Ngày 3/6, hàng trăm người kéo đến bệnh viện Dadi, tại Makassar, Nam Sulawesi, để đòi lại thi thể một bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Người này tử vong chỉ 2 ngày sau khi nhập viện.
Arman Bausat, giám đốc bệnh viện Dadi, đã xác nhận với Jakarta Post về vụ việc. Bệnh viện không thể ngăn cản người quá khích vì một số đối tượng mang theo vũ khí. Theo hình ảnh trên camera an ninh, có 7 người xông vào phòng hồi sức tích cực và mang thi thể người bệnh đi.
"Nếu chúng tôi can thiệp, có thể xảy ra những hậu quả ngoài mong muốn. Tôi chỉ đạo nhân viên để họ đi và tránh đổ máu", Arman chia sẻ trên kompas.com ngày 3/6.
Indonesia ghi nhận nhiều trường hợp người thân kéo đến bệnh viện cướp thi thể bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Ảnh: Reuters |
Ông nói bệnh viện Dadi chưa kịp lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của bệnh nhân. Người này được chuyển đến Dadi sau khi xuất hiện các triệu chứng: ho, sốt nặng, khó thở và nôn. Nhân viên bệnh viện dự kiến chôn cất bệnh nhân tại nghĩa trang Maccanda ở Gowa theo quy định của chính phủ.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào đêm 7/6, tại bệnh viện Stella Maris cũng ở vùng Makassar. Khoảng 150 người kéo đến bệnh viện đòi lại thi thể của một phụ nữ trên 50 tuổi. Người bệnh qua đời chỉ vài tiếng sau khi xuất hiện triệu chứng nặng.
Cảnh sát và quân đội được điều động đến bệnh viện Stella Maris, dẫn đến xô xát giữa đám đông với lực lượng an ninh. Cuối cùng, nhóm người quá khích vẫn lấy được thi thể người bệnh. Wahyu Basuki, lãnh đạo cảnh sát địa phương, xác nhận lực lượng an ninh đã bị áp đảo.
Trước đó vài ngày, bệnh viện Stella Maris đã có 2 vụ người thân đến cướp thi thể bệnh nhân, theo giám đốc Luisa Nuhuhita. Người phát ngôn cảnh sát Nam Sulawesi khẳng định việc lấy thi thể chưa được bệnh viện cho phép là tội danh hình sự và có thể gây tác hại đến cộng đồng.
Nhiều vụ việc tương tự đã được ghi nhận ở Indonesia thời gian qua. Trong một số trường hợp, gia đình bệnh nhân cho rằng người thân của họ không nhiễm Covid-19, mặc dù kết quả xét nghiệm tại bệnh viện là dương tính.
Đa số các trường hợp cướp thi thể bệnh nhân không tiến hành chôn cất theo đúng quy định phòng ngừa Covid-19 của cơ quan y tế Indonesia.
"Trong truyền thống của người Indonesia, đối với mọi tôn giáo và văn hóa, cái chết là một giai đoạn rất quan trọng của cuộc đời. Trong khi đó, quy định về chôn cất đối với Covid-19 rất đơn giản và chóng vánh. Một vài người xem đó là thiếu tôn trọng và không thể chấp nhận được về mặt văn hóa", nhà xã hội học Amika Wardhana, Đại học Yogyakarta, nhận định.
Bên cạnh đó, cách ứng phó thiếu hiệu quả của chính phủ trước Covid-19 có thể khiến người dân không ý thức đúng về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Tính đến ngày 9/6, Indonesia đã ghi nhận hơn 33.000 ca nhiễm và hơn 1.900 ca tử vong. Tuy nhiên, những bất cập trong xét nghiệm khiến một số người lo ngại con số trên thực tế cao hơn thống kê.