Vào những năm 1980, Đại tá Trịnh Nguyên Huân đã cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến hơn 10 nước tại Châu Phi với vị trí là một người trợ lý. Trong chuyến công du này, ông lần đầu được nhìn thấy tình cảm của người dân ở một xứ sở xa xôi dành cho Đại tướng nhiều đến như nào.
Theo ông Huân, khi đặt chân xuống Algeria, người dân đứng quanh tiếp đón rất đông. Ai nấy cũng cầm cờ và hô vang ba tiếng: “Hồ Chí Minh” , “Võ Nguyên Giáp”, “Điện Biên Phủ”. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng đặc biệt của Đại tướng ở những nước từng là thuộc địa. Họ là dân tộc được truyền cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ để đứng lên đấu tranh giành lại độc lập từ tay thực dân. Không chỉ hô vang tên, nước bạn còn bắn 21 phát đại bác để chào mừng. Đây là một nghi thức rất trang trọng để chào đón Đại tướng.
“Tên tuổi của Đại tướng có tầm ảnh hưởng lớn với Algeria. Sau chiến thắng năm 1954 của Việt Nam, Algeria là nước tiếp theo giành được độc lập vào năm 1962. Kéo theo đó là một loạt các cuộc đấu tranh nổi lên tại khu vực này chống lại thực dân Anh, Pháp, Bồ Đào Nha... Mạng lưới thuộc địa ở đây dần tan rã. Cho tới năm 1980, khi đại tướng sang thăm, phong trào giải phóng vẫn còn rất mạnh mẽ”, Đại tá Trịnh Nguyên Huân chia sẻ.
Trong chuyến đi kỷ niệm độc lập của Algeria, cố vấn của Tổng thống Mỹ đã hỏi Đại tướng rằng: “Chiến lược của ngài là gì?”. Đại tướng đáp rằng: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là một vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Không chỉ riêng lần gặp gỡ đó, đến năm 1990, khi tới thăm các nước châu Âu, ông Trịnh Nguyên Huân một lần nữa thấy Đại tướng nhấn mạnh điều này. Ông viết vào trong cuốn sổ lưu niệm đặt tại phòng họp từng tổ chức hội nghị Geneve rằng: “Võ Nguyên Giáp - General de le paix. Tức vị tướng của hòa bình”.
Những chuyến đi của Đại tướng được ông Võ Hồng Nam, con trai của đại tướng nhắc đến trong lễ ra mắt cuốn sách Điện Biên Phủ chiều ngày 3/5. Ông cũng nhận định rằng Đại tướng và chiến thắng Điện Biên Phủ đã có sức ảnh hướng lớn trên trường quốc tế.
“Khi đặt chân tới Algeria, Đại tướng đã được người dân chào đón nồng nhiệt và coi như là một người anh hùng, dù rằng họ cách chúng ta tới hàng nghìn cây số”, ông Nam chia sẻ. Bên cạnh Algeria, chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tiếp tục với Mozambique, Angola...
Cả ông Nam và Đại tá Trịnh Nguyên Huân đều nhấn mạnh một điều rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một thầy giáo dịch lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và giao nhiệm vụ cho Đại tướng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ông đã tự tìm tòi rất nhiều về quân đội, chiến lược, cách đánh.
Để có được chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954, quân ta đã trải qua nhiều trận chiến trước đó với địch. Tiêu biểu trong số đó là chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (1949), chiến dịch Biên Giới (1950)... Qua đó, những bài học kinh nghiệm đã được xây dựng, đúc kết để tiến tới phát súng cuối cùng mang tên chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Chiến dịch Điên Biên Phủ và hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp còn xuất hiện trong các nghiên cứu của nhiều học giả nước ngoài. Chẳng hạn Peter McDonald, Cecil B.Currey (tác giả cuốn Chiến thắng bằng mọi giá), G. Boudarel (tác giả cuốn Võ Nguyên Giáp) đều nói đến một phẩm chất đặc biệt của Đại tướng là lòng dũng cảm.
“Phẩm chất cao quý được các tác giả nhắc đến không phải là lòng dũng cảm trước khó khăn. Đó là dũng cảm đối diện với bản thân mình, dám nghĩ, dám làm và dám nhận trách nhiệm”, Đại tá Trịnh Nguyên Huân cho biết.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng