Trong khi Trung Quốc tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Phi tại một hội nghị lớn ở Bắc Kinh vào tuần tới, vua của eSwatini - đồng minh cuối cùng của Đài Loan ở châu lục - sẽ chủ trì nghi lễ truyền thống "Umhlanga" (nhảy múa với cây sậy) với hàng nghìn người tham gia.
Bằng cách cho vay và tăng cường sức ép ngoại giao, Bắc Kinh đã lần lượt khiến các nước châu Phi quay về phía mình và chấm dứt quan hệ với Đài Loan, gần đây nhất là Burkina Faso vào tháng 5. Song eSwatini (tên cũ Swaziland) vẫn giữ quan hệ với Đài Loan, hòn đảo tuyên bố độc lập trong khi Trung Quốc coi là một tỉnh của nước này.
Đồng minh cuối cùng
"Họ là đối tác chính của chúng tôi", Bộ trưởng Ngoại giao eSwatini Mgwagwa Gamedze đề cập đến Đài Loan. "Vì vậy, Trung Quốc phải quên đi việc khiến chúng tôi ngồi vào bàn với họ".
Mặc dù trong nước có một số chỉ trích rằng chỉ có hoàng gia mới được hưởng lợi từ mối quan hệ với Đài Bắc, eSwatini dường như vẫn ở bên người bạn cũ ở Đông Á xa xôi của họ.
Bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, và nhà vua eSwatini Mswati III trong lễ đón tại thủ đô Mbabane hồi tháng 4. Ảnh: Guardian. |
Phát ngôn viên chính phủ eSwatini, Percy Simelane, cũng là người phát ngôn cho nhà vua, nói Đài Loan đã rất tốt với họ.
"Người dân eSwatini đã và đang được hưởng lợi từ các mối quan hệ thân mật với Đài Loan kể từ khi giành độc lập 50 năm trước. Quốc gia được hưởng lợi và nhờ đó mà nhà lãnh đạo cũng hưởng lợi như mong muốn", ông nói.
"Các bác sĩ Đài Loan tiếp tục là trụ cột trong hệ thống y tế của chúng tôi. Việc nói rằng chỉ có một mình đức vua được hưởng lợi cho thấy những người đưa ra cáo buộc muốn phá hoại nền chính trị", ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh châu Phi để công bố một kế hoạch viện trợ hào phóng mới cho lục địa này.
Vua Mswati III của eSwatini, đất nước quân chủ chuyên chế cuối cùng còn tồn tại ở châu Phi, sẽ không dự hội nghị. Ông sẽ chủ trì nghi lễ kéo dài một tuần, nơi hàng nghìn phụ nữ trẻ ở đất nước tôn vinh sự trinh tiết trước mặt ông.
"Mọi nơi trên thế giới, văn hóa là linh hồn của một quốc gia, chỉ có một kẻ ngu ngốc về chính trị mới đặt một hội nghị khu vực lên trên linh hồn của đất nước", ông Simelane nói.
Trung Quốc đã tăng cường áp lực với đất nước trước đây có tên là Swaziland trước hội nghị thượng đỉnh. Một nhà ngoại giao Trung Quốc tuần trước nói họ hy vọng lãnh đạo eSwatini sẽ sớm đến Bắc Kinh.
Trung Quốc đã nỗ lực "bẻ" các đồng minh còn lại của Đài Loan, bây giờ chỉ còn 17, hầu hết là các nước nghèo ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương.
Nhà vua Mswati III bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia hồi năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Đài Loan nói rằng quan hệ song phương với eSwatini vẫn vững chắc. Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã đến thăm nước này hồi tháng 4.
Nhà vua không bình luận về cuộc đấu tranh ngoại giao. Ông đã đến Đài Loan hồi tháng 6, tham dự các cuộc tập trận quân sự và dự lễ tốt nghiệp của một trong những con trai của ông đang theo học tại đây.
Từ năm 1975, Đài Loan đã đầu tư lớn cho các dự án, bao gồm một bệnh viện, một dự án điện khí hóa nông thôn và một sân bay mới.
Chỉ có hoàng gia hưởng lợi?
Những người chỉ trích cho rằng mối quan hệ của eSwatini với Đài Loan đã mang lại lợi ích cho nhà vua. Ông năm nay đã nhận một chiếc Airbus A340-300 đã được tân trang lại ở Đức từ hãng China Airlines của Đài Loan.
"Đất nước có thực sự được hưởng lợi từ một chính quyền bị cô lập không?", giáo sư khoa học chính trị Petros Magagula tại Đại học eSwatini đặt câu hỏi về lợi ích mà Đài Loan đem lại. "Giới lãnh đạo hưởng lợi từ quan hệ với Đài Loan".
Khi được hỏi về ý kiến rằng eSwatini sẽ được hưởng lợi từ quan hệ với Trung Quốc, cơ quan ngoại giao Đài Loan nói với Reuters: "Đài Loan có mối quan hệ sâu sắc, thân thiện và ổn định với eSwatini... và triển vọng hợp tác trong tương lai của hai bên là lạc quan. Đài Loan cũng sẽ giúp cải thiện cuộc sống của người dân eSwatini bằng mọi cách có thể".
Nhà vua Mswati III (giữa) trong nghi lễ "Umhlanga" năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Một nhà kinh tế làm việc cho chính phủ cho biết eSwatini nên đứng về phía Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Tôi không hiểu tại sao chúng ta vẫn còn giữ quan hệ với Đài Loan. Một số nước châu Phi đi theo Trung Quốc đã chứng kiến nền kinh tế phát triển mạnh", nhà kinh tế giấu tên nói.
Hồi tháng 7, Trung Quốc cho biết họ sẽ đầu tư 14,7 tỷ USD vào Nam Phi, đất nước gần như bao lấy toàn bộ eSwatini.
"Nó mang lại lợi ích cho Mswati (nhà vua) và hoàng gia về mặt tài chính", ông Njabulo Dlamini, một quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Swaziland, nói về mối quan hệ với Đài Loan.
Đảng này đã bị cấm hoạt động vì đứng về phía Trung Quốc.