South China Morning Post đưa tin Đài Loan đang đề xuất đạo luật cho phép sinh viên và công nhân có tay nghề từ các quốc gia Đông Nam Á trở thành công dân của đảo. Dự luật sẽ được xem xét và bỏ phiếu thông qua vào tháng tới, trong khi Đài Loan đang "đau đầu" về việc nhân tài đến Trung Quốc làm việc.
Đây được cho là đòn đáp trả của Đài Loan với sáng kiến chiêu mộ nhân tài của Trung Quốc. Theo dự kiến, đạo luật của Đài Loan sẽ nhắm đến công dân Thái Lan, Malaysia, Philippines và các quốc gia thuộc ASEAN. Nếu được thông qua, đạo luật sẽ bắt đầu có hiệu lực trong năm sau.
Một người Đài Loan được nhập tịch vào Trung Quốc theo chính sách chiêu mộ nhân tài của Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua. |
SCMP dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng việc Đài Loan đề xuất dự luật nhập cư kinh tế cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn "chảy máu chất xám", cùng với tình trạng giảm dân số ở độ tuổi lao động tại hòn đảo này.
Theo thống kê của chính quyền, nhiều ngành công nghiệp của Đài Loan, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, đang thiếu hụt khoảng 218.000 công nhân. Nếu dân số hòn đảo giảm mạnh vào năm 2021 như dự đoán trước đó, số người trong độ tuổi lao động sẽ ngày càng giảm.
"Đến năm 2060, khoảng 20% dân số Đài Loan là người trên 65 tuổi, và trong những năm sau đó, các doanh nghiệp của Đài Loan sẽ không có đủ công nhân lao động", bà Chen Mei Ling, người đứng đầu hội đồng phát triển Đài Loan, cho biết.
Theo bà Chen, những con số trên cho thấy lý do Đài Loan hướng đến việc thông qua quy định nhập cư kinh tế nhằm tuyển dụng các chuyên gia và người lao động có tay nghề từ nước ngoài.
Đài Loan đang cạnh tranh với Hong Kong, Singapore trong việc chiêu mộ nhân tài. Ảnh: AFP. |
Với quy định sắp được thông qua, công dân nước ngoài có tài năng đặc biệt có thể nộp đơn đề nghị trở thành công dân của Đài Loan sau khi làm việc tại đây đủ 3 năm, các chuyên gia đủ điều kiện "nhập tịch" sau 5 năm, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao đủ điều kiện sau 7 năm. Sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp và làm việc tại Đài Loan từ 5 - 7 năm cũng sẽ được xét hồ sơ cấp "hộ chiếu".
Dù đạo luật hướng đến công dân của các quốc gia thuộc ASEAN, nhân tài từ nhiều nơi trên thế giới vẫn được Đài Loan công nhận là công dân của đảo theo các quy định được nêu trong đạo luật.
Theo SCMP, động thái khuyến khích nhập cư của Đài Loan được nhiều doanh nghiệp ủng hộ. Các công ty ở Đài Loan đang đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động nặng nề sau khi ngày càng nhiều nhân tài ở Đài Loan đến Trung Quốc làm việc.
Đài Loan tuyên bố là một quốc gia độc lập tuy nhiên chỉ 17 nước công nhận và có quan hệ ngoại giao với đảo này. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh và nhiều lần tỏ ý sẽ lấy lại Đài Loan kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Từ khi bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh chiến dịch cô lập vùng lãnh thổ này.