Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bố ơi, đừng trách con hư tại mẹ!

​Trẻ nhỏ thường thân thiết với mẹ, nhưng không phải vì vậy mà trách nhiệm dạy dỗ con cái bị đổ dồn lên vai người vợ. Một người cha tuyệt vời sẽ biết cách trở thành bạn lớn của con.

Từ xưa đến nay, chúng ta luôn nghĩ rằng: xây dựng tổ ấm là trách nhiệm của người phụ nữ. Thế nên, những cô vợ phải gồng gánh “trăm mối tơ vò” liên quan đến gia đình, trong đó phải kể đến việc giáo dục con cái. Khi một đứa trẻ mắc lỗi, người ta sẽ quy kết trách nhiệm cho người mẹ. Tại mẹ không biết bảo ban, dạy dỗ nên con cái mới bướng bỉnh, nghịch ngợm. Trong lúc đó, người cha đang ở đâu? Tại sao không ai nhắc tới họ?

Nhiều người đã thuộc nằm lòng câu tục ngữ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” nhưng việc giáo dục con trẻ không chỉ là trách nhiệm của người phụ nữ. Nếu có một người cha nghiêm khắc và luôn biết lắng nghe, thì sẽ không có những đứa trẻ hư. Thế nhưng, dạy dỗ một đứa bé không phải là một việc làm đơn giản. Nhiều ông bố trẻ cảm thấy lúng túng khi giáo dục con cái. Cuốn sách 7 Nghĩa cử của người làm cha của tác giả Makoto Shichida sẽ mang đến cho độc giả nhiều lời khuyên hữu ích.

Làm cha là một bài học lớn

Đối với người phụ nữ, làm mẹ là một thứ bản năng, chín tháng mười ngày cực khổ thai nghén đã phần nào chuẩn bị cho họ một tâm thế nhất định để đón chờ đứa bé đến với thế giới này. Còn đối với người đàn ông thì hoàn toàn ngược lại, làm cha là một quá trình học hỏi lâu dài. Vậy để trở thành người cha tốt, các ông bố trẻ cần chuẩn bị những gì?

7 Nghia cu cua nguoi lam cha anh 1
Cuốn sách 7 Nghĩa cử của người làm cha. 

Đầu tiên, theo nhà nghiên cứu Makoto Shichida các bạn phải học cách trò chuyện, giao tiếp cùng con. Với trẻ nhỏ, đặc biệt trong những tháng đầu đời, ngoại trừ người mẹ, thì ai cũng là người lạ.

Hãy làm quen với bé trước khi dạy cho con biết thế giới này tươi đẹp thế nào. Các ông bố nên bắt đầu bằng việc trò chuyện nhẹ nhàng, tình cảm cùng với vợ. Khi con trẻ cảm nhận được sự gắn kết giữa bố và mẹ, các bé sẽ dễ dàng làm quen với bố hơn.

Dù bạn đi làm về muộn, hãy cố dành một chút thời gian để nói chuyện với con trước khi chúng đi ngủ. Nội dung câu chuyện có thể chỉ xoay quanh việc ngày hôm nay bé đã làm những gì. Khi hai cha con có sự thân thiết, đứa trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ với bố những suy nghĩ và tâm sự của mình. Qua đó, người cha cũng nắm được thiên hướng và tính cách của con để tìm cách uốn nắn sao cho phù hợp.

Nhiều người thường cho rằng: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” để dạy dỗ con nên người, nhất định phải nghiêm khắc. Điều này đúng, nhưng nó không phải là “kim chỉ nam” trong mọi trường hợp. Giáo dục con cái là một việc cần tính linh hoạt. Bên cạnh sự nghiêm khắc, người cha cần khích lệ trẻ đúng lúc và đừng “tiết kiệm” lời khen với con cái khi cần.

Bởi ngoài việc dạy trẻ sống có kỉ luật, trách nhiệm và tôn trọng người khác, các ông bố cũng cần dạy con biết yêu thương. Đặc biệt, đối với các bé trai, cần dạy “những người đàn ông trong tương lai” yêu thương một cách có lý trí và can đảm.

Thế kỉ 21 không có chỗ cho những con người thụ động, vì vậy hãy trang bị cho con lối sống tích cực và chủ động trong mọi việc. Nhiều bà mẹ luôn sợ con làm sai, sợ con vấp ngã nên bao bọc lũ trẻ một cách thái quá. Trong những trường hợp này, sự mạnh mẽ và độc lập của người cha sẽ có đất dụng võ. Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng: sau mỗi lần phạm sai lầm, con trẻ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý.

Để làm ông bố tốt, cần mẹ giúp một tay

Người vợ hãy trở thành “trợ lý” đắc lực của chồng trong việc làm cha. Hai người cần chia sẻ cùng nhau những biểu hiện của con trẻ trong cuộc sống hàng ngày mà mình quan sát được với đối phương, để cùng tìm ra phương pháp giáo dục hợp lý. Ngoài ra, bố và mẹ có thể trở thành “quân sư” cho nhau khi giữa người kia và con cái có bất hòa.

7 Nghia cu cua nguoi lam cha anh 2
Đừng chỉ là một ông bố đơn thuần, hãy trở thành người thầy và luôn là người bạn lớn của con. 

Nếu hai vợ chồng bạn có khúc mắc, hãy giải quyết vấn đề đó một cách riêng tư. Là vợ, đừng bao giờ chỉ trích chồng trước mắt con cái. Khi người mẹ suốt ngày than phiền hay nói những lời không tốt về bố, lũ trẻ cũng sẽ nghĩ rằng bố chúng là người đàn ông kém cỏi và không đáng tin cậy.

Những người vợ đừng phê bình phương pháp giáo dục của người chồng trước mặt các con. Hai người hãy ngồi lại và bàn bạc xem cách nào là tốt nhất cho con trước khi bảo trẻ nên làm thế nào. Đừng để đứa bé lúng túng khi bố nói thế là đúng, nhưng mẹ lại bảo là sai.

7 Nghĩa cử của người làm cha là cuốn sách tiếp theo trong “Tủ sách Giáo dục Shichida Việt Nam”. Hiện nay, “phương pháp giáo dục Shichida” không còn là thuật ngữ xa lạ đối với nhiều ông bố, bà mẹ trẻ. Bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay phương pháp này đã được nhiều bậc cha mẹ trên thế giới áp dụng, trong đó có cả những phụ huynh ở các quốc gia Âu- Mỹ.

Phương pháp giáo dục Shichida đề cao vai trò của người cha trong việc dạy dỗ con cái. Ở các trung tâm giáo dục Shichida trên toàn thế giới, có rất nhiều ông bố tham gia học và chơi cùng con. Làm cha là một quá trình vất vả và nhiều thử thách. Hy vọng rằng, những lời khuyên của nhà nghiên cứu Makoto Shichida trong cuốn sách này sẽ mang lại cho các ông bố trẻ nhiều kinh nghiệm quý.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm