Mỹ và các đồng minh trong khu vực đang tìm cách đối trọng sức ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Chính sách cho vay, phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong thời gian qua bị Mỹ và giới chuyên gia cảnh báo đẩy những nước nhận tiền vào rủi ro tài chính, theo Reuters.
"Những khoản vay vô cùng hấp dẫn và có thể nhận được nhanh chóng, nhưng các bạn phải luôn đọc thật kỹ bản in cuối cùng", Arthur Culvahouse, tân đại sứ Mỹ tại Australia, ngày 13/3 ví von chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc với mô hình cho vay nóng - lãi suất cao.
Giới lãnh đạo Mỹ thường xuyên cảnh báo chính sách viện trợ của Trung Quốc có thể tạo rủi ro tài chính ở các nước nhỏ, khiến những nước này nhượng bộ trước sức ép ngoại giao từ Bắc Kinh. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng từng chỉ trích Trung Quốc sử dụng "bẫy nợ" để tạo sức ảnh hưởng lên các nước nhỏ.
Arthur Culvahouse, tân đại sứ Mỹ tại Australia, đã có những nhậ định chỉ trích chính sách cho vay đầu tư phát triển của Trung Quốc. Ảnh: The Australian. |
Tuy nhiên, đại sứ Culvahouse cho rằng Phó tổng thống Pence vẫn dùng ngôn từ quá "nhẹ nhàng" để mô tả chính sách của Trung Quốc
"Tôi nghĩ cần mô tả bằng từ ngữ mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ gọi chính sách của họ là ngoại giao vay nóng", Culvahouse trả lời báo chí ở thủ đô Canberra sau khi trình quốc thư cho Toàn quyền Australia Peter Cosgrove.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia chưa đưa ra phản ứng chính thức trước những bình luận của đại sứ Mỹ. Năm 2018, đại sứ Trung Quốc từng khẳng định Bắc Kinh không "gài bẫy" các nước trong khu vực bằng những khoản vay ngoài khả năng chi trả.
Những bình luận của ông Culvahouse được đưa ra giữa lúc quan hệ Australia và Trung Quốc còn nhiều căng thẳng. Năm 2017, cựu thủ tướng Malcolm Turnbull cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ.
Một năm sau, chính quyền Canberra ra lệnh cấm các công ty có quan hệ với chính phủ nước ngoài đầu tư vào hệ thống mạng không dây 5G tại nước này. Động thái được đánh giá nhằm chặn đường tập đoàn công nghệ Huawei bước chân vào thị trường Australia.
Mỹ đã khởi động Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương từ năm 2018, phối hợp với các đồng minh như Nhật Bản và Australia để tăng cường đầu tư và tạo đối trọng với sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.