Theo National Post, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht Ravanchi hôm 3/1 khẳng định việc Mỹ không kích sát hại Tư lệnh Qassem Soleimani tương đương với hành vi tuyên chiến, sau khi đã kích động một cuộc chiến tranh kinh tế chống Iran thông qua áp đặt các lệnh trừng phạt từ năm 2018.
"Đó là chương mới tương tự với việc tuyên chiến với Iran. Đáp trả hành động quân sự sẽ là hành động quân sự", ông Ravanchi cho biết.
Trước đó, Đại sứ Ravanchi gửi thư tới Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định Tehran có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ theo luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Người biểu tình đốt cờ Mỹ và Anh tại thủ đô Tehran sau vụ không kích hôm 3/1. Ảnh: AP. |
"Đó (vụ sát hại Soleimani) là hành vi tội phạm cấu thành sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cụ thể là Hiến chương Liên Hợp Quốc", bức thư của Đại sứ Ravanchi có đoạn.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump khẳng định vụ sát hại tướng Soleimani là nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn nhắm vào công dân Mỹ tại Trung Đông.
Trước đó, Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad hôm 31/12/2019 cũng như vụ sát hại nhân viên dân sự Mỹ ở Iraq hôm 29/12.
Sau vụ không kích hôm 3/1, lãnh đạo Iran nhanh chóng đe dọa trả đũa. Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi trả đũa và ra lệnh ba ngày quốc tang. Người Iran và đồng minh của Iran tại khu vực đã tổ chức mít tinh để tưởng nhớ tư lệnh Iran vừa thiệt mạng. Ông Khamenei đe dọa “sự trả đũa mạnh mẽ chờ đón những kẻ tội phạm tay nhuốm máu của ông Soleimani và của những người tử vì đạo”.
Cùng lúc với cuộc tấn công diễn ra rạng sáng 3/1, một đơn vị đặc nhiệm đóng ở Mỹ đã lên máy bay tới Trung Đông, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. Mỹ cũng điều động 3.500 binh sĩ thuộc Sư đoàn lính dù 82 tới Kuwait, bổ sung cho lực lượng 750 binh sĩ đã được triển khai từ 2/1.