Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Ấn Độ đua nhau đem vàng đi cầm cố

Khi giá vàng tăng vọt và điều kiện kinh tế trì trệ, người dân Ấn Độ buộc phải thay đổi thói quen tích trữ vàng.

Theo Bloomberg, các hộ gia đình Ấn Độ là những người nắm giữ vàng tư nhân lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh giá vàng chứng kiến xu hướng nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử và nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á trì trệ vì dịch bệnh, người dân Ấn Độ buộc phải mở "kho vàng" tại gia để vay tiền ngân hàng.

Giữ vàng hay vay tiền khi vàng tăng giá?

Tại Ấn Độ, việc đi vay đảm bảo bằng vàng tại các tiệm cầm đồ và các công ty tín dụng thường có mức lãi suất cao cắt cổ. Tuy nhiên, khi các công ty tài chính lớn và các ngân hàng của Ấn Độ cũng tham gia vào lĩnh vực tín dụng thế chấp bằng vàng, mức lãi suất trở nên hạ nhiệt. Các đơn vị tài chính như HDFC Bank và Federal Bank đang tích cực mở rộng các khoản tín dụng dạng này, trong khi Muthoot Finance và Manappuram Finance cấp vốn với điều kiện cực kỳ dễ thở cho khách hàng.

Ngan hang An tan dung nguon vang e che trong dan de kich cau tin dung anh 1

Vàng từng là tài sản tích trữ quan trọng với người dân Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

Trong đó, Manappuram tài trợ vốn thế chấp bằng vàng thông qua hệ thống ngân hàng 24h, thuận lợi cho người dân phải cách ly tại nhà. Các nhân viên sẵn sàng phục vụ khách hàng tại gia. HDFC Bank thì mở thêm loạt chi nhánh hoạt động ở khu vực nông thôn Ấn Độ.

Theo ước tính của Hội đồng vàng thế giới, các hộ gia đình Ấn Độ đang ghim giữ kho vàng khổng lồ trị giá 1.500 tỷ USD, quy mô lớn nhất thế giới. Gắn với đặc thù đời sống tinh thần của người dân Ấn, phần lớn số vàng này được sử dụng như đồ trang sức. Người dân nước này thường đeo vàng trong các dịp đặc biệt, có thông lệ phổ biến là trao tặng vàng như của thừa kế hoặc của hồi môn trong các đám cưới. Đặc biệt, vàng tích trữ trong két còn được coi như một khoản tiền bảo hiểm đáng tin cậy, thậm chí như một khoản tiết kiệm khi nghỉ hưu trong bối cảnh Ấn Độ chưa có một hệ thống phúc lợi xã hội đầy đủ.

Điều này lý giải vì sao chỉ trong điều kiện giá vàng thế giới tăng vọt lên mức gần 2.000 USD/ounce, hoạt động cho vay thế chấp bằng vàng mới có thể khởi sắc. Chưa bao giờ người ta có thể được vay với số vốn còn lớn hơn so với tài sản mà họ nắm giữ.

Tuy nhiên, khu vực cho vay phi chính thức (chợ đen) nắm giữ 65% hoạt động cho vay hỗ trợ bằng vàng trị giá 46 tỷ USD của Ấn Độ, theo ước tính của KPMG. Lãi suất khu vực này trong khoảng 25% đến 50%. Người Ấn Độ cho rằng, chỉ trong tình cảnh bần cùng mới phải đem cầm đồ trang sức của người phụ nữ trong nhà.

“Ở đây, các tiệm cầm đồ nằm ở cuối mỗi con phố và hoạt động với lãi suất cao cắt cổ. Khối vàng dồi dào ở các khu vực này sẽ dần đổ về các thể chế tài chính minh bạch hơn và có lãi suất tốt hơn”, ông Gnanasekar Thiagarajan, giám đốc của Commtrendz Risk Management Services cho hay.

Khó khăn bủa vây, người dân buộc phải thế chấp vàng

Tại Ấn Độ, lĩnh vực cho vay thế chấp bằng vàng vốn có vai trò mờ nhạt trong các ngân hàng. Trong điều kiện kinh tế khắc nghiệt, các nguồn thu khác cạn kiệt khiến các định chế tài chính nước này chuyển hướng thâm nhập tích cực lĩnh vực này.

Khách hàng mà họ nhắm tới điển hình như Paul Fernandes, người vừa phải vay tiền bằng tài sản bảo đảm là đồ trang sức của vợ tại ngân hàng địa phương ven biển Goa. Anh ta dùng số tiền này để trả tiền học cho con cái trong tháng 6. Từng làm trưởng bồi bàn trên tàu du lịch, Fernandes chưa nhận đồng lương nào trong 3 tháng qua từ công ty có trụ sở ở Anh. Anh buộc phải về nước và việc vay vốn giúp gia đình anh trang trải, duy trì cuộc sống. Khoản vay thế chấp bằng vàng có lãi suất 8,5% tại một ngân hàng an toàn được Ferrnandes lựa chọn thay vì đi vay tại tiệm cầm đồ có lãi suất cao hơn. Quá trình vay vốn diễn ra nhanh chóng trong vòng 1 giờ, anh chỉ cần xuất trình chứng minh thư và xác nhận cư trú.

Theo điều khoản, khách hàng được phép chi tiêu lên tới 75% giá trị số vàng thế chấp. Các ngân hàng Ấn tính lãi từ 7% đến 15% trong khi các hãng cho vay thế chấp vàng Manappuram và Muthoot có mức lãi cao hơn, từ ​​12% đến 29%.

Với quy trình cho vay chóng vánh, tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao trong trường hợp rủi ro khiến hệ thống tài chính Ấn Độ nhanh chóng mở rộng quy mô tín dụng thế chấp vàng lên 4.600 tỷ rupee (tương đơng 61 tỷ USD), tăng 34% trong 2 năm tới, theo báo cáo của KPMG.

Ngan hang An tan dung nguon vang e che trong dan de kich cau tin dung anh 2

Khó khăn kinh tế và giá vàng tăng mạnh giúp người dân Ấn Độ vay vốn thế chấp bằng kim loại quý thuận lợi hơn. Ảnh: Newstroop

Việc cách ly xã hội vì dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp Ấn buộc phải đóng cửa, hàng triệu người lâm vào tình cảnh thất nghiệp. Nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á lần đầu tiên chứng kiến sự thu hẹp sau hơn 4 thập kỷ tăng trưởng. Khi tín dụng ngân hàng khó nhìn thấy sự hồi phục cho đến cuối năm 2021 theo ước tính của S&P Global, các khoản cho vay thế chấp bằng vàng là điểm sáng quan trọng.

Bùng nổ thị trường tín dụng bảo lãnh bằng vàng

Ngân hàng HDFC tiếp tục gia tăng số lượng chi nhánh cho vay thế chấp vàng ở khu vực nông thôn trong năm nay, tăng từ 800 chi nhánh trong năm trước. Đơn vị này cho rằng, vàng là một loại tài sản sẵn có dồi dào cùng với khả năng thanh khoản tốt trong điều kiện hiện nay khiến hoạt động cho vay trở nên thuận tiện và khả thi hơn.

Jaikrishnan G., giám đốc KPMG Ấn Độ cho biết các ngân hàng bắt đầu hoạt động tích cực hơn, gây áp lực cạnh tranh với các thể chế tài chính phi ngân hàng. Các hãng buộc phải cung cấp sản phẩm có tính sáng tạo hơn. Indel Money, công ty tài chính phi ngân hàng phía nam Ấn Độ tung ra khoản cho vay thế chấp vàng có thời hạn tới 2 năm, hướng tới đối tượng cá nhân và doanh nghiệp khó khăn vì khủng hoảng dịch bệnh.

Ngan hang An tan dung nguon vang e che trong dan de kich cau tin dung anh 3

Muthoot và Manappuram, hai công ty cho vay thế chấp bằng vàng của Ấn Độ đứng vị trí 23 về dự trữ vàng trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.

CEO của Indel Money cho biết với kỳ hạn kéo dài, so với kỳ phổ biến là 90 hoặc 120 ngày như hiện tại, sẽ giúp khách hàng duy trì quyền sở hữu vàng lâu hơn và giảm thiểu khả năng thanh lý tài sản do khách hàng vỡ nợ.

Trong khu vực cho vay chính thức Ấn Độ, Muthoot và Manappuram vẫn là những tổ chức hàng đầu về cho vay hỗ trợ bằng vàng. Tính đến 31/3, các đơn vị này nắm giữ tới 248,4 tấn vàng đảm bảo của khách hàng, chiếm 50% dự trữ vàng của ngân hàng trung ương châu Âu. Cổ phiếu của hai đơn vị liên tục tăng giá, Muthoot tăng gấp đôi kể từ khi Ấn Độ tuyên bố cách ly xã hội từ đầu tháng 3.

Sự tham gia tích cực của các ngân hàng khiến thị trường cho vay bảo đảm bằng vàng Ấn Độ tăng 20-25% trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng mạnh từ các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình, theo PR Somasundaram, CEO Hội đồng vàng thế giới tại Ấn Độ.

Bên cạnh đó, vị này nhận định: “Dù các khoản tín dụng vàng đang gia tăng, nhưng chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ hơn khi lệnh cách ly được dỡ bỏ, lợi nhuận quay lại và các doanh nghiệp cần vốn để mở cửa hoạt động”.

An Chi

Bạn có thể quan tâm