Các đại lý nhiều khả năng mất trắng kho SIM số đẹp tiền tỷ do không thể chuẩn hóa thông tin thuê bao trước ngày 31/3. Ảnh: Đan Thanh. |
Anh Phạm L. (Hà Nội), chủ một đại lý SIM trên địa bàn Hà Nội, cho biết đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp phù hợp để xử lý các đầu SIM chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao bởi đại lý hiện nắm giữ lượng lớn SIM dạng này, trong khi thời hạn 31/3 đang đến gần.
SIM tồn nhiều
"Chúng tôi có lượng lớn các SIM chờ phân phối nhưng chưa chuẩn hóa thông tin. Đến nay đại lý vẫn chưa tìm được kế hoạch phù hợp để giải quyết tất cả số SIM tồn, bao gồm cả những SIM số đẹp có giá trị cao", anh L. cho biết thêm.
Anh L. chia sẻ số tiền được chi để "ôm hàng", tích trữ SIM số đẹp khá cao. Vì vậy, anh cho rằng nếu việc khóa thuê bao được tiến hành sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, dòng tiền của đại lý.
"SIM số đẹp là tài sản các đại lý chi nhiều để đầu tư. Nếu bây giờ bị khóa coi như mất trắng", anh L. nói.
Theo khảo sát của Zing, đầu SIM được những đại lý phân phối chủ yếu là SIM có số thuê bao theo ngày tháng sinh, số đôi, "tam hoa" hoặc số tiến như 678, 789,... Giá SIM dao động 1-100 triệu đồng. Cá biệt, một số đầu SIM được liệt kê vào nhóm "ngũ quý" hay "tứ quý" được bán với giá trên 500 triệu đồng.
Chị Hồng Loan, chủ một đại lý SIM số đẹp trên địa bàn TP.HCM cũng cho biết tình hình các đại lý đang khó khăn khi phải tìm cách chuẩn hóa hàng trăm SIM hiện có trong kho.
"Ngày 31/3 các nhà mạng sẽ tiến hành khóa thuê bao chưa đăng ký thông tin nhưng đến nay đại lý tôi còn hơn 300 đầu SIM, bao gồm những SIM số đẹp giá cao. Thời gian gấp rút nhưng lượng SIM còn tồn đọng lại lớn, chúng tôi đứng trước nguy cơ mất hàng trăm đầu SIM với giá trị lớn nhưng không biết phải giải quyết ra sao", chị Loan nói.
Ngược lại, đại diện công ty TNHH thương mại dịch vụ viễn thông Kho SIM cho biết việc khóa, thu hồi số thuê bao chỉ ảnh hưởng đến các đại lý ôm SIM đã kích hoạt, chờ bán giá cao. Đối với những SIM chưa kích hoạt sẽ không bị ảnh hưởng.
"Những SIM chưa kích hoạt vẫn được phân phối bình thường. Nhà mạng chỉ khóa các đầu SIM đã kích hoạt nhưng sai thông tin. Vậy nên đại lý của tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều", anh Nguyên cho biết thêm.
Làm sạch thị trường SIM số
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay vẫn còn một số đại lý phân phối các đầu SIM kích hoạt sẵn, sai thông tin chính chủ. Trên các nền tảng thương mại điện tử, chỉ cần gõ từ khóa SIM số đẹp, không khó để bắt gặp hàng trăm nghìn lượt kết quả trả về cùng những lời quảng cáo có cánh như "số may mắn giá rẻ", "mua về dùng ngay" hay "đầu số VIP" với giá khoảng 500.000-800.000 đồng.
Đây đều là những số thuê bao đã được người bán kích hoạt sẵn, đăng ký thông tin chính chủ khác hoặc giữ nguyên thông tin người sở hữu cũ.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia về viễn thông cho biết về bản chất, SIM mua về cắm vào có thể sử dụng ngay, không cần khai báo thông tin chính chủ được liệt kê vào nhóm SIM rác. Ngoài rủi ro bị xử phạt vì sử dụng SIM rác, người mua và sử dụng SIM không chính chủ còn có khả năng bị lừa đảo, mua phải những loại SIM không thể sử dụng được như cam kết.
Những SIM kích hoạt sẵn được mua dễ dàng trên nền tảng trang thương mại điện tử. Ảnh: Ngô Minh. |
"Bên cạnh đó, khi gửi thông tin để đăng ký chính chủ SIM mua trên mạng, người dùng còn có khả năng bị lấy cắp thông tin để đăng ký cho những SIM không chính chủ khác", vị này nhận định.
Về việc nhiều đại lý lo ngại mất trắng kho SIM trị giá hàng tỷ đồng, chuyên gia cho rằng hoạt động kinh doanh SIM số đẹp từ lâu đã dựa trên nền tảng kinh doanh SIM rác, không có thông tin chính chủ.
"Đợt khóa SIM này là cơ hội để làm sạch thị trường kinh doanh SIM số, đặc biệt là SIM số đẹp. Thiệt hại của các đại lý, dân buôn là khó tránh khỏi vì bản chất đó là mặt hàng sai quy định, khi kinh doanh lãi lớn thì họ phải chấp nhận rủi ro này", chuyên gia nói thêm.
Theo đại diện một nhà mạng viễn thông lớn chia sẻ với Zing, doanh nghiệp phải tuân thủ chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), những thuê bao có kết quả đối soát không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Công an đều phải thực hiện chuẩn hóa lại thông tin.
Sau ngày 31/3, những thuê bao đã nhận được tin nhắn của doanh nghiệp viễn thông đề nghị chuẩn hóa thông tin mà không thực hiện thì nhà mạng sẽ tiến hành chặn liên lạc theo quy định.
"Mục tiêu là ngày 31/3, các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, đại diện phòng Phát triển hạ tầng (Cục Viễn thông, Bộ TTTT) cho biết tại cuộc họp ngày 13/3 về quản lý thông tin thuê bao di động.
Với hơn một triệu thuê bao đã chuẩn hóa thông tin cho trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tính tới sáng 23/3, số thuê bao chưa chuẩn hóa còn khoảng 3 triệu.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin trên thuê bao bao gồm số thuê bao, đối tượng sử dụng, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ tùy thân và ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp.
Ngoài ra, thông tin của thuê bao cũng bao gồm bản số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, hình thức thanh toán cước cùng họ tên nhân viên, thời gian thực hiện giao dịch, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.