại cho những nỗ lực quy mô lớn của Indonesia nhằm tạo ra các gia đình nhỏ hơn - khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tổng thống Joko Widodo đã đặt mục tiêu quốc gia nhằm giảm thiểu tỷ lệ thấp còi ở trẻ em xuống còn một nửa trong 4 năm.
"Cần không xảy ra việc mang thai ngoài ý muốn", ông Hasto nói.
Các biện pháp tránh thai được cung cấp miễn phí cho người nghèo ở Indonesia. Các cặp vợ chồng có thu nhập thấp sẽ được người đại diện của chính phủ tới thăm - ở đây thường là vợ của tổ trưởng khu phố, hoặc một trong 24.000 cộng tác viên tư vấn kế hoạch hóa gia đình của nhà nước. Họ sẽ có nhiệm vụ khuyến khích sử dụng biện pháp tránh thai.
Bác sĩ tư vấn cho một phụ nữ về sức khỏe sinh sản tại bệnh viện ở Jakarta. Ảnh: AFP. |
Theo cơ quan kế hoạch hóa gia đình Indonesia, khoảng một nửa trong số những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai ở nước này được tiêm hormone, hàng tháng hoặc 3 tháng một lần. 20% sử dụng thuốc tránh thai và họ được yêu cầu đến nhận thuốc hàng tháng nếu có bảo hiểm y tế nhà nước.
Những hoạt động như vậy đã bị gián đoạn bởi virus corona - tới nay đã khiến 34.000 người nhiễm bệnh với 1.900 trường hợp tử vong ở Indonesia. Tại Jakarta, ổ dịch đầu tiên của đất nước, số ca nhiễm có xu hướng giảm và nhà thờ Hồi giáo, trung tâm thương mại và văn phòng đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ở một số khu vực khác trên đất nước, dịch bệnh lại có dấu hiệu lây lan mạnh hơn.
Không thể tránh thai vì sợ virus
Ông Hasto cho biết ước tính nửa triệu ca sinh thêm là tương đối và con số thực tế có thể cao hơn, nhưng ông cho rằng các biện pháp mới mà cơ quan của ông đang thực hiện sẽ giúp làm giảm sự bùng nổ trẻ sơ sinh vào năm tới.
Theo đó, cơ quan kế hoạch hóa gia đình quốc gia đã cho phép việc cung cấp biện pháp tránh thai tại nhà, và cũng cho phụ nữ nhiều hơn một tháng thuốc tránh thai. Từ tháng 4, chính phủ đã đính kèm thuốc tránh thai vào gói hỗ trợ thực phẩm cho gia đình có thu nhập thấp.
"Chúng tôi tiến hành phân phối tới từng hộ gia đình trong khi phát các gói thực phẩm thiết yếu. Chúng tôi cũng tiêm hormone miễn phí và mang theo thuốc tránh thai", ông Hasto nói thêm.
Cơ quan cũng đã tăng cường các nỗ lực truyền thông, sử dụng đài phát thanh và mạng xã hội, cũng như xe tải gắn loa để khuyến khích các cặp vợ chồng hoãn có thai cho đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cô Novita Saputri, 28 tuổi, thư ký của một công ty thương mại nước ngoài ở Jakarta, đã kết hôn được 18 tháng và muốn có con, nhưng cô sẽ chờ cho đến khi đại dịch kết thúc. Bác sĩ của cô làm việc ở một bệnh viện gần đó, và cô không muốn mạo hiểm phải đến bệnh viện vào lúc dịch, nếu như mang thai lúc này.
"Nếu tôi phải đến bệnh viện, nguy cơ nhiễm virus sẽ cao hơn", cô nói.
Tuy nhiên cô Novita không muốn dùng thuốc tránh thai hay tiêm hormone, vì lo rằng các biện pháp này sẽ khiến mình tăng cân. Thay vào đó, cô và chồng, mặc dù đã mắc kẹt trong nhà trong vòng 3 tháng qua, sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục ít hơn. Việc chồng cô thích chơi game cũng vô tình giúp ích cho việc này, cô chia sẻ.
Người đứng đầu cơ quan dân số và kế hoạch hóa gia đình Indonesia ước tính sẽ có thêm khoảng 500.000 em bé được sinh ra vào đầu năm tới. Ảnh: AFP. |
Cô Lana, người sống ở ngoại ô Jakarta, đã có một con gái 2 tuổi và cho biết cô muốn đợi 2 năm trước khi sinh thêm. Nhưng nỗi lo nhiễm Covid-19 đã khiến cô không muốn tới bệnh viện đặt vòng.
"Mọi người cứ nghĩ rằng khi phải làm việc ở nhà, chúng tôi sẽ sinh con. Nhưng chúng tôi có 2 người giúp việc, và đứa bé thì rất nghịch ngợm. Đó không phải là một khung cảnh lãng mạn", cô Lana, người đang làm nghiên cứu thị trường cho Go-Jek, chia sẻ.
Tuy nhiên, cô thừa nhận bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, đặc biệt là nếu như lệnh phong tỏa tiếp diễn.
"Chúng tôi có thể sẽ sinh con sớm hơn dự tính. Cuộc sống lúc nào cũng có rủi ro", cô cười và nói.