Khu vực Amazon ban đầu không có vàng, bạc như ở Trung Mỹ, nhưng lại bị khai thác mạnh mẽ vì có nguồn gỗ gần như vô tận.
Cây Brazilwood trong rừng sản sinh ra chất nhuộm màu đỏ. Hoàng gia Pháp chuộng màu đỏ nên Brazilwood lọt vào tầm ngắm của người châu Âu muốn kiếm lời. Loài cây này bị khai thác nhiều tới mức trở thành tên của đất nước Brazil sau này.
Ban đầu người bản xứ được khuyến khích khai thác gỗ để bán, nhưng sau đó họ bị bắt làm nô lệ và cưỡng ép phá rừng, vốn là mái nhà và nguồn sống của họ, theo bài viết trên trang The Conversation của tác giả Darren Reid, giảng viên đại học Coventry ở Anh.
Một khi rừng bị chặt, đất được biến thành đồn điền, dùng nô lệ để sản xuất các nông sản thu lời lớn như đường. Chế độ nô lệ ngày càng lớn mạnh, không chỉ dùng người dân ở Nam Mỹ mà còn buôn bán từ châu Phi.
Người bản xứ bị xích lại, bắt làm nô lệ ở đồn điền cao su trong thế kỷ 20 ở khu vực rừng Amazon ở Peru. Ảnh: Wikimedia Commons. |
500 năm kinh tế toàn cầu phá hủy Amazon
Rừng Mata Atlântica, nằm dọc bờ đông của Brazil, là mục tiêu khai thác lớn của thực dân. Trong 500 năm, 92% rừng này đã bị phá hủy, xóa sổ nơi phát triển của hàng trăm văn hóa khác nhau trong suốt thiên niên kỷ trước đó. Một số lượng khổng lồ các loài sinh vật cũng đã biến mất.
Thế kỷ 19, người Anh tiếp tục phá rừng làm đồn điền cao su. Dù bề ngoài, Anh kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng công ty Peruvian Amazon Company của Anh lại dùng vũ lực để bắt người bản xứ làm nô lệ.
“Tội ác kinh hoàng gây ra đối với người bản xứ Amazon, giữa cơn sốt cao su, được thực hiện ở quy mô chưa từng thấy kể từ những ngày đầu người Tây Ban Nha chiếm đóng (châu Mỹ)”, nhà nhân chủng học Wade Davis từng bình luận, theo The Conversation.
Năm 1928, đến lượt tài phiệt Mỹ Henry Ford tới xây thị trấn làm cao su ở sâu trong rừng Amazon, phục vụ cho xăm, lốp và van trong xe Ford của ông.
Đường vào thị trấn sản xuất cao su phục vụ công ty xe hơi Ford. Ảnh: Henry Ford Collection. |
Đến giữa thế kỷ 20, dân số bản địa đã giảm 80-90%. Trong khi đó, nhu cầu thịt bò toàn cầu tiếp tục khiến rừng Nam Mỹ bị chặt phá lấy chỗ chăn nuôi.
Các nhãn hàng toàn cầu như McDonalds được cho là có liên quan đến thịt bò Brazil, một nửa trong số đó được sản xuất trên đất từng là rừng mưa Amazon. Nếu như đường và cao su nhiều thế kỷ trước đẩy người bản xứ vào chế độ nô lệ, nhu cầu thịt bò toàn cầu ngày nay tiếp tục khiến người bản xứ mất rừng, mất đất sinh sống.
Những người Kaingang bị mất mảnh đất sinh sống do phá rừng Mata Atlântica. Ảnh: Darren Reid. |
Những mối nguy mới của thế kỷ 21
Cuộc khủng hoảng cháy rừng hiện nay khởi nguồn từ việc những công ty đào vàng, khai thác gỗ, và nông nghiệp đốt rừng để lấy đất làm ăn. Quá trình này lại được cổ vũ bởi chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro và ngành nông nghiệp đầy quyền lực.
Những người bị mất đất chịu ngày càng nhiều nguy cơ, nhất là những nhóm chưa tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chưa miễn dịch với bệnh tật mới, và cũng chưa có kiến thức để tự bảo vệ khỏi các thế lực chính trị trong xã hội hiện đại.
Không giống ở Mỹ, các cánh rừng ở Amazon dày tới mức có nhiều khu vực chưa được vẽ trên bản đồ, có nhiều nhóm người chưa được biết tới, và cuộc sống của họ gần như không bị quấy rầy từ thời thực dân châu Âu cho tới thời Brazil hiện đại, theo The Conversation.
Họ đã mạnh mẽ sinh tồn hơn 500 năm nay dù chịu nhiều đau thương từ thực dân. Nhưng ngày nay, họ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ từ nền kinh tế toàn cầu đang hủy hoại rừng và con người Amazon để kiếm những món lợi kếch xù. Đặt trong bối cảnh này, đợt cháy rừng lan rộng kỷ lục gần đây chỉ là một chương mới trong một câu chuyện dài và buồn vẫn chưa lóe lên kịch bản hy vọng nào, và những đám cháy rừng Amazon - đe dọa nơi sinh sống của các bộ tộc bản địa - đã được nhen nhóm từ 500 năm trước.
Ngày 23/8 mới đây, ông Bolsonaro phát biểu sẽ “không khoan nhượng” với tội phạm môi trường, và điều lực lượng vũ trang sẽ tới Amazon chữa cháy. Nhưng trong cùng bài phát biểu, ông tái khẳng định cần tạo cơ hội kinh tế cho dân cư Amazon, cho thấy ông sẽ không lùi bước trong việc ủng hộ khai thác khoáng sản và nông nghiệp quy mô lớn tại đây, theo TIME.
Một trong những bước đi đầu tiên của ông Bolsonaro đầu năm 2019 là chuyển cơ quan hỗ trợ người bản xứ về dưới trướng của Bộ Nông nghiệp - làm cơ quan này yếu đi, theo giới quan sát.
Ở làng Feijo, phía tây Brazil gần biên giới Peru, người bản địa từ bộ lạc Shanenawa nhảy múa quanh vòng tròn cầu cho các đám cháy rừng chấm dứt. Ảnh: Reuters. |
“Kho báu” Amazon tiếp tục bị bóp nghẹt, đốt phá
Không những thế, ông Bolsonaro còn đe dọa mở rộng diện tích khai mỏ, và ngừng cấp chứng nhận đất định cư của người bản xứ.
Đây là kịch bản rất tệ đối với người bản xứ, và cũng là thảm họa với môi trường. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, quyền về đất đai là thành trì để các cộng đồng chống lại biến đổi khí hậu. Chẳng hạn ở Brazil, lãnh thổ người bản địa được bảo vệ trong hiến pháp, giúp ngăn chặn công ty nông nghiệp, khai mỏ, khai thác gỗ lấn chiếm.
Nhưng chính phủ của Bolsonaro lại đang muốn dập tắt quy trình chứng nhận ranh giới đất người bản địa. Hiện đã có 440 vùng được chứng nhận, nhưng đang có 127 vùng mới chỉ qua vòng xem xét đầu tiên, và 115 vùng khác chưa qua vòng đầu.
Truyền thống “tự cung tự cấp” của các cộng đồng cũng là “lá chắn” chống phá rừng. Họ thường trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ, làm đồ đạc dựa vào sản phẩm từ rừng một cách bền vững. Họ dùng dầu từ cây, đánh cá, trồng sắn để làm bột. Họ cũng bảo vệ rừng, vì “các cộng đồng truyền thống luôn canh gác rừng”, theo Ageu Lobo Perreira, chủ tịch một “cộng đồng truyền thống” được chính phủ công nhận.
Một nhóm người bản xứ đang khảo sát mảnh đất quê hương mình đã bị người khai thác gỗ chặt phá ở vùng Humaita thuộc bang Amazon. Ảnh: Reuters. |
Nhưng không may, những cộng đồng nói trên đang gặp nguy cơ, vì ngân sách liên bang dành cho bảo vệ môi trường, hỗ trợ giáo dục công, y tế công bị cắt. Họ phải dời đi nơi khác để con cái có chỗ học, gia đình có chỗ khám bệnh.
Những cộng đồng “canh gác rừng” này cũng thường chịu bạo lực từ tay những kẻ tới chiếm đất. Sau khi Ageu Lobo Perreira phản đối công ty khai mỏ thăm dò đất của cộng đồng mình, ông bị đe dọa giết và phải rời nơi ở vài tháng.
“Có những nơi mà quyền lực của nhà nước, của pháp luật không vươn tới”, André Cutrim, giáo sư quản lý tài nguyên môi trường ở đại học liên bang Pará, nói với tạp chí TIME.
Điều này khiến những kẻ cướp đất càng lộng hành bất chấp luật pháp có ghi thế nào. Chặt cây, đốt rừng trái phép trở nên dễ dàng, còn cơ quan môi trường vốn đang bị bóp nghẹt lại khó hoạt động, nhất là trước đe dọa bạo lực.
Ông Cutrim nói chính quyền Bolsonaro đang dùng giọng điệu kích động. “Thông điệp của chính quyền này không phải hòa giải, mà là đối đầu”, ông nói, và cho biết điều này khiến những người ủng hộ ông lấn tới, ra sức thỏa mãn lợi ích của mình, bao gồm cả việc đốt phá “kho báu” của đất nước.
Trong bức ảnh chụp từ trên cao, gỗ đang bị chặt phá trái phép tại vùng Humaita thuộc bang Amazon. Ảnh: Reuters. |