Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đám tang lạnh lẽo của những kẻ khủng bố

Lễ tang của những tên khủng bố thường diễn ra bí mật và nhanh chóng và trước đó gia đình những kẻ này thường phải chật vật tìm nơi chôn cất.

Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik, hai nghi phạm xả súng ở thành phố San Bernardino, được chôn trong một nghĩa trang ở California hôm 15/12. Vây quanh mộ là các nhân viên Cục An ninh Liên bang FBI.

Thi thể của cặp vợ chồng nghi phạm được bọc trong vải trắng và đặt xuống huyệt mộ theo nghi thức truyền thống của người Hồi giáo. Theo Reuters, không nhiều người quen biết có mặt, thậm chí họ đã từ chối đến. 

Một người dự lễ tang cho biết nơi này cách xa chỗ ở của hai tay súng. Ban quản lý nghĩa trang gần đó đã không tiếp nhận vì lo sợ rằng các ngôi mộ sẽ bị báng bổ và nhiều vấn đề khác. Mất một tuần để tìm kiếm nơi an táng cho những kẻ khủng bố. 

Syed Farook và vợ Tashfeen Malik, hai kẻ thực hiện vụ xả súng ở California, Mỹ, hôm 2/12. Ảnh: ABC
Syed Farook và vợ Tashfeen Malik, hai kẻ thực hiện vụ xả súng ở California, Mỹ, hôm 2/12. Ảnh: ABC

Những đám tang lặng lẽ

Theo Washington Post, đây là cái kết vô hình sau những vụ tấn công khủng bố và giết người hàng loạt. Nạn nhân vô tội ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình và những người sống sót. Nhưng đối với gia đình của kẻ khủng bố, chôn cất con cái hay người thân của họ là việc rất cô độc, đầy sợ hãi và xấu hổ. Thậm chí nếu có tổ chức, lễ tang cũng diễn ra rất nhanh chóng. Đôi khi, họ phải đến hết nhà tang lễ này đến nhà tang lễ khác, nghĩa trang này đến nghĩa trang khác để tìm nơi chấp nhận.

"Tôi đã mong con trai mình tự sát đi cho xong, và nó đã làm như vậy thật", Susan Klebold nói. Con trai bà là Dylan Klebold, một trong hai sinh viên đã giết hại 13 người trong vụ việc năm 1999 ở Trường Trung học Columbine, Colorado. Dylan và bạn đồng hành, Eric Harris, đã tự sát sau khi gây ra tội ác. 

"Trong khi mọi bà mẹ khác ở Littleton cầu nguyện cho con họ được an toàn. Tôi đã phải cầu nguyện con mình chết trước khi làm hại người khác", Susan Klebold kể lại. Thay vì chôn Dylan, gia đình quyết định hoả táng. Mục sư chủ trì buổi tang lễ vắng vẻ, với sự giám sát của cảnh sát. 

Trong khi đó, gia đình Harris không tiết lộ nơi yên nghỉ của con trai họ. Harris là một trong nhiều cái tên khét tiếng khác không bao giờ được tìm thấy trong nghĩa trang vì gia đình muốn giấu đi, hoặc cũng có thể vì không có gì để đánh dấu nơi an nghỉ cuối cùng của họ.

Timothy McVeigh là kẻ thực hiện vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma năm 1995 và bị xử tử năm 2001. Trước khi McVeigh chết, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật quy định người từng tham gia chiến tranh vùng Vịnh không được chôn ở nghĩa trang quốc gia Arlington. Tên này sau đó được hoả táng và không rõ nơi rải tro cốt. 

Vô thừa nhận

Tương tự McVeigh, mộ của Tamerlan Tsarnaev, kẻ đánh bom tại giải chạy Boston Marathon năm 2013, cũng là trường hợp gây tranh cãi. Người chú Ruslan Tsarni mong muốn cháu mình được chôn ở Massachusetts nhưng không nơi nào chấp nhận. Theo Los Angeles Times, vợ của Tsarnaev không nhận xác chồng, trong khi gia đình không quay lại Mỹ để chuẩn bị lễ tang.

Người chú nói rằng không ai muốn gắn tên mình với các sự việc xấu xa này nhưng theo lẽ thường tình, người chết vẫn cần được chôn cất. Khi ông còn đang xoay sở tìm nơi chôn Tsarnaev, đám đông biểu tình đã tập trung bên ngoài nhà tang lễ, cầm theo những tấm bảng ghi dòng chữ: "Đừng chôn hắn trên đất Mỹ". Một người lái xe ngang qua còn hét lên: "Hãy thả xác hắn ta xuống biển như Osama bin Laden". 

Hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev là thủ phạm Vụ nổ bom tại cuộc thi chạy marathon ở thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ)
Hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev là thủ phạm trong vụ nổ bom tại cuộc thi chạy marathon ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, năm 2013. Ảnh: CBS News

Peter Stefan, người đồng ý lo hậu sự cho Tsarnaev, nói rằng ông đã nhận nhiều email và cuộc gọi giận dữ từ những người cho rằng tổ chức lễ tang cho một kẻ giết người không phải cách của người Mỹ.

"Chúng tôi có một lời thề khi làm việc này. Tôi có thể được lựa chọn hay không? Không. Tôi có thể tách riêng người có tội và người có tội hay không? Không. Chúng tôi chôn một xác chết. Đó là những gì chúng tôi làm", Stefan nói. 

Theo James Fox, giáo sư tội phạm học tại Đại học Northeastern, một đám tang cho kẻ phạm tội thường rất kín đáo. Các gia đình không muốn gây chú ý và thường không đánh dấu mộ vì sợ rằng chúng sẽ bị xoá đi. Nhưng đôi khi mộ không được đánh dấu vì nhà chức trách lo ngại chúng sẽ trở thành địa điểm để sùng bái hoặc các hành động cực đoan.

Xác của Leon Czolgosz, kẻ ám sát Tổng thống William McKinley, bị giội axit sulfuric cho đến khi phân huỷ. Thi thể John Wilkes Booth, hung thủ giết hại tổng thống Abraham Lincoln, được đưa vào một phòng lưu trữ, sau đó là một nhà kho trong 4 năm trước khi giới chức cho phép chôn trên mảnh đất nhỏ của gia đình.

Tang lễ Booth được tổ chức vào đêm khuya và nơi yên nghỉ chỉ là một đống đất giữa các ngôi mộ khác. Trong suốt nửa thế kỷ, không ai hay biết Booth được chôn ở đó, nhiều người còn suy đoán hắn chưa bị bắt.

Sau vụ khủng bố 11/9, các chuyên gia pháp y tìm kiếm tung tích của người thiệt mạng trong đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc, khu vực Pennsylvania và phát hiện dấu vết của 13 tên không tặc. Tuy nhiên, trong suốt 14 năm qua, chúng vẫn nằm trong các phòng giám định pháp y ở New York và được FBI canh giữ. 

Nguy cơ khủng bố từ các cô dâu ngoại quốc ở Mỹ

Vai trò của nghi phạm nữ người Pakistan trong vụ xả súng ở California làm dấy lên mối lo ngại rằng các cô dâu ngoại quốc ủng hộ IS có thể kết hôn với người Mỹ để "tử vì đạo".

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm