Đại tá Spletstoser buộc tội Hyten có hành động xâm hại cô nhiều lần vào năm 2017 khi cả hai đang đi công tác, theo Washington Post.
Các thành viên thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện đều cho rằng lời khai của cô hợp lý. Tuy nhiên, một số thành viên cũng tỏ ra nghi ngờ đại tá Spletstoser khi nhiều đồng nghiệp cấp cao của vị tướng bốn sao Hyten phủ nhận các cáo buộc này.
Văn phòng Điều tra Đặc biệt thuộc Không quân Mỹ đã tiến hành điều tra các cáo buộc của Spletstoser, nhưng không thể chứng minh được lời khai của cô.
Người phát ngôn Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ Bill Clinton cho biết Bộ chỉ huy hoàn toàn hợp tác với các điều tra viên. Ông Clinton cũng nhấn mạnh rằng "không có đủ bằng chứng chứng minh cho hành vi sai trái của tướng Hyten".
Tướng Không quân John E. Hyten tại buổi điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Trả lời phỏng vấn hôm 28/7, cựu bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson cho biết "Không quân Mỹ không che giấu điều gì trong cuộc điều tra và Thượng viện cũng đã dốc sức".
"Dựa trên những gì tôi biết về toàn bộ quá trình điều tra, tôi tin rằng tướng Hyten bị buộc tội sai", bà nói.
Tính chính xác của vụ việc giờ đây được lật lại tại Thượng viện khi Tổng thống Trump đề cử ông Hyten giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
Cấp trên "đi quá giới hạn"
Các thượng nghị sĩ có thể phải bỏ phiếu sớm: Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ James M. Inhofe, đã lên lịch điều trần chính thức cho vụ việc của tướng Hyten vào ngày 30/7.
Đây là bước cuối cùng được thực hiện trước ủy ban và sau đó toàn bộ Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận. Đại tá Spletstoser cho rằng ủy ban đã từ chối yêu cầu phát biểu tại phiên điều trần của cô, trừ khi cô có "thông tin mới".
Những phát biểu công khai của Spletstuler phần nào phản ánh lời khai của cô, rằng tướng Hyten đã có cảm tình với cô khi ông tiếp quản Bộ chỉ huy chiến lược vào tháng 11/2016 và chọn cô làm "người được chỉ định". Tuy nhiên hai tháng sau, cô cho rằng ông bắt đầu cư xử quá mức trong các chuyến công tác dài ngày.
Theo lời kể của đại tá Spletstuler, lần đầu tiên Hyten hành động bất thường là vào tháng 1/2017. Khi cô vừa kết thúc buổi thảo luận công việc trong phòng khách sạn của Hyten ở Palo Alto, California, ông liền cầm tay trái cô và kéo nó về phía háng của ông. Sau đó cô liền rụt tay lại.
Vào tháng 6/2017, Spletstoser cho biết, khi cô đang họp trong phòng khách sạn với tướng Hyten ở Washington, D.C., ông đã dừng lại để mơn trớn ngực và hôn cô. Theo lời kể của nữ đại tá, sau đó cô đã đẩy tướng Hyten ra và cảnh cáo ông.
Đại tá Kathryn Spletstoser. Ảnh: Washington Post. |
Điều đó khiến Hyten hoảng hốt và vừa khóc, vừa hỏi cô: "Cô có định tố cáo tôi không?". Dù cảm thấy rõ ràng cấp trên đã "đi quá giới hạn", Spletstoser cho biết khi đó cô nói cô sẽ không tố cáo.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan vào tháng 12/2017, Spletstoser cho biết Hyten có hành động thô bạo nhất. Ông bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng khách sạn của cô trong bộ quần áo tập thể dục, mang theo một cuốn sổ và nói muốn thảo luận về vấn đề công việc.
Trong vài phút, Hyten ghì chặt cô vào người ông và "bắt đầu xâu xé tôi, giống như ông ấy muốn cởi quần áo của tôi ra và quan hệ tình dục... và sau đó tôi nhận ra, ông ấy đang xuất tinh".
Động cơ tố cáo gây tranh cãi
Theo Spletstoser, những lời khai nói trên chỉ là một phần những trải nghiệm của cô với Hyten. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ đang gặp khó trong việc xác định tính chân thực của những lời khai này.
"Tôi đang cố tìm ra sự thật và điều này gây ra rất nhiều tranh cãi", Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal nói với Washington Post và cho rằng ông thấy đại tá Spletstoser là người đáng tin.
Nếu lời khai của Spletstoser chính xác, điều đó có nghĩa Hyten đã phạm tội. Nhưng nếu cô nói dối thì với tư cách là đại tá quân đội đương chức, Spletstoser cũng phạm tội và phải hầu tòa.
Nữ đại tá cho biết ban đầu cô giữ im lặng vì cho rằng nếu tố cáo một vị tướng bốn sao, cuộc sống của cô sẽ "bị hủy hoại ở cấp độ nhất định". Cô quyết định giữ kín vụ việc cho đến khi không còn làm việc dưới quyền của Hyten bởi Spletstoser cho rằng ông sắp nghỉ hưu.
Sau khi Hyten được đề cử cho vị trí phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cô quyết định tố cáo ông vì cho rằng nếu đắc cử, "ông ấy có thể làm điều tương tự với người khác trong bốn năm nhiệm kỳ".
Tướng Hyten biện hộ trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết lời khai của Spletstoser cũng mâu thuẫn trực tiếp với các cáo buộc của cô. Lý do cô chọn thời điểm này để lên tiếng cũng làm dấy lên nghi ngờ nữ đại tá muốn trả thù cấp trên, vì tướng Hyten từng buộc cô phải từ chức do tạo ra "môi trường làm việc độc hại" và có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trả lời phỏng vấn, Spletstoser thừa nhận cô là người cứng rắn và cộc cằn. Tuy nhiên cô nói rằng sau khi cô cảm thấy nghi ngờ Hyten, ông đã cố gắng "phá hủy tôi và cuộc sống, sự nghiệp của tôi, tất cả mọi thứ, để bảo vệ danh tiếng của ông ấy".
Thách thức cho các nhà lập pháp Mỹ
Đó chỉ là một trong những lời khai gây tranh cãi trong cuộc điều tra về vụ việc. Kết luận nêu rõ cuộc điều tra "xác định không có đủ bằng chứng chứng minh cho bất kỳ hành vi sai trái nào của tướng Hyten", theo đại tá Dede Halfhill, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ cho rằng cuộc điều tra được thực hiện bởi chính đồng nghiệp của ông Hyten, do đó khó đảm bảo được tính khách quan.
Ủy ban Quân vụ Thượng viện dành sự chú ý đặc biệt cho vụ việc. "Ủy ban đã thực sự đi sâu vào từng chi tiết và đề cập đến vấn đề theo cách đúng đắn", ông David Perdue, thành viên của hội đồng điều tra, nói.
Vụ án cũng đặt ra thách thức mới cho các nhà lập pháp Mỹ: xem xét lại khả năng bảo vệ nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trong hệ thống quân đội hiện tại.
Tướng Hyten đến thăm các phi công tại căn cứ không quân Minot hồi tháng 6/2017. Ảnh: Minot Daily News. |
"Tình trạng tấn công tình dục trong quân đội vẫn tiếp diễn, và nỗ lực hiện nay, kể cả ở Thượng viện, vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi. Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều nỗ lực mới để xem xét lại vấn đề này một cách tổng quát, bởi rõ ràng là những biện pháp hiện tại không hiệu quả", ông Shaheen, một người trong nhóm phản đối tướng Hyten, nói.
Spletstoser cho biết hệ thống trong quân đội hiện có xu hướng bảo vệ nạn nhân trong những vụ việc "giữa những binh sĩ cấp thấp", còn không có hiệu quả đối với các bị cáo là sĩ quan cấp cao.
Nữ đại tá nói cuối cùng cô vẫn quyết định lên tiếng bởi "nếu Hyten được thăng chức, điều đó có nghĩa là mọi sĩ quan có thể hành xử ngoài vòng pháp luật"; đồng thời "nếu các sĩ quan cấp cao tấn công tình dục cấp dưới, miễn là giữ kín chuyện này, thì sẽ không bị truy tố tại tòa án, mà thậm chí còn được thăng chức lên một vị trí cao hơn nữa".
"Tôi xin mọi người đừng để điều này xảy ra", nữ đại tá Spletstoser nói.