“Chúng ta đang mừng lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng Hà Lan có quan hệ với Việt Nam từ hơn 400 năm trước, khi những đội thương thuyền của Hà Lan cập cảng Hội An, rồi sau đó là cả Hà Nội. Tôi cho rằng đây chính là điểm nhấn trong quan hệ giữa Hà Lan - Việt Nam, khi hai nước nhấn mạnh vào hợp tác kinh doanh”.
Đây là chia sẻ của Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam - Kees van Baar - trong buổi trao đổi với báo chí nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam trong buổi gặp gỡ phóng viên sáng 20/3. |
Theo ông Kees van Baar, tại dấu mốc 50 năm này, Việt Nam đang ở vị thế phát triển hoàn toàn khác. Khi Hà Lan bắt đầu thiết lập quan hệ với Việt Nam, có thể nói Việt Nam chưa phát triển bùng nổ như bây giờ. Tuy nhiên, Hà Lan vẫn rất quan tâm tới Việt Nam.
“Chúng ta bắt đầu nhờ có những điểm tương đồng. Việt Nam và Hà Lan đều ở đồng bằng, làm nông nghiệp, đối mặt với vấn đề về lũ lụt. Sau 50 năm, có rất nhiều người Việt Nam đến Hà Lan học tập và sinh sống, và cũng có những người Hà Lan tới Việt Nam để nghiên cứu về quản lý nước”, ông chia sẻ, nói thêm hiện rất nhiều công ty Hà Lan có mặt, đầu tư và sản xuất ở Việt Nam.
“Do đó, mối quan hệ giữa 2 nước vẫn đang phát triển và được xây dựng suốt 50 năm qua”, vị đại sứ khẳng định.
Hà Nội “cho tôi cảm giác như ở nhà”
Trả lời câu hỏi của Zing về “kỷ niệm khó quên” suốt 6 tháng làm đại sứ tại Việt Nam, ông van Baar nói chính là “sống ở Hà Nội”.
“Tôi tận hưởng cuộc sống ở Hà Nội và cảm giác ra đường, bước chân xuống phố, uống cà phê, trà đá, đi mua sắm. Đây là điều tôi chưa bao giờ thấy ở những thành phố khác của Việt Nam”, đại sứ chia sẻ.
Ông cũng nhắc tới sở thích đạp xe và ngắm hoa.
“Tôi có thể đạp xe dọc theo những con đê sông Hồng, dành cả ngày chỉ để đạp xe. Nó đem lại cho tôi cảm giác giống như đang ở nhà vậy”, Đại sứ van Baar nói. "Ngoài ra, khi tôi sống ở Hà Lan, tôi luôn đi mua hoa vào thứ bảy hàng tuần. Hoa có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi. Và ở Hà Nội cũng có rất nhiều hoa. Điều này thật tuyệt vời!".
“Tôi cũng thích sự chăm chỉ của người Việt Nam, một đức tính giống người Hà Lan. Đó cũng là lý do tôi cảm thấy 'như ở nhà', rất thân thuộc với Việt Nam, với Hà Nội”, ông nói thêm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 12/12/2022. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Đề cập tới những thành tựu nổi bật trong 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hà Lan, Đại sứ van Baar nhắc tới sự thành lập và tồn tại tới tận bây giờ của trường Hà Nội - Amsterdam.
Ngoài ra, ông còn nhớ tới hợp tác trên khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có sáng kiến Mekong Delta Plan vào năm 2013. Năm ngoái, Hà Lan cũng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong quy hoạch tổng thể đồng bằng Sông Cửu Long.
“Chúng tôi cũng có các nhà máy bia ở đây, công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho ngành nuôi trồng thủy sản, có sự hiện diện của FrieslandCampina (tập đoàn sữa - PV), thương hiệu cô gái Hà Lan nổi tiếng, các nhà máy đóng tàu,... Các chuyên gia Hà Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực về quản lý nước cũng như xử lý nước thải”, đại sứ nói.
Về mặt ngoại giao, thủ tướng hai nước đã đến thăm qua lại trước đại dịch Covid-19, trong đó có chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Hà Lan vào tháng 12/2022 vừa qua.
“Tôi cho rằng đây đều là những cột mốc quan trọng”, ông van Baar khẳng định.
Hấp dẫn, nhưng vẫn còn rào cản
Nhắc tới thương mại, đại sứ Hà Lan đề cập tới “thành tựu” nước này là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong châu Âu. Hà Lan cũng là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào Việt Nam. Ông cho rằng lĩnh vực này có thể tiếp tục phát triển và có nhiều tiềm năng, từ việc Việt Nam xuất khẩu sang EU, hay chính phủ các nước xuất khẩu sang Việt Nam.
Tuy nhiên, đại sứ nhấn mạnh tiềm năng lớn đến đâu còn phụ thuộc vào sự phát triển môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ông nhắc tới hiệp định EVFTA đã mang lại rất nhiều sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đi kèm các quy định chặt chẽ về môi trường, lao động,...
Do đó, Hà Lan đã cung cấp đào tạo cho các công ty Việt Nam, để họ hiểu rõ và chuẩn bị nhằm đáp ứng các quy định, trong đó Đại sứ van Baar đặc biệt đề cập tới chương trình Sẵn sàng Xuất khẩu (Ready to Export) do Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) và ASSIST phối hợp triển khai.
“Điều này cho thấy chúng tôi trăn trở rất nhiều với thị trường Việt Nam, để làm thế nào Việt Nam có thể định vị mình tốt trên thị trường xuất khẩu, cũng như tiếp tục là đối tác thương mại tốt với EU”, ông nói.
Đại sứ Hà Lan cho rằng Việt Nam nên tận dụng hơn nữa các giải pháp dựa vào tự nhiên, ví dụ như trong vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Dù nhận định Việt Nam là môi trường hấp dẫn, ông van Baar cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ vậy, dù các nhà đầu tư đã tới và đặt nhà máy, họ cũng gặp một số thách thức và rào cản tại Việt Nam.
Đại sứ van Baar nhắc tới bài phát biểu của một lãnh đạo EuroCham, trong đó nói tới việc Việt Nam cần nỗ lực để hỗ trợ các công ty sản xuất theo cách bền vững hơn. Ông dẫn “một ví dụ quan trọng phải kể tới là Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)”, cùng với dự án Quy hoạch Điện VIII đang bỏ ngỏ.
Theo đó, DPPA cho phép nơi sản xuất điện tái tạo được bán trực tiếp cho khách hàng. Cuối năm 2020, 29 thương hiệu đa quốc gia, gồm Nike, H&M, Tommy Hilfiger… gửi thư cho Chính phủ kêu gọi Việt Nam mở bán điện tái tạo bằng việc thông qua DPPA, theo Nikkei.
Nguyên nhân một phần là việc năng lượng sẽ mất đi nguồn gốc điện tái tạo khi hòa lưới điện quốc gia, khiến các tập đoàn không có căn cứ để khẳng định họ đã thực hiện cam kết giảm phát thải.
“Những điều này hiện chưa có quy định, khiến các nhà đầu tư rơi vào thế khó xử khi họ muốn xanh hóa chuỗi sản xuất”, đại sứ nhận định.
Trong khi đó, đề cập tới kinh nghiệm của Hà Lan trong nông nghiệp xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, ông van Baar cho rằng Việt Nam có thể ứng dụng và làm tốt hơn nữa trong lĩnh vực xử lý nước thải.
“Hãy biết rõ về những gì bạn đang sử dụng; vật liệu bạn sử dụng là gì; bạn có thể tái chế nó hay không; bạn nên tái sử dụng nước nhiều lần; và một khi không dùng nữa, hãy đảm bảo đó là nước sạch khi thải ra sông”, ông van Baar ví dụ.
Ông cũng cho rằng Việt Nam nên tận dụng hơn nữa các giải pháp dựa vào tự nhiên, ví dụ như trong vấn đề sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó cần chú ý bảo vệ bờ biển cùng rừng ngập mặn. Ông đặc biệt đề cập tới việc khai thác cát ở khu vực này.
“Nếu cần vật liệu phục vụ một số công trình xây dựng, hãy khai thác cát ở nơi chắc chắn sẽ không làm tình trạng xói mòn bờ biển trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi có lợi thế khi có giải pháp dựa vào tự nhiên, khi lấy cát ra khỏi một khu vực có thể tự bồi đắp trở lại nhờ dòng chảy tự nhiên. Những giải pháp này có mặt trên khắp Hà Lan”, ông ví dụ.
Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bối cảnh mới
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bối cảnh mới”. Cuốn sách đi sâu vào bối cảnh thế giới, thực trạng quan hệ Việt Nam - EU trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, cuốn sách nhấn mạnh việc đại dịch Covid-19 bùng phát đã đặt ra những thách thức, nhưng kèm theo cơ hội hợp tác Việt Nam - EU, từ đó đưa ra những kiến nghị về hợp tác hai bên đến năm 2030.