Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại sứ Mỹ trả lời trực tuyến bạn đọc Zing.vn chiều nay

Vào 13h15 chiều nay (14/7), Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ với độc giả Zing.vn về các vấn đề liên quan tới quan hệ Việt - Mỹ và chuyến thăm của Tổng thống Obama vừa qua.

Đại sứ Mỹ Ted Osius và hành trình ở Việt Nam Thả cá ở Hồ Tây, xem hầu đồng, đạp xe xuyên Việt là những việc cho thấy Đại sứ Mỹ Ted Osius rất quan tâm tới đất nước và văn hóa Việt Nam.

Chia sẻ trước buổi trả lời độc giả Zing.vn, Đại sứ Osius cho biết ông sẽ cố gắng giải đáp những quan tâm về các sáng kiến của chính phủ Mỹ mà nước này sẽ hợp tác triển khai cùng chính phủ Việt Nam, đặc biệt là những nội dung hai bên đạt được sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

Ông Ted Osius là viên chức chuyên nghiệp của ngành Ngoại giao Mỹ. Ông tới Việt Nam trình quốc thư vào ngày 16/12/2014 và trở thành đại sứ Mỹ thứ 6 tại Việt Nam.

Mối lương duyên với Việt Nam của ông Osius bắt đầu từ khi ông còn là Tùy viên Chính trị tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM và là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từ năm 1996.

giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 1
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Ảnh: Hải An

Đại sứ Osius nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào thời điểm quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, khi 2 nước tổ chức nhiều hoạt động quan trọng để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Hai sự kiện nổi bật nhất được diễn ra thành công nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của đại sứ Osius là chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama (tháng 5/2016).

Ông Osius là người am hiểu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Ông có thể nói tiếng Việt trôi chảy và luôn phát biểu một số nội dung bằng tiếng Việt trong những sự kiện lớn. Trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Osius sống cùng người bạn đời Clayton Bond và 2 con.

20 năm sau ngày bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác được coi trọng hàng đầu. Theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), 16.579 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ trong năm học 2013 - 2014, (tăng 3% so với năm 2012), đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á và xếp thứ 8 về số lượng du học sinh tại quốc gia này.

Nổi bật trong hợp tác giáo dục Việt - Mỹ là việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam. Tháng 5 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ban đại diện trường đã nhận giấy phép hoạt động do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký.

Về hợp tác quốc phòng, chính quyền Tổng thống George Bush tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán các trang thiết bị quân sự không sát thương cho Việt Nam vào năm 2007, mở ra cơ hội đầu tiên để hai nước hợp tác quốc phòng.

Năm 2010, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Clinton lần đầu tiên khẳng định Biển Đông quan trọng đối với "lợi ích quốc gia" của Mỹ. 

Năm 2012, Leon Panetta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Cam Ranh từ sau Chiến tranh Việt Nam.

Cuối tháng 5/2016, cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, qua đó giúp quan hệ 2 nước bình thường hóa hoàn toàn.

Về quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại của Việt Nam và Mỹ tăng từ 500 triệu USD năm 1995 lên 35 tỷ USD trong năm 2014. Ngày 13/7/2000, hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương, chính thức mở ra chương mới trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia.

Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Tính tới cuối năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, xếp thứ 7 trong hơn 100 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam và Mỹ là một trong số 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi hiệp định này được thông qua, Đại sứ Ted Osius cho rằng, GDP của Việt Nam có thể tăng tới 30% nhờ TPP.

Mời các bạn đặt câu hỏi cho Đại sứ tại đây.

giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 2
  • 2016-07-13 13:15+0700
  • Hà Nội
Đặt câu hỏi

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn Vũ Đoàn Kết hỏi:

    Mỹ luôn kêu gọi dựa vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để giải quyết các tranh chấp trên biển nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS. Liệu Mỹ có sớm tham gia UNCLOS?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 3

    Hôm qua, một nghị sĩ Mỹ, ông Carter cũng nêu vấn đề lý do Mỹ cần thông qua UNCLOS. Theo quan điểm của Mỹ, UNCLOS mang lại nhiều lợi ích. Tuy Mỹ chưa chính thức phê chuẩn Công ước, nhưng chúng tôi tuân thủ các điều khoản của Công ước, giống như chúng tôi tuân thủ các quy định của luật quốc gia mình.  

    Chúng tôi đã áp dụng các quy chế này nhiều thập kỷ dù chưa phê chuẩn Công ước. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hành xử tuân thủ các quy định UNCLOS. Đó là vì lợi ích chung, và chúng tôi thấy lợi ích ấy.

  • Bạn Thu Trang hỏi:

    ĐH Fulbright là dự án rất quan trọng trong hợp tác hai nước. Nhưng việc bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Bob Kerrey được coi là gây tranh cãi. Đã có những chỉ trích là đó là việc bổ nhiệm “thiếu nhạy cảm". Ông nghĩ sao?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 4

    Tôi nghĩ rằng một số lớn người dân và nhà lãnh đạo dành sự ủng hộ cho việc thành lập trường Fulbright. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam được học về đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, học về tư duy suy luận trong một trường đại học kiểu Mỹ tại Việt Nam. Với kinh nghiệm của tôi về Việt Nam trong hơn 20 năm qua, tôi thấy người dân Việt Nam có tinh thần vị tha, hướng tới tương lai và tôi mong tinh thần này sẽ tiếp tục.

    Gần đây có nhiều tranh luận về Fulbright và đây cũng là cuộc tranh luận về tương lai mà Việt Nam hướng tới. Tôi tin Fulbright đóng vai trò hữu ích trong việc đào tạo sinh viên Việt Nam hướng tới tương lai. Nhờ hệ thống giáo dục được xây dựng đúng và hiệu quả, tôi tin Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn. Vai trò hệ thống giáo dục Việt Nam rất quan trọng.

    Trường Fulbright là đại học độc lập với cả hai chính phủ Việt Nam và Mỹ, được quyết định cơ cấu, chương trình giảng dạy... Tuy nhiên, chính phủ và nhân dân hai nước đều thấy lợi ích lớn trong việc thành lập trường Fulbright Việt Nam. Tôi mong cuộc tranh luận sẽ tiến tới nội dung làm sao sớm đưa trường Fulbright sớm hoạt động và mang lợi ích cho hai nước.

  • Bạn Cảnh Dương Phúc hỏi:

    Có nhiều chính khách Hoa Kỳ không ủng hộ Hiệp định TPP, kể cả bà Hillary Clinton. Ngài nghĩ gì về vấn đề này?

    Từ 1870, nhánh hành pháp của Mỹ đã hoàn tất đàm phán 14 hiệp định thương mại tự do lớn, và Quốc hội Mỹ thông qua cả 14 hiệp định này. Tổng thống, lãnh đạo phe đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện đều ủng hộ thương mại tự do.

    Quá trình thông qua có thể mất thời gian hơn chúng tôi trông đợi. Có trường hợp đàm phán ở chính phủ này nhưng thông qua ở chính phủ sau. Nhưng chúng tôi hy vọng là có thể thông qua trước khi kết quả bầu tổng thống mới nếu có những bước đi cần thiết. Hôm nay, tổng thống của chúng tôi đang thảo luận với Thượng nghị sĩ Hatch về vấn đề này.

  • Bạn Nguyen Vu Anh Chuan hỏi:

    Xin chào ngài Đại sứ Ted Osius, cháu muốn hỏi là liệu trong tương lai, có khả năng cao nào sẽ có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ và từ Mỹ bay thẳng về Việt Nam không?

    Tôi tin rằng hai nước đang trong quá trình hoàn tất các công việc cần thiết để đường bay thẳng được cấp phép sớm nhất vào năm tới. Khi được phép, các hãng hàng không cần xem xét cụ thể các tuyến bay thẳng mang lại lợi ích về thương mại.

    Tuy nhiên, chúng ta đang đúng hướng và Việt Nam đang hoàn tất bước cuối để các hãng hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ an toàn bay loại 1 của Mỹ, nhằm sớm thực hiện đường bay thẳng giữa hai nước.

    Liệu có đường bay trước APEC 2017? Tôi nghĩ rằng điều này rất có thể. Hiện tại, Cục hàng không Việt Nam đang làm việc chặt chẽ với cơ quan an toàn bay Mỹ để đạt điều kiện mở đường bay thẳng. Sau khi được cấp phép, các hãng hàng không sẽ được chủ động trong việc khai thác đường bay thẳng. Về cá nhân tôi, tôi thấy cơ quan quản lý hàng không hai nước có thể giải quyết vấn đề đó.

  • Bạn Hải Anh hỏi:

    Khả năng rất lớn là Trung Quốc sẽ không tuân thủ phán quyết của toà trọng tài quốc tế PCA. Liệu đó có phải là sự sụp đổ của trật tự quan hệ quốc tế cũ và bắt đầu trật tự quan hệ mới không thưa ông?

    Tôi không rõ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào. Tôi không ở vị thế để đoán hành xử của Trung Quốc. Các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế. Và các bên phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Đây là cơ hội để các bên giải quyết một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế cũng như tăng cường phát triển quan hệ với các nước khác trong khu vực.

    Các nước hành xử dựa trên lợi ích quốc gia. Trung Quốc cũng vậy, sẽ đánh giá lợi ích quốc gia của họ. Trung Quốc chia sẻ lợi ích về việc giải quyết hòa bình, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Tất cả các quốc gia đều có lợi từ trật tự quốc tế và việc tôn trọng và duy trì trật tự quốc tế ấy.

    Trong thời gian 70 năm qua, dù đôi lúc có xung đột trong khu vực, nhưng nhìn chung hòa bình được gìn giữ tương đối. Sau trật tự thế giới sau thế chiến 2, Trung Quốc được hưởng lợi hòa bình rất nhiều. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo. Nhờ hòa bình và tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Trong nền hòa bình mà không có nguyên tắc chân lý thuộc về kẻ mạnh.

    Về phán quyết, tùy vào việc Trung Quốc xác định lợi ích của họ. Nếu chúng ta lùi lại và nhìn một cách tổng quan, rõ ràng các nước được hưởng lợi nhiều trong việc duy trì trật tự quốc tế được hình thành sau thế chiến 2, nơi nguyên tắc pháp quyền được dùng để xác định phương thức hành xử giữa các nước.

  • Bạn Ngô Hà An hỏi:

    Thưa ông, tòa trọng tài thường trực (PCA) đã ra phán quyết bác đường 9 đoạn của Trung Quốc, xin ông cho biết quan điểm của Mỹ về các phán quyết này?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 5

    Trước hết, tôi muốn nói rằng phán quyết của PCA bao gồm một số yếu tố, bao gồm bác bỏ đường 9 đoạn; không cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa là đảo mà chỉ là đá nên không được hưởng quyền lãnh hải quá 12 hải lý.

    Phán quyết cũng nêu ra một số trường hợp Trung Quốc vi phạm quyền của Philippines, cũng như các vi phạm của Trung Quốc theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) về môi trường biển. Trung Quốc làm phức tạp tình hình tranh chấp thông qua việc bồi lấp, cải tạo đảo ở Trường Sa.

    Về quyết định của tòa trọng tài, theo quan điểm của Mỹ, nó ràng buộc về mặt pháp lý với cả Trung Quốc và Philippines. Vì vậy, chúng tôi mong họ thực hiện đúng nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS cũng như có các biện pháp kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng.

    Đây là cơ hội để Trung Quốc giải quyết tranh chấp trên biển hòa bình. Mỹ đang tham vấn các bên liên quan, Việt Nam, ASEAN và các nước khu vực và thế giới về quyết định của PCA. Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện ở Biển Đông như quá khứ và tương lai. Trong tuần này, tôi có cơ hội thăm tàu sân bay hoạt động trong khu vực và chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở đây.

  • Bạn Lê Dũng hỏi:

    Đã có các tàu Singapore, Nhật Bản tới thăm cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa từ đầu năm nay. Khi nào thì các tàu của hải quân Mỹ sẽ tới đây?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 6

    Anh nhắc đến các tàu sử dụng dịch vụ ở cảng quốc tế cung cấp dịch vụ tính phí: bảo dưỡng, sữa chữa... tại Việt Nam. Đương nhiên tàu Mỹ sẽ có lợi khi tham gia sử dụng dịch vụ tính phí này. Chúng tôi rất sẵn lòng tham gia. 

    Báo chí Mỹ có nêu khả năng Mỹ lập căn cứ ở Cam Ranh nhưng không có chuyện đó. Xây dựng căn cứ là một điều khác, còn việc tiếp cận dịch vụ là khác. Chúng tôi muốn sử dụng các dịch vụ này. Và sẽ rất sớm có các tàu Mỹ sử dụng các dịch vụ tại cảng Cam Ranh, nhưng cụ thể ngày giờ thế nào thì tôi không nắm rõ. 

    Tôi cũng nói thêm về chương trình đối tác Thái Bình Dương đang diễn ra, ngoài tàu bệnh viện Mỹ còn có tàu của Việt Nam và Nhật Bản. Việc tàu Nhật Bản tham gia là một tín hiệu tốt. 


  • Bạn Minh Quyết hỏi:

    Thưa Ngài đại sứ, Mỹ có chiến lược gì để giảm bớt sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Toà án quốc tế đã ra phán quyết ngày 12/7 không?

    Chiến lược của Mỹ ở khu vực này tiếp tục đảm bảo giải quyết khác biệt và tranh chấp thông qua con đường ngoại giao, phù hợp luật pháp quốc tế, đảm bảo các nước trong khu vực có năng lực phù hợp hiểu được những gì đang xảy ra, đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi. Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu chiến hoạt động trong khu vực như quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục tự do đi lại ơ những nơi mà luật pháp cho phép.

    Chương trình Đối tác Thái Bình Dương lần thứ 16 đã diễn ra tại Đà Nẵng, với hoạt động chủ yếu là hỗ trợ nhân đạo, y tế, giảm nhẹ tác động tương lai. Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM đã tới Đà Nẵng tham gia hoạt động. Tôi sẽ tới vào 24 và 26/7. Trong tuần này, tôi đã thăm một tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông. Đó là những gì chúng tôi đã và đang làm như suốt 70 năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục.

  • Bạn Thu Hồng hỏi:

    Mark Ashwill, một người có tiếng làm trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam, mới đây gọi việc bổ nhiệm ông Bob Kerry là chủ nghĩa đặc biệt mà Thượng nghị sĩ Fubright từng nói đến trong The Arrogance of Power (sự ngạo mạn của quyền lực)? Ông không nghĩ vậy sao?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 7

    Tôi muốn làm rõ vai trò của Hội đồng tín thác của trường ĐH Fulbright. Vai trò chính của cơ quan này là ra các quy định chung, vận động quỹ cho trường. Ông Bob Kerry là người có kinh nghiệm, sẵn sàng cống hiến thời gian và tâm sức cho sự phát triển của trường Fulbright Việt Nam.

    Hiệu trưởng trường là người Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy và các cán bộ của bà là người quyết định phương thức hoạt động của trường Fulrbight. Theo bà Thủy, cuộc tranh luận về Bob Kerry là cuộc tranh luận về quá khứ là một cuộc thảo luận lành mạnh. Đó là cuộc thảo luận thành thật về quá khứ, điều mà trường Fulright kỳ vọng và khuyến khích.

    Nhiều người cũng bày tỏ ý kiến về việc ủng hộ Bob Kerry cũng như thảo luận về quá khứ.

    Nhưng điều quan trọng là bao giờ trường Fulbright hoạt động vì thực ra trường vẫn đang chờ thông qua cơ chế đặc biệt mà trường sẽ thiết lập để tạo sự linh hoạt. Tôi mong cơ chế này sẽ sớm được thông qua bởi, lợi ích mà người Việt Nam nhận được sẽ rất lớn và tôi không muốn việc này bị trì hoãn. 


  • Bạn Le Thi Thu Thuy hỏi:

    Tôi rất thích trang Facebook của Ngài vì Ngài Đại sứ nói và am hiểu tiếng Việt, do đó chúng tôi có thể "tâm sự vụn" với ngài. Thưa Ngài Đại sứ, thủ tục để xin visa đi du lịch sang thăm Mỹ rất khó, mà chúng tôi lại muốn thăm đất nước cờ hoa 1 lần để mở rộng tầm nhìn. Có cách nào để thủ tục visa thuận tiện hơn?

    Tôi tin rằng càng nhiều sinh viên, người du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân... trao đổi qua lại giữa hai quốc gia, giúp quan hệ hai nước càng phát triển. Đó là lý do chúng tôi nói với chính phủ Việt Nam về việc cần kéo dài thời hạn cấp visa cho công dân Mỹ tới Việt Nam.

    Việc cấp visa phải trên cơ sở có đi có lại. Trước Việt Nam cấp visa 3 tháng, chúng tôi cũng cấp visa 3 tháng cho người Việt Nam. Tương tự, khi các bạn đồng ý cấp một năm, chúng tôi cấp một năm. Thời hạn thị thực càng dài thì càng thuận tiện cho sự đi lại của hai nước. Đây không là món quà mà là sự hợp tác có đi có lại. Các chính phủ cùng thảo luận và quyết định thời hạn đó, không phải là quyết định riêng, đơn phương của Mỹ.

  • Bạn Giả Lâm hỏi:

    Đã có nhiều quan ngại về các ứng viên của cuộc đua năm nay. Chúng tôi có nên lo lắng nếu Donald Trump làm tổng thống?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 8

    Một trong những điều hay khi làm việc ở châu Á chính là quan hệ của Mỹ với các nước luôn được ủng hộ bởi cả 2 chính đảng của Mỹ. Khi làm việc với đảng Cộng hòa hay Dân chủ, tôi đều nhận được sự ủng hộ của họ. Tôi tin rằng Mỹ có lợi ích cốt lõi ở châu Á và dù ai trở thành Tổng thống Mỹ, lợi ích này vẫn sẽ tiếp diễn.

    Về vị tổng thống mới, tôi thì chú ý hơn về chính sách của bà Hillary Clinton. Bà có viết cuốn sách vài năm trước Sự lựa chọn khó khăn" trong đó có nêu về chính sách với châu Á, chính sách tái cân bằng tại châu Á. Nếu quan tâm đến tổng thống tiếp theo tại Mỹ, thì nên quan tâm đến chính sách của bà Clinton, chứ không phải người khác. 


  • Bạn An Lê hỏi:

    Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến đi tự do hàng hải trên Biển Đông và gần các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc?

    Về khả năng thực hiện các chuyến đi tự do hàng hải (FONOP), tôi không rõ kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, thời gian qua các hoạt động của Mỹ là hữu ích và các nước trong khu vực hoan nghênh. Nó cho thấy chúng tôi vẫn hiện diện ở đây.

    Khi đại sứ Mỹ gặp cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo sáng suốt, đã nói rằng các nước Đông Nam Á muốn nhìn thấy sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Chính sách tái cân bằng tiếp tục đảm bảo sự hiện diện của Mỹ.

    Trong khuôn khổ đó, chúng tôi tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Việt Nam là nước có nhiều lợi thế về địa chính trị cũng như con người và đang hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nên chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ.

  • Bạn Phạm Ngọc Hưng hỏi:

    Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây của ông Barack Obama, Mỹ đã gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam đề xuất mua vũ khí gì chưa?

    giao luu truc tuyen voi dai su My tai Viet Nam anh 9

    Việt Nam và Mỹ đã có cuộc hội thảo lần thứ 2 về quốc phòng do 2 nước đồng chủ trì. Hai bên ngày càng thấy thoải mái khi thảo luận về hợp tác quốc phòng và mua bán vũ khí.

    Việc gỡ bỏ cấm vận là chỉ dấu cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Lệnh cấm áp đặt cách đây 50 năm, vào thời kỳ hai nước còn khác biệt về ý thức hệ, đẩy hai nước xa nhau, và là thời kỳ khó khăn với cả hai nước. Đây là thời điểm phù hợp để dỡ bỏ lệnh cấm đó, tiến lên phía trước 

    Chúng tôi không muốn vội vã. Hai nước đã thảo luận cẩn trọng về hợp tác an ninh, về nhu cầu của Việt Nam và cách mà Mỹ có thể hỗ trợ.

    Chúng tôi có sáng kiến an ninh hàng hải ở khu vực. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội mở ra, không phải bằng việc mua sắm các vũ khí lớn, mà chủ yếu là hoạt động đào tạo cho lực lượng cảnh sát biển, mua sắm tàu... Các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam rất cẩn trọng trong xem xét khả năng Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quốc phòng, bảo vệ quốc gia.

    Việc bình thường hóa quan hệ hai nước với việc gỡ bỏ cấm vận thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhưng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tại Việt Nam có nhiều hợp tác quan trọng như tăng cường năng lực về y tế biển đảo. Các nội dung này được nêu trong biên bản ghi nhớ hợp tác quân sự giữa hai bên từ 2011, và hai bên thúc đẩy từng bước, theo nhịp độ mà hai bên cùng thấy thoải mái. 


  • Bạn Hồng Minh hỏi:

    Mối lo với các nước trên Biển Đông lúc này là Trung Quốc sẽ áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) hoặc đẩy nhanh các hoạt động xây lấn đảo, như tuyên bố của nước này khi công bố Sách Trắng hôm qua, sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Quan điểm của Mỹ đối với vấn đề này?

    Khi Trung Quốc tuyến bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, Mỹ không thừa nhận và tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải và hàng không. Nếu Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố lập ADIZ ở Biển Đông, chúng tôi sẽ tiếp tục không công nhận.

    Trong nguyên tắc của Mỹ suốt 240 năm qua, Mỹ luôn duy trì quyền đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Nó sẽ giúp đảm bảo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu, có lợi ích và trách nhiệm cho cả Trung Quốc.

  • Bạn Nguyễn Hoàng Nam hỏi:

    Bài phát biểu của Tổng thống Obama được nhiều người đánh giá cao vì ông đã tỏ ra rất hiểu Việt Nam với việc nhắc tới nhạc Trịnh, truyện Kiều, Ngô Bảo Châu... Người ta nói điều đó là nhờ ông, một người am tường đất nước này?

    Trong quá trình chuẩn bị chuyến thăm, chúng tôi đã đóng góp ý tưởng cho người viết diễn văn cho tổng thống, nhấn mạnh về Nguyễn Du và các danh nhân văn hóa khác. Tổng thống cũng dành nhiều thời gian suy nghĩ về vai trò của Việt Nam trong bối cảnh châu Á và thế giới nên ông hỏi tôi nhiều câu hỏi về xã hội, mức độ phát triển của Việt Nam.

    Ông cũng muốn tìm hiểu về Việt Nam không chỉ về những liên quan tới Mỹ trong vài thập niên qua mà còn hàng nghìn năm văn hóa và lịch sử. Ông nhìn Việt Nam trong bức tranh tổng thể lớn nên chia sẻ ý với người viết diễn văn.


  • Bạn Phạm Tuấn Anh hỏi:

    Năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Mỹ. Năm nay, ông Barack Obama trở thành tổng thống thứ 3 liên tiếp của Mỹ tới thăm Việt Nam. Quan hệ hai nước có thể hướng tới các cột mốc nào tiếp theo?

    Tôi cho rằng, từ năm ngoái tới năm nay, có 3 cột mốc lớn trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Mốc lớn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, thứ hai hoàn tất Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thứ ba là Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam. Cột mốc lớn tiếp theo là APEC 2017, nơi Việt Nam làm chủ nhà. Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ tới Việt Nam.

    Bên cạnh các chuyến thăm nguyên thủ, còn nhiều chuyến thăm khác của các quan chức cấp cao. Nhờ kết quả đạt được sau những chuyến thăm đó, hai nước chúng ta có nhiều cột mốc quan trọng. Thứ nhất là những sinh viên đầu tiên đã bước qua cánh cổng của Fulbright, những công dân Mỹ đầu tiên được nhận visa xuất nhập cảnh Việt Nam một năm nhiều lần, công dân Mỹ được sang Việt Nam dạy tiếng anh, xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa, chuyến bay thẳng đầu tiên Việt Nam và Mỹ.

    Ngoài ra, tôi cũng muốn bổ sung thêm vài cột mốc. Trong tháng 11 năm nay, cả Việt Nam và Mỹ sẽ tới Marrakesh, Morocco để thực hiện những điều đã ký trong Hiệp ước Paris về môi trường, đơn vị gìn giữ hòa bình Việt Nam nhận nhiệm vụ Liên Hợp Quốc, hai nước tiếp tục hợp tác phòng đại dịch. Hai nước không chỉ hợp tác song phương được gọi là hành trình mới mà còn phát triển hợp tác vươn ra khuôn khổ thế giới, để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.


Bạn đời đại sứ Mỹ kể chuyện cuộc sống tại Việt Nam

Sau gần 2 năm sống ở Việt Nam, bạn đời của Đại sứ Mỹ Ted Osius chia sẻ với Zing.vn những điều ít người biết về cuộc sống với một trong số ít nhà ngoại giao Mỹ công khai đồng tính.

Đại sứ Mỹ đội mưa đi chùa báo hiếu cha mẹ

Chiều 28/8, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và gia đình đã cử hành lễ Vu Lan để tưởng nhớ, báo hiếu công ơn cha mẹ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội trong cơn mưa nặng hạt.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm