Hai ứng viên chính trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan ngày 16/1: bà Thái Anh Văn (đảng Dân chủ Tiến bộ, DPP) và ông Chu Lập Luân (Quốc dân đảng, KMT). Ảnh: Straits Times |
Cử tri Đài Loan (Trung Quốc) đang có xu hướng ủng hộ lãnh đạo đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) đối lập, bà Thái Anh Văn. Theo Thời Báo Đài Bắc, nếu khả năng này xảy ra, bà Thái sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức lãnh đạo Đài Loan.
Nếu kết quả cuộc bầu cử diễn ra đúng như dự đoán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm tiếp xúc với bà Thái Anh Văn. Đảng DPP của bà có chính sách đối với Trung Quốc khác với Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền trong 8 năm qua.
Bà Thái Anh Văn được Financial Times mô tả là "cựu giáo sư luật, nói chuyện nhỏ nhẹ, sống độc thân cùng hai con mèo, rất ngưỡng mộ một quan chức thương mại Mỹ không nổi danh".
Nếu đắc cử, chiến thắng của bà Thái Anh Văn có thể trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người. Dù thất bại sau cuộc bầu cử 2012, bà vẫn bền bỉ theo đuổi chức lãnh đạo Đài Loan nhiệm kỳ từ năm 2016. Thành tích của bà cũng hoàn toàn dựa trên nỗ lực cá nhân. Thậm chí, nhiều ý kiến so sánh bà Thái Anh Văn với Võ Tắc Thiên.
Thu hút cử tri trẻ
Chiến dịch tranh cử của bà Thái Anh Văn đặc biệt thu hút những cử tri trẻ. Phần lớn họ bất mãn với lãnh đạo sắp mãn nhiệm, ông Mã Anh Cửu, do các chính sách đối ngoại và đối nội yếu kém. Ông Mã không thể tranh cử đợt này do ông đã trải qua hai nhiệm kỳ.
"Quốc dân đảng (KMT) điều hành rất dở, nên tôi tin rằng bà Thái Anh Văn sẽ chiến thắng. Bà ấy cũng có khí chất và sự lôi cuốn riêng, rất điềm tĩnh, đặc biệt là chứng tỏ với chúng tôi rằng kẻ từng thua cuộc cũng có cơ hội chiến thắng", Chang Ho-wen, 27 tuổi, nói.
Bà Thái Anh Văn trong một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: AFP |
Bà Thái Anh Văn chưa từng kết hôn và hiếm khi chia sẻ về cuộc sống riêng tư, ngoại trừ chuyện về hai con mèo của bà. Chúng đặc biệt được giới trẻ yêu thích.
Khi được hỏi tại một diễn đàn chính sách diễn ra ở Mỹ năm 2015, rằng vị lãnh đạo nào khiến bà ngưỡng mộ nhất, Thái Anh Văn khiến cả khán phòng ngạc nhiên khi nêu tên Charlene Barshefsky, đại diện thương mại Mỹ từ năm 2001.
Duy trì hiện trạng quan hệ với Trung Quốc
Giới phân tích tin rằng chiến thắng gần như chắc chắn của bà Thái cùng đảng DPP cũng dự kiến chiếm đa số trong hội đồng lập pháp của Đài Loan sẽ gây tác động đến quan hệ ở eo biển Đài Loan.
Bà Thái từng là trưởng đoàn đàm phán của vùng lãnh thổ Đài Loan với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không có nhiều thiện cảm với đảng DPP do các chính sách của họ không giống với đảng của ông Mã Anh Cửu. Do vậy, bà Thái được cho là sẽ tìm cách trấn an các đối tác Mỹ, Nhật Bản, và gián tiếp nhằm vào Bắc Kinh, rằng bà sẽ duy trì "hiện trạng", duy trì những thỏa thuận xuyên eo biển mà ông Mã đã đàm phán thành công.
Bà Thái Anh Văn cam kết duy trì các thỏa thuận hiện tại với Trung Quốc. Ảnh: NBC |
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã hoài nghi về cam kết này của bà Thái Anh Văn, do bà chưa từng thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với Đồng thuận 1992 về phát triển hòa bình giữa hai eo biển.
"Trong khi đó, ông Chu Lập Luân (ứng viên đảng KMT) và Tống Sở Du (đảng Thân Dân, PFP) đều đã có hành động này", hãng tin nhà nước Trung Quốc chỉ rõ trong bài báo ngày 15/1.
Một số quan chức Đài Loan đã thể hiện lo ngại về quan điểm của đảng DPP. Trong thông điệp đầu năm mới 2016, ông Mã Anh Cửu đã kêu gọi người kế nhiệm tiếp tục duy trì các chính sách xuyên eo biển hiện tại và những giá trị của Đồng thuận 1992.
Thời báo Hoàn cầu cảnh báo rằng "Đài Loan sẽ thiệt hại đáng kể nếu hòa bình ở eo biển Đài Loan bị đảo ngược". Tờ báo cho biết Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến để đưa ra phản ứng.
Theo Straits Times, Tiến sĩ Richard Bush (nguyên chủ tịch Viện Châu Mỹ ở Đài Loan) nhận định, nếu bà Thái Anh Văn có những chính sách bất lợi sau khi đắc cử, Bắc Kinh có thể áp đặt một số "cảnh báo ngắn hạn" như không nối lại đàm phán về quan hệ xuyên eo biển, giảm số lượng du khách đến đảo Đài Loan, ngưng các chính sách ưu đãi với nông sản của vùng lãnh thổ...
Kỳ vọng cải cách
Song song với đối ngoại, bà Thái được kỳ vọng sẽ có những chính sách làm thay đổi tình hình kinh tế hiện tại. 40% xuất khẩu của vùng lãnh thổ Đài Loan là sang Trung Quốc, do vậy đảo này cũng bị ảnh hưởng vì những biến động ở Trung Quốc. Trong khi đó, dân số của Đài Loan là nền dân số già. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cũng ở mức cao: 12%.
CNN cho biết nhiều cử tri đặt niềm tin vào khả năng quản trị của bà Thái Anh Văn. Bà đã đối mặt với nhiều thách thức khó khăn trong vai trò cố vấn chính quyền để giúp Đài Loan chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từng là chủ tịch Hội đồng quan hệ với đại lục dưới thời ông Trần Thủy Biển. Bà cũng nhanh chóng thống nhất nội bộ đảng DPP sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012.
"Khi ngày 16/1 đến, một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu. Nó mang lại những cải cách toàn diện, bao gồm hệ thống an toàn thực phẩm, việc chăm sóc y tế cho người cao tuổi, hệ thống hưu trí. Đây đều là những vấn đề mà chính quyền cũ không giải quyết triệt để trong 8 năm qua", bà Thái Anh Văn phát biểu trước cử tri ở thành phố Đài Trung trong tuần này.