Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện với tác giả - nhà văn Đỗ Bích Thúy.
- Đọc xong Chúa đất của chị, không khỏi hình dung đến một bộ phim điện ảnh sẽ ra mắt trong nay mai...
- Một vài người bạn của tôi khi đọc bản thảo cũng có nói như thế. Điều ấy cũng có thể lý giải, là bởi cách đây vài tháng, tôi được mời tham dự một trại sáng tác kịch bản của Cục Điện ảnh. Đây cũng là trại sáng tác kịch bản đầu tiên tôi tham gia.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: N.Đ.Toán |
Sau buổi phát động, tôi chuẩn bị hai cái đề cương. Cả hai đề cương này đều được nghiệm thu. Nhưng điều đáng nói là khi làm xong đề cương kịch bản Chúa đất thì tôi, phải nói là bàng hoàng khi nhận ra nó có quá nhiều chất liệu cho một cuốn tiểu thuyết.
Thế là tôi xếp việc hoàn thiện kịch bản sang một bên, nhảy bổ vào viết tiểu thuyết. Viết liên tục trong vòng 17 ngày.
- Đây có phải là kỷ lục của chị?
- Đúng là kỷ lục với chính tôi. Năm ngoái tôi viết tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là trong gần hai tháng, đã thấy mình viết quá nhanh. Không ngờ năm nay viết cuốn này còn nhanh hơn nữa. 17 ngày đúng nghĩa quần quật, quên cả ăn quên cả ngủ, nhiều lúc ngồi trong hội nghị cũng tranh thủ viết ra giấy.
- Dồn dập viết như vậy là do cảm xúc hay có một cái hẹn nào thúc ép chị phải hoàn thành?
- Hoàn toàn là do cảm xúc, nó đầy ứ trong đầu, không viết vội thì sợ nó trôi đi mất. Viết xong cảm giác như bị tẩu hỏa nhập ma. Nhiều đoạn vừa viết vừa cười, nhiều đoạn viết xong ngồi lau nước mắt. Tôi thỉnh thoảng lại bị lên đồng kiểu ấy, viết như điên. Viết xong cảm thấy như vừa bị rút hết cả xương (cười).
- Trở lại với một đề tài về miền núi Hà Giang, chị có thấy thuận tay hơn không?
- Mỗi khi viết về miền núi, bất cứ cái gì tôi đều có cảm giác được quay về nhà mình. Hít thở bầu không khí của mình, uống nước từ con suối của mình. Bây giờ vẫn y như thế.
- “Sống mà như chết thì sống làm gì” - một câu nói của nhân vật Bà Tư (Vàng Chở) - vợ Chúa đất - được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó dường như là một tuyên ngôn về tình yêu của chị dành cho phụ nữ, qua tiểu thuyết này?
- Nói là tuyên ngôn thì cũng to tát quá. Đơn giản, tôi nghĩ cái quan điểm ấy nhiều người chúng ta đều nghĩ được, thấy được. Nhưng thực hiện được như Vàng Chở, hay ngộ ra được như bà Cả thì thật chẳng dễ dàng gì.
Một lần nữa, tôi viết về đàn bà, với niềm yêu thương vô tận. Đàn bà sinh ra không phải để cho đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Đàn bà cũng có quyền mơ ước. Và đàn bà sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, dù nó chỉ đến trong chớp mắt...
Chúa đất do NXB Phụ nữ ấn hành - Ảnh: H.T.P.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ truyền thuyết về chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang). Theo dân gian, Sùng Chúa Đà là một thổ ty người Mông hung ác, sống cách nay khoảng 200 năm. Cuộc đời ông gắn liền với sự tích cây cột đá cao gần 2m, chuyên để treo đến chết những ai trêu ghẹo vợ chúa, và vi phạm luật lệ do ông đặt ra (hiện cột đá này được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang). Tuy nhiên, đọc tiểu thuyết, người đọc không có cảm giác bị chi phối bởi truyền thuyết, tư liệu. Bằng giọng văn tinh tế, Đỗ Bích Thúy khiến người đọc không muốn rời trang sách khi chưa đọc đến trang cuối cùng, để theo dõi một câu chuyện cuốn hút về tình yêu, về thân phận con người... Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975, hiện là phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. |