Thám tử học trò là món quà hấp dẫn của nhà văn Nguyễn Thái Hải dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi. Con trẻ vốn tính tò mò và ham thích phiêu lưu. Chẳng cần phải đi đâu xa, cuộc sống thân thuộc hàng ngày với chuyện ở nhà, chuyện trường lớp cũng ẩn chứa bao điều lý thú. Nhờ những vụ án nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, các thám tử nhí học được bao điều hay.
Xuyên suốt 3 tập với các nhan đề: Vụ trộm ví trong trường, Tí chuột mất tích và Tiếng động đêm vườn bưởi, độc giả nhí sẽ cùng các thám tử phá 23 vụ án đầy ly kì và bất ngờ. Đằng sau những hành động không đẹp lại là những câu chuyện khiến người ta cảm động. Truy tìm kẻ trộm bánh mì là một câu chuyện như thế!
Bộ truyện thiếu nhi Thám tử học trò của nhà văn Nguyễn Thái Hải. |
Quá Ngon là một tiệm phở nổi tiếng và rất đông khách. Chú Chung chủ quán có tính tình cởi mở, thân thiện nên được nhiều người quý mến. Đang yên đang lành, bỗng đâu có vụ ăn cắp vặt làm mọi người cảm thấy rất lo lắng. Chuyện là, chú Chung thường mua một ít bánh mì vào buổi sáng. Người giao bánh sẽ buộc túi bánh ở cửa để khi nào khách thức dậy thì nhận hàng. Nhưng gần đây, sáng nào chú Chung cũng thấy mất một ổ bánh mì.
Là con gái, nhưng tính tình của Phượng tò mò và mạnh bạo chẳng khác nào con trai. Khi nghe chú Chung kể về chuyện này, cô bé nhất định không chịu để yên. Chắc chắn Phượng phải tìm ra hung thủ.
Cô bé quyết tâm dậy từ sáng sớm để theo dõi, mong rằng kẻ trộm sẽ xuất đầu lộ diện. Nhưng khi nhìn thấy hắn trong lòng cô bé không hề có cảm giác hả hê, thoải mái vì đã làm được một việc tốt. Thay vào đó là sự thương cảm dâng đầy trong trái tim của cô bé tốt bụng. Hóa ra, một bệnh nhân tâm thần trốn ra khỏi viện đi lang thang trong thành phố đã ăn trộm bánh mì của chú Chung. Một tên trộm đáng thương nhiều hơn đáng giận!
Gian dối là một tính xấu, nhưng trước khi kết tội ai đó là kẻ nói dối, chúng ta nên cho họ cơ hội để giải thích. Đó là bài học quý mà tác giả muốn gửi gắm trong truyện ngắn Bí mật bài thơ báo tường.
Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam, ban giám hiệu phát động cuộc thi làm báo tường. Lớp 9/7 hào hứng lắm, chăm chút cho đứa con cưng mang tên “Lửa hồng” từng li, từng tí. Và kết quả còn tuyệt hơn cả mong đợi, tờ báo tường của lớp 9/7 đoạt giải nhất. Khi cả lớp đang tận hưởng niềm vui thì “tin dữ” ập đến.
Bài thơ “Thưa thầy, em xin lỗi!” của cô bạn Vân Anh hóa ra không phải là tác phẩm tự sáng tác mà lại là “sản phẩm” được sao chép toàn bộ nội dung, chỉ thay đổi nhan đề. Vân Anh vốn là cô bé hiền lành, thật thà, không lý nào cô bé lại làm chuyện đáng xấu hổ như vậy.
Cô nàng lớp phó học tập Thanh Thanh giận Vân Anh lắm. Vì cô bạn đã làm sai, gây ảnh hưởng đến thành tích của cả lớp nhưng nhất quyết không chịu nhận lỗi. Chứng cứ đã rành rành trước mắt, vậy mà Vân Anh vẫn kiên quyết nói rằng bài thơ đó là do mình tự làm. Cuối cùng thì đâu mới là chân tướng của mọi chuyện? Ai sẽ là người giải nguy cho Vân Anh và tập thể lớp 9/7?
Phần minh họa dễ thương của tác phẩm. |
“Những tên trộm dễ thương” chuyện này nghe lạ lùng quá phải không? Kẻ trộm chắc chắn phải là người xấu chứ? Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ, vụ án Cây xoài cỗi nhà thầy Toàn là một ví dụ.
Trong thời gian thầy giáo bị ốm, Quý phát hiện ra có kẻ trộm đã lẻn vào vườn nhà thầy Toàn. Trong vườn có một cây xoài rất sai quả, nhà vắng người nên chắc lũ trẻ hàng xóm đã lén vào nhặt xoài rụng. Sau một hồi theo dõi tỉ mỉ và chuyên nghiệp, “thám tử” Quý phát hiện ra kẻ trộm là anh em thằng Ngọt. Nhưng chúng chỉ nhặt xoài rụng chứ không hái những quả trên cây nên Quý không vạch trần mọi chuyện.
Khi thầy Toàn ra viện, anh em Ngọt cũng tới hỏi thăm thầy. Chúng mang theo mấy hộp sữa, nói là mua được từ tiền bán xoài thì Quý mới vỡ lẽ. Hóa ra, những chuyện “tai nghe, mắt thấy” đôi khi không phải là sự thật.
Thám tử học trò là một trong số rất nhiều tác phẩm thú vị mà nhà văn Nguyễn Thái Hải dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi trong cuộc đời mấy chục năm cầm bút. Ông vốn là người gốc Bắc, nhưng có thời gian dài sống và làm việc tại Đồng Nai và có tình cảm thân thiết với mảnh đất này. Cái hồn hậu, chất phác và hào sảng của người Nam Bộ được thể hiện một cách rõ nét trong tác phẩm.