Nhiều yếu tố góp phần làm cho tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 ở Indonesia, bao gồm sức khỏe nói chung, các lỗ hổng trong hệ thống y tế, các chuyên gia được Channel News Asia phỏng vấn cho biết.
Người ta tin rằng tuổi già và các điều kiện y tế tồn tại trước đó đóng một phần quan trọng làm tăng tỷ lệ tử vong. Nhưng với trường hợp của Indonesia, nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Á, các yếu tố khác như tỷ lệ người dân hút thuốc lá cao và những phản ứng không kịp thời của chính quyền cũng là chìa khóa.
Pandu Riono, nhà dịch tễ học người Indonesia, cho biết có nhiều yếu tố có thể dẫn đến cái chết khi nhiễm Covid-19, từ tuổi của bệnh nhân, đến các tình trạng tiềm ẩn mà người bệnh mắc phải.
“Nhiều người Indonesia thường không đủ sức khỏe và điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Hầu hết người Indonesia không chăm sóc phổi tốt, vì phần lớn họ hút thuốc”, ông Riono nói.
Indonesia là quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới, khoảng 75%, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2015. Ông cũng nói rằng đây là lý do khiến nhiều người mắc bệnh tim, cao huyết áp và tiểu đường.
Kể từ khi Indonesia báo cáo cái chết đầu tiên vì Covid-19 vào giữa tháng 3, chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố 2 ca nhiễm đầu tiên của đất nước, tỷ lệ tử vong ở Indonesia luôn ở mức cao, khoảng 8-9%.
Số liệu được tính dựa trên số ca nhiễm và số ca tử vong được báo cáo. Tỷ lệ tử vong ở Philippines khoảng 6,5%. Singapore và Malaysia lần lượt là 0,1% và 1,7%. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc khoảng 5,6%. Con số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc là 2% và 3%.
Chính quyền phản ứng chậm
Sự phản ứng chậm của chính quyền trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh là một yếu tố. Đầu tháng 3, cả Indonesia chỉ có một phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Thân nhân của người chết do Covid-19 chỉ được phép đứng nhìn việc chôn cất từ xa. Ảnh: AFP. |
Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ dịch họng bệnh nhân trả về rất chậm, điều này cản trở nhân viên y tế điều trị phù hợp cho bệnh nhân, dẫn đến sự tồn đọng bệnh nhân chờ điều trị trong các bệnh viện.
Các bệnh viện nhanh chóng quá tải bệnh nhân. Đội ngũ y tế bị quá tải, họ phải làm việc quá sức trong khi thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, dẫn đến nhiều bác sĩ và y tá nhiễm bệnh. Nếu các cơ quan chức năng hành động nhanh chóng và chỉ định các cơ sở y tế chuyên xử lý bệnh nhân Covid-19, thì có thể tối ưu hóa nguồn lực tập trung vào một số bệnh viện.
Nếu tất cả giường bệnh có thể được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 có thể giảm được tỷ lệ tử vong, vì nó tập trung vào dịch bệnh, thay vì chỉ điều trị một vài bệnh nhân nhất định trong phòng cách ly của bệnh viện, ông Riono nhận xét.
Bác sĩ Lia Partakusuma, tổng thư ký Hiệp hội các bệnh viện ở Indonesia đồng tình với quan điểm của chuyên gia Riono. “Có thể ban đầu bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ, nhưng không được điều trị đúng cách khiến họ trở nên yếu đi”, bác sĩ Partakusuma nói.
Dữ liệu hiện tại cho thấy khoảng một nửa trong số bệnh nhân Covid-19 được báo cáo ở thủ đô Jakarta, đưa khu vực này thành ổ dịch lớn nhất Indonesia. Tuy vậy, bác sĩ Partakusuma lo ngại rằng nhiều tỉnh khác tình hình thực tế còn tồi tệ hơn thủ đô.
“Cơ sở vật chất tại các bệnh viện khu vực vẫn chưa đầy đủ, nhưng nó là một quá trình đang diễn ra”, bác sĩ Partakusuma nói. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Indonesia có 1,2 giường bệnh trên 1.000 dân. Con số này ở Malaysia và Singapore lần lượt là 1,7 và 2,4.
Bên cạnh yếu tố giường bệnh, bác sĩ Partakusuma lưu ý rằng tỷ lệ xét nghiệm ở Indonesia được xem là thấp hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là khi so sánh với dân số 260 triệu người của nước này.
Tính đến hôm 22/4, Indonesia mới tiến hành xét nghiệm 55.000 mẫu bệnh phẩm. Trong khi đó, Malaysia đã thực hiện 115.000 xét nghiệm với dân số 32,6 triệu người. Singapore tiến hành hơn 80.000 xét nghiệm với dân số 5,7 triệu người.
Indonesia xác nhận hơn 7.700 ca nhiễm Covid-19 và 640 ca tử vong.
Chỉ là phần nổi của tảng băng
Các chuyên gia đồng ý rằng Indonesia cần có thêm xét nghiệm Covid-19, cũng như số liệu tin cậy, để có thể cung cấp bức tranh chính xác hơn về đại dịch.
“Xét nghiệm ở Indonesia được tiến hành một cách hạn chế và thường là chỉ thực hiện cho các bệnh nhân triệu chứng nặng. Điều này dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, vì số lượng lớn các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chưa được xét nghiệm”, bác sĩ John MacArthur, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Quốc gia Mỹ (CDC) ở Thái Lan nói.
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ sắp xếp các quan tài dành cho người chết vì Covid-19 tại một nhà tang lễ ở tỉnh Tây Java. Ảnh: Reuters. |
Giáo sư Zubairi Djoerban, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang đứng trên đỉnh của tảng băng trôi, số ca bệnh thực tế có thể cao hơn rất nhiều so với con số được báo cáo”.
“Đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 5 hoặc tháng 6, thời điểm mà chúng tôi có thể ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm, khi đó tỷ lệ tử vong sẽ gần hơn với thực tế”, giáo sư Djoerban nói thêm.
Tổng thống Widodo đã kêu gọi thực hiện nhiều xét nghiệm hơn, cũng như tính minh bạch của dữ liệu. Chính phủ Indonesia cho biết họ đã tăng tốc độ xét nghiệm lên 12.000 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày.
Các chuyên gia được phỏng vấn cũng ghi nhận quy trình thu thập dữ liệu cần được cải thiện. Bác sĩ Hasbullah Thabrany, chuyên gia về sức khỏe tại ThinkWell Global, một tổ chức phi lợi nhuận về phát triển hệ thống y tế, cho biết những người được điều trị tại bệnh viện đã trải qua những cơn nguy kịch, vì họ không được phát hiện sớm do thiếu xét nghiệm trong cộng đồng.
“Do đó, điều quan trọng là phải có dữ liệu về số ngày trung bình mà bệnh nhân Covid-19 tử vong, sau khi họ được xác định dương tính với virus, cũng cần có thêm thông tin về tình trạng của họ khi nhập viện”, ông Thabrany nói.
“Dữ liệu đó sẽ giúp giải thích liệu bệnh nhân tử vong do chất lượng dịch vụ y tế kém, hay họ nhập viện quá muộn. Nếu là yếu tố thứ 2, đó có thể là do sự thiếu kỷ luật từ phía bệnh nhân hoặc họ không có quyền tiếp cận vào cơ sở chăm sóc y tế”, bác sĩ Thabrany nói.
Vị bác sĩ cho biết cần có thêm số liệu được công bố về những bệnh nhân bị từ chối do bệnh viện quá tải. Trong một cuộc họp báo hôm 23/4, Tiến sĩ Wiku Adisasmito, người đứng đầu nhóm chuyên gia trong lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, thừa nhận tỷ lệ tử vong cao tại thời điểm này do hạn chế về xét nghiệm sớm và chẩn đoán muộn.
Với những nỗ lực để tăng công suất phòng thí nghiệm, bổ sung nguồn nhân lực và cải thiện chất lượng dữ liệu, tỷ lệ tử vong ở Indonesia sẽ trở nên đáng tin cậy hơn trong tương lai, ông Adisasmito cho biết.