Sáng 5/10, một lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đã chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy xử lý nghiêm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy) về việc sử dụng bằng của chị gái để thăng tiến.
Cấp trên của bà Thảo đã nhận trách nhiệm về công tác quản lý cán bộ và khẳng định không biết có ai nâng đỡ bà Thảo hay không.
Bà Thảo được xác minh lý lịch ra sao?
Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết trước đó Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận được đơn tố bà Thảo cáo sử dụng bằng cấp không đúng. Khi nhận được đơn, Thường trực Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy xác minh vụ việc. Sau đó, bà Thảo đã thừa nhận sai phạm.
Sau khi xác minh, ngày 3/10, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã họp và thống nhất xử lý nghiêm sự việc theo quy định vì đây là cơ quan trọng yếu, cơ mật.
Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Thượng Hải thừa nhận thiếu sót trong việc quản lý cán bộ. Ảnh: Minh Lộc. |
Cũng theo ông Hải, việc xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho bà Thảo được gửi qua đường công văn sang tỉnh Lâm Đồng (quê của bà Thảo). Cấp ủy bên Lâm Đồng xác nhận hồ sơ là đúng, gia đình của bà Thảo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Riêng gia đình bên chồng, do đã có người là đảng viên nên lấy cơ quan đơn vị công tác để xác minh rồi tiến hành kết nạp Đảng.Đối với bằng cấp, do bà Thảo sử dụng bằng của chị gái, là bằng thật nên không phát hiện.
"Thay mặt lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, tôi xin nhận thiếu sót này và xem đây là bài học đắt giá trong quản lý cán bộ vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Còn việc có ai nâng đỡ bà Thảo hay không thì tôi không thể biết được", vị Chánh văn phòng Tỉnh ủy nói.
Khai trừ Đảng, buộc thôi việc
Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk, nữ cán bộ này đã thừa nhận sai phạm. Văn phòng Tỉnh ủy đang làm các quy trình để khai trừ Đảng, cách chức và buộc thôi việc đối với bà Thảo.
“Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình công tác và bổ nhiệm của cô Thảo xem sai do cố tình hay vô ý rồi đưa ra hướng xử lý đối với những cá nhân, tập thể liên quan. Đảng quy định nếu bổ nhiệm không đúng thì phải thu hồi quyết định. Sự việc này diễn ra từ các nhiệm kỳ trước nên cần rà soát lại các bước để đưa ra hướng xử lý thích hợp”, lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk nói.
Đánh giá về sự việc vừa được phát hiện, ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết để xảy ra việc này trách nhiệm chính thuộc về người giới thiệu, thẩm tra lý lịch đối với nữ cán bộ.
Nếu cô này bị khai trừ Đảng buộc thôi việc thì những người thẩm tra cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
“Chậm phát hiện sự việc là do cán bộ chủ quan, không làm hết trách nhiệm khi đi thẩm tra. Do đó Tỉnh ủy Đắk Lắk cần xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Y Luyện nói.
Năm 1999 bà Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng cấp 3 của chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa để xin việc vào làm tại Công ty xuất nhập khẩu 2/9 (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau đó, bà Thảo dùng bằng cấp 3 này tiếp tục học Trung cấp kế toán.
Từ năm 2005 đến 2009, bà Thảo làm kế toán tại nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk). Quá trình làm việc tại nhà khách, bà Thảo học Đại học từ xa (thuộc Đại học Đà Nẵng) để lấy bằng Đại học kế toán. Năm 2007, bà Thảo được bổ nhiệm là Kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Đến tháng 10/2009, bà được điều động về làm kế toán tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đến năm 2015, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó phòng Quản trị, rồi sau đó là Trưởng phòng.