Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề đào mộ ở Indonesia không có thời gian thở vì quá nhiều thi thể

Những người đào huyệt mộ tại nghĩa trang ở thủ đô Jakarta bận tới mức "không có thời gian thở" trong bối cảnh số người tử vong vì Covid-19 gia tăng nhanh chóng.

Dưới cái nắng gay gắt đầu tháng 4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, những người làm nghề đào huyệt mộ tại nghĩa trang như Minar vẫn luôn tay đào xới, bất kể thời gian.

Người đàn ông 54 tuổi cho biết, trong 33 năm làm nghề đào huyệt tại nghĩa trang Pondok Rangon, ông chưa từng bận rộn như những ngày qua, theo Channel NewsAsia.

"Không có thời gian để thở"

Kể từ khi thủ đô Jakarta công bố ca tử vong đầu tiên liên quan đến Covid-19 vào giữa tháng 3, số người chết vì dịch bệnh đã không ngừng gia tăng. Công việc đào huyệt của ông Minar, vì vậy, cũng bị ảnh hưởng.

"Công việc của tôi giờ rất khác. Tôi hầu như không có thời gian để thở. Tôi nhiều lúc rất mệt mỏi bởi có quá nhiều thi thể được chuyển tới mỗi ngày, kiệt sức vì phải đào đất không ngừng nghỉ", ông Minar nói với Channel NewsAsia.

Đến ngày 21/4, Indonesia đã có khoảng 7.100 ca nhiễm Covid-19. Quốc gia này có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất khu vực Đông nam Á, khoảng 9%. Một nửa trong số trường hợp tử vong xảy ra ở thủ đô Jakarta, khoảng 300 ca.

nguoi dao mo tai Indonesia anh 1

Một quan tài được đưa vào huyệt mộ ở nghĩa trang Pondok Rangon, thủ đô Jakarta. Ảnh: Channel NewsAsia.

Những ngày qua, chính quyền Jakarta đã ra chỉ thị, theo đó những người tử vong vì Covid-19, cũng như các trường hợp tử vong vì nghi nhiễm dịch bệnh, sẽ chỉ được chôn tại hai nghĩa trang công cộng, một trong số đó nằm ở phía dông thủ đô Jakarta nơi ông Minar làm việc. Nghĩa trang còn lại nằm ở phía Tây thủ đô.

Quan chức Jakarta cho biết hơn 1.000 thi thể đã được chôn tại các hai nghĩa trang của thành phố theo các quy định về chôn cất người nhiễm Covid-19, nguyên nhân bởi thực tế nhiều bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 đã tử vong trước khi có kết quả xét nghiệm dịch tễ.

Chạy đua với thời gian

Tại nghĩa trang Pondok Rangon, chính quyền Jakarta chi tiền để thuê khoảng 80 người làm nghề đào huyệt. Những người này thường được chia thành 4 đội, làm việc theo ca.

Mỗi đội có công việc riêng được phân chia theo từng tuần, ví dụ như đào huyệt, vệ sinh huyệt, cắt cỏ và làm sạch đường cống thoát nước của nghĩa trang. Sau mỗi tuần, các đội lại luân phiên thay đổi nhiệm vụ với nhau. Điều này có nghĩa là, thông thường, ông Minar chỉ phải đào huyệt một tuần mỗi tháng.

Trước đại dịch, vào một ngày đẹp trời, người đàn ông 54 tuổi thậm chí chẳng cần động xẻng đào huyệt mộ, bởi đơn giản nghĩa trang không tiếp nhận thi thể mới. Có thời điểm cả một đội cùng đào một huyệt, khiến công việc trở nên nhẹ nhàng hơn.

Thế nhưng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đào huyệt trở thành công việc hàng ngày, dù theo lịch, nhóm của ông Minar được phân công làm nhiệm vụ khác. Để đào xong một huyệt mộ cần mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Mỗi ngày, ông Minar đào khoảng tới 5 huyệt mộ.

Các nhà khoa học tin rằng virus corona có thể vẫn còn tồn tại trên thi thể bệnh nhân đã tử vong, vì thế nguyên tắc chôn cất người nhiễm Covid-19 là tiến hành sớm nhất có thể, để giảm tối thiểu nguy cơ làm lây lan virus.

"Ở đây chúng tôi phải chạy đua với thời gian. Đôi lúc một thi thể được chuyển tới mà các huyệt mộ còn chưa sẵn sàng", ông Minar nói.

Nghi lễ chôn cất giữa mùa đại dịch cũng trở nên khác lạ so với trước kia. Gia đình người đã khuất thường không trực tiếp quan sát lễ hạ thổ. Số người có mặt bên huyệt mộ sau khi hoàn tất việc chôn cất không được quá 5 người.

Ông Minar cho biết thường phải kiềm chế sự xót thương mỗi khi nhìn thấy các gia đình nói lời vĩnh biệt người thân đã khuất từ xa, do không được tập trung bên huyệt mộ.

nguoi dao mo tai Indonesia anh 2

Gia đình thân nhân quan sát lễ chôn cất từ xa. Ảnh: AFP.

Nỗi lo mang bệnh về nhà

Công việc đào huyệt của ông Minar trong những ngày dịch bệnh bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc khoảng 6h chiều, khi Mặt Trời đã lặn. Cùng với việc đào mộ, Minar tham gia chuyển thi thể từ xe cứu thương tới tận vị trí đặt huyệt. Ông được trang bị bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân.

"Tôi thực sự lo lắng bởi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm. Dù sợ hãy nhưng đây là trách nhiệm của tôi, tôi cũng chẳng thể nói gì khác được", Minar cho biết.

Dưới thời tiết nắng nóng tại Jakarta, việc mặc đồ bảo hộ y tế toàn thân là một thử thách thực sự với người đàn ông 54 tuổi.

"Cảm giác như toàn thân bị thiêu đốt. Bộ đồ đó không thoải mái chút nào. Đôi lúc khi xe cấp cứu đến, tôi đã sẵn sàng bắt tay ngay vào việc, nhưng rồi lại phải chờ thêm hàng chục phút", ông Minar cho biết.

Bất chấp thời tiết, công việc của những người đào huyệt mộ như ông Minar không có thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt trong bối cảnh các ca tử vong gia tăng không ngừng.

Người đàn ông cũng lo sợ mang virus trở về nhà, lây bệnh cho 5 đứa con trong gia đình. Các thành viên gia đình lo lắng cho công việc của ông Minar, nhưng không có cách nào khác ngoài cầu nguyện mọi sự tốt lành đến với người đàn ông.

"Họ động viên tôi rất nhiều bởi họ hiểu tôi cũng đang đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19", ông Minar cho biết.

Minar cho biết ông và các đồng nghiệp cũng nhận được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, những người cảm thông với công việc nguy hiểm tại nghĩa trang chôn cất bệnh nhân nhiễm Covid-19. Những người đào huyệt thường xuyên được tiếp tế đồ ăn trưa, trang thiết bị bảo hộ, cũng như kiểm tra y tế từ các tổ chức từ thiện.

Yên ắng bất thường trước tháng Ramadan

Giống như mọi nơi khác trong thế giới Hồi giáo, người dân Indonesia chuẩn bị bước vào tháng lễ Ramadan linh thiêng. Vài ngày trước khi tháng lễ Ramadan bắt đầu, các tín đồ sẽ viếng thăm mộ người thân. Các nghĩa trang, vì thế, luôn đông nghẹt người tới thờ cúng, cũng như những gánh hàng rong bán đủ loại thức ăn, hoa quả.

Thế nhưng, những ngày cận tháng Ramadan năm nay bao trùm trong sự vắng lặng, khi người dân Indonesia bị cấm tổ chức các nghi lễ tôn giáo tại thủ đô Jakarta vì lệnh phong tỏa.

nguoi dao mo tai Indonesia anh 3

Một quan tài được đưa từ xe cứu thương tới vị trí huyệt mộ. Ảnh: Reuters.

"Tôi đã làm việc ở đây hàng chục năm, chưa khi nào vắng vẻ như năm nay. Chỉ có một hoặc hai người tới mỗi ngày, họ giữ khoảng cách với chúng tôi", ông Minar cho biết.

Thông thường, khách viếng thăm sẽ biếu những người làm việc tại nghĩa trang những món tiền nhỏ như lời cảm ơn vì đã chăm sóc mộ phần của những người đã khuất. Năm nay, khi không còn khách thăm viếng, thu nhập của Minar vì vậy giảm đi đáng kể.

"Tôi có buồn một chút bởi những người lao động bị mất đi nguồn thu. Tôi hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ sớm qua. Và với tháng lễ Ramadan đang tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc cầu khấn", Minar nói.

Bất chấp khối lượng công việc ngày càng gia tăng vì dịch bệnh, người đàn ông 54 tuổi cho biết đã lên kế hoạch cho các hoạt động truyền thống của người Hồi giáo trong tháng Ramadan.

"Điều quan trọng nhất là tôi làm công việc của mình một cách chân thành, điều đó sẽ không phải là gánh nặng nữa. Tôi chỉ hy vọng mọi người sẽ khỏe mạnh và dịch bệnh sớm kết thúc, đó là hy vọng duy nhất", ông Minar nói.

Cảnh sát Indonesia lập đội đặc nhiệm ở nghĩa trang vì Covid-19

Cảnh sát Jakarta đã thành lập đội đặc nhiệm bảo vệ việc chôn cất nạn nhân Covid-19, khi người dân sợ hãi và cố ngăn chặn xe chở thi thể đến nghĩa trang.

Tang lễ nhiều bất thường ở Jakarta gây lo sợ về số ca tử vong thực tế

Số tang lễ được tổ chức ở Jakarta vào tháng 3 nhiều bất thường khiến thống đốc khu vực thủ đô Indonesia lo ngại số ca tử vong vì nhiễm virus corona trên thực tế cao hơn thống kê.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm