Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP |
Hãng tin CNA của Đài Loan cho biết, chuyến đi diễn ra trong ngày 15/4. Cơ quan Ngoại vụ Đài Loan đã mời nhiều học giả quốc tế tham gia hoạt động bất hợp pháp này trên đảo Ba Bình của Việt Nam.
Ngoài các nhà nghiên cứu Đài Loan, những học giả nổi tiếng mà đảo này mời như ông Hasjim Djalal, nguyên đại sứ Indonesia tại Liên Hợp Quốc; Antonios Tzanakopoulos, phó giáo sư ngành luật quốc tế tại Đại học Oxford...
Theo CNA, chính quyền Đài Loan tổ chức chuyến đi nhằm khẳng định đảo Ba Bình là một hòn đảo, chứ không phải bãi đá.
Từ đầu năm đến nay, Đài Loan đã liên tiếp thực hiện các chuyến thăm trái phép đến đảo Ba Bình.
Đài Loan ngang nhiên đưa học giả ra thăm đảo Ba Bình của Việt Nam vào ngày 15/4. Ảnh: CNA |
Hồi cuối tháng 1, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cùng đoàn quan chức đi thị sát trái phép đảo Ba Bình. Reuters đưa tin, chuyến đi trái phép này diễn ra trong một ngày, với mục đích mà phía Đài Loan tuyên bố là để "chúc Tết" quân, dân của Đài Loan đang hoạt động phi pháp trên đảo.
Đến ngày 24/3, Đài Loan tiếp tục tổ chức chuyến tham quan bất hợp pháp cho báo chí quốc tế đến đảo Ba Bình. Phó lãnh đạo cơ quan ngoại giao của chính quyền Đài Loan Bruce Linh Hồ ngang nhiên tuyên bố trong chuyến đi này, chính quyền ở Đài Bắc muốn khẳng định đảo Ba Bình thuộc "chủ quyền" của Đài Loan.
Đảo Ba Bình (mà Đài Loan gọi là Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: RFA |
Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tiếp đưa ra tuyên bố phản đối việc Đài Loan thực hiện các chuyến đi đến đảo Ba Bình.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói.
Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị lực lượng Đài Loan chiếm đóng phi pháp từ năm 1946. Hiện tại, Đài Loan đang có một cơ sở y tế với 10 giường trên Ba Bình, cùng một ngọn hải đăng và một trạm cứu trợ phục vụ hoạt động đánh bắt.