Nhà báo, MC Tấn Tài. Ảnh: NVCC. |
Là gương mặt truyền hình được khán giả yêu mến trong các chương trình tin tức, chính luận của HTV, nhà báo Tấn Tài đã có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tin tức, thời sự. Ngoài ra, anh còn là một tác giả sách, người sở hữu các kênh mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên các nền tảng Facebook, TikTok. Tháng 4/2023, anh được chọn làm một trong 10 Đại sứ văn hóa đọc tại TP.HCM.
Chia sẻ với Znews - Tri thức, nhà báo Tấn Tài cho biết thêm về hành trình lan tỏa tình yêu sách cũng như quan điểm về phát triển văn hóa đọc của mình.
'Giá trị của việc đọc là nhặt được tri thức ở từng con chữ'
Với trải nghiệm trong lĩnh vực tin tức, anh cảm nhận như thế nào về vai trò của nhà báo trong việc thúc đẩy văn hóa đọc?
Người làm báo là người tập trung vào công tác viết. Và một nhà báo muốn có được nhiều trải nghiệm, cho ra đời nhiều bài viết hay thì việc đầu tiên là phải đọc thật nhiều.
Trước tiên, tôi muốn nói đến câu chuyện “nêu gương”, nếu như mình chăm chỉ đọc, hình thành thói quen đọc thì chắc chắn rằng những người xung quanh sẽ được lan tỏa tinh thần đó, trước hết là gia đình, đồng nghiệp… những người bên cạnh mình. Cách giáo dục đơn giản nhất trong hoạt động lan tỏa văn hóa đọc không gì khác hơn việc nêu gương và bản thân của tôi cũng đã cố gắng làm điều đó.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh công việc chuyên môn là thông tin tuyên truyền ở mặt trận báo chí, thì mỗi một người còn có thể lan tỏa những thông điệp về văn hóa đọc từ chính những nền tảng của mình, tận dụng sức ảnh hưởng của mình trên từng lĩnh vực để góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách đến nhiều người hơn.
Ngoài công việc chính, anh còn là một nhà sáng tạo nội dung, anh đã làm thế nào để tạo ra những nội dung hấp dẫn và thúc đẩy độc giả quan tâm đến việc đọc sách?
Trong quá trình sản xuất và đăng tải nội dung lên các nền tảng mạng xã hội, tôi luôn tập trung vào giá trị thông tin mà mình mang đến cho khán giả. Ở từng nền tảng mình sẽ có một cách tiếp cận khác nhau phù hợp với đặc thù người dùng ở nền tảng đó.
Việc đọc trước tiên là ứng dụng vào trong công việc và thêm nữa là có thể lan tỏa những giá trị, hàm lượng tri thức từ sách thông qua văn hóa đọc đến với đời sống.
Nhà báo Tấn Tài
Đặc biệt, gắn với vai trò là Đại sứ văn hóa đọc thì năm vừa qua hầu như tỷ lệ chia sẻ về các sự kiện liên quan đến sách và văn hóa đọc chiếm lượng đáng kể trên các kênh của tôi.
Tôi luôn mong muốn có thể truyền tải những thông điệp từ một quyển sách hay, từ một sự kiện mà mình có mặt một cách dễ hiểu và đơn giản nhất. Thông qua đó, mong rằng mọi người sẽ nhận thấy việc hình thành văn hóa đọc không hề khó, chỉ cần chúng ta dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để đọc sách là có thể tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới.
Lý do nào khiến anh gắn bó với các hoạt động phát triển văn hóa đọc mặc dù công việc khá bận rộn?
Thông qua việc đọc, bản thân tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức hay ho. Người ta hay nói sách là một kho tàng tri thức vô giá của nhân loại. Tôi thì không nghĩ đến những việc quá lớn lao như vậy mà chỉ nghĩ những điều rất đơn giản. Những gì đọng lại thông qua từng con chữ đều là những giá trị được đúc rút từ những người đi trước. Chúng ta đọc được, thẩm thấu được nguồn kiến thức và nguồn năng lượng từ những tác giả đã là một điều tuyệt vời.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc tuyên truyền cho mọi người bằng nhiều hình thức, điều quan trọng hơn hết là phải làm như thế nào để chính họ cảm nhận được giá trị mà sách mang lại. Lúc đó họ tự khắc sẽ hình thành thói quen đọc trong cuộc sống hàng ngày.
Sau một thời gian giữ vai trò đại sứ văn hóa đọc của Thành phố, anh có thể chia sẻ về một số hoạt động nổi bật, những kỷ niệm nào đáng nhớ trong thời gian qua?
Hơn nửa năm giữ vai trò là Đại sứ văn hóa đọc của TP.HCM, tôi cùng những Đại sứ văn hóa đọc khác đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động lan tỏa thông điệp về sách. Điều tôi cảm thấy hài lòng nhất chính là mình đã phát triển được đa dạng các thể loại trong nội hàm của văn hóa đọc. Tôi nghĩ rằng văn hóa đọc không chỉ là sách, không chỉ là đọc mà nó còn phải gắn với những hoạt động, sự kiện liên quan đến sách. Bởi vì khi chúng ta tạo ra được nhiều không gian để lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người thì chắc chắn mình sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn.
Nhà báo Tấn Tài trong buổi công bố 10 Đại sứ văn hóa đọc tại Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023. Ảnh: NVCC. |
Trong năm qua, bên cạnh 2 dự án sách Chạm thức và Bản lĩnh blouse trắng, tôi cùng các đối tác, cộng sự cũng thực hiện nhiều hoạt động gắn với sách và văn hóa đọc. Ví dụ, đồng hành trong vai trò là người dẫn chương trình và tổ chức sự kiện của Hội nghị thường niên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á. Đặc biệt nhất là phối hợp cùng Đường sách TP.HCM tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật tại Đường sách. Hoạt động đã mang đến một trải nghiệm mới mẻ cho người dân thành phố và du khách.
Cuối cùng là sự chung tay và lan tỏa tình yêu đối với sách và văn hóa đọc thông qua các hoạt động đầu năm tại Đường sách Tết TP.HCM. Đó là những hoạt động mà tôi cảm thấy đôi khi chỉ cần mình dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân là có thể góp phần lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về sách.
Anh cũng thường nhắc đến văn hóa viết bên cạnh văn hóa đọc, theo anh vì sao chúng ta cần viết?
Đối với tôi, việc nêu gương không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa văn hóa đọc, mà còn là văn hóa viết. Năm qua tôi đã khuyến khích chính mình phải dành thời gian cho việc viết, đồng thời cũng khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp, học trò của mình trong các dự án cộng đồng phải chăm chỉ viết hơn. Bởi khi viết, chúng ta không chỉ có thể lưu lại những kỷ niệm đẹp mà còn truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng.
Sách luôn là món quà giá trị
Nhân dịp thành phố phát động phong trào lì xì sách, anh có thể chia sẻ ý kiến cá nhân về việc tặng sách như một món quà trong dịp Tết?
Không chỉ riêng dịp Tết mà trong cuộc sống hàng ngày, sách luôn là món quà vô cùng giá trị.
Nhà báo Tấn Tài
Đối với Lì xì sách Tết, tôi nghĩ rằng đây là một hoạt động gắn với văn hóa của người Việt Nam là văn hóa cho chữ ngày xuân.
Đây cũng là một hoạt động mà các Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ năm nay đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông chung tay thực hiện.
Chúng tôi cố gắng lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về văn hóa đọc thông qua cụm từ "lì xì sách Tết". Và không chỉ riêng dịp Tết mà trong cuộc sống hàng ngày, sách luôn là món quà vô cùng giá trị.
Tôi cũng từng nhận được những quyển sách rất ấn tượng vào dịp đầu năm. Đó là quyển sách được xuất bản vào đúng năm sinh của mình và là sách cổ. Mình cảm thấy rất hân hoan và hạnh phúc khi được lì xì “tri thức” trong dịp đầu năm mới như vậy.
Ngoài ra, trong dịp Tết dương lịch năm nay, tôi cũng vinh dự là một trong những người sở hữu cuốn tự truyện Đi qua trăm năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Quyển tự truyện được nhà nghiên cứu 104 tuổi ấp ủ, ghi chép về những gì cụ đã trải qua.
Món quà đặc biệt này đã truyền động lực cho bản thân tôi phải cố gắng hơn nữa trong năm mới và là món quà đặc biệt mà tôi rất trân quý.
Nhà báo Tấn Tài là người đồng hành cùng Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn. Ảnh: NVCC. |
Theo anh, việc lì xì sách có thể đóng góp như thế nào vào việc thúc đẩy văn hóa đọc trong gia đình và cộng đồng?
Việc lì xì là tục lệ đã có trong dịp đầu năm mới. Ba mẹ mừng tuổi con cái, con cái mừng tuổi ba mẹ, con cháu mừng tuổi ông bà và thậm chí là bạn bè gặp nhau thì mình cũng gửi cho nhau những may mắn trong dịp đầu năm.
Những lời chúc may mắn đó thay vì nằm trong những phong bao lì xì như thường lệ thì bây giờ tất cả sẽ được hiển thị qua những trang sách, những con chữ. Điều đó sẽ hình thành một văn hóa rất mới, rất lạ và rất ấn tượng trong cộng đồng. Khi nhận được sách thì người nhận sẽ mở ra đọc và thẩm thấu kiến thức, tri thức, từ đó sẽ hình thành trong mỗi người một thói quen, vun đắp thêm cho văn hóa đọc.
Anh có những kế hoạch hoặc dự định gì để hỗ trợ việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong thời gian tới?
Các Đại sứ của văn hóa đọc về nguyên tắc vẫn còn nửa năm để kết thúc nhiệm kỳ, tức là vào Ngày sách và văn hóa đọc của năm 2024 mọi người cũng sẽ bắt đầu cho một hành trình mới. Nhưng tôi từng nghe một người bạn của mình chia sẻ rằng: “Đã là đại sứ văn hóa đọc thì không có sự ngưng nghỉ”.
Nhiệm kỳ chỉ mang tính chất phân kỳ thời gian, về mọi mặt thì vai trò Đại sứ văn hóa đọc sẽ là một hành trình trọn đời, bởi vì đó là một danh hiệu vô cùng cao quý với bất kỳ một ai. Chúng tôi những người yêu sách đều có nghĩa vụ lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng không chỉ là một năm, hai năm mà đó là một hành trình rất dài, thậm chí là trọn đời.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.