Thông báo trên được một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 16/5, theo AFP. Theo dự kiến, phiên họp toàn thể của Đại hội đồng sẽ được tổ chức vào lúc 19h ngày 18/5 (theo giờ Mỹ).
Bản dự thảo nghị quyết kêu gọi "đình chỉ ngay lập tức việc cung cấp, mua bán hoặc chuyển giao tất cả vũ khí, đạn dược và các trang bị khác liên quan đến quân sự cho Myanmar, dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp".
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chuẩn bị kêu gọi ngừng chuyển giao vũ khí cho quân đội Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc còn kêu gọi "chấm dứt tình trạng khẩn cấp" tại Myanmar và ngừng "mọi hành vi bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa" ngay lập tức.
Tổ chức này cũng mong muốn "trả tự do cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi", cùng tất cả những người "bị giam giữ, buộc tội hoặc bị bắt bớ” kể từ cuộc chính biến ngày 1/2.
Không chỉ vậy, bản nghị quyết còn kêu gọi "tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến công tác" của đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Myanmar, đồng thời cho phép tổ chức này cung cấp "quyền tiếp cận nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở" ở đây.
Trong phiên họp sắp tới, nếu không đạt đủ sự đồng thuận của các quốc gia, 193 thành viên Đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu về bản dự thảo.
Là sáng kiến của Liechtenstein, với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ, nghị quyết trên đã được các quốc gia đàm phán trong nhiều tuần. 48 nước đã đồng ủng hộ bản dự thảo. Trong số đó, Hàn Quốc là đại diện châu Á duy nhất.
Một số tổ chức phi chính phủ khác từ lâu cũng đã kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar.
Khác với các quyết định của Hội đồng Bảo an, nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra không mang tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa chính trị mạnh mẽ.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua bốn tuyên bố về Myanmar từ khi cuộc chính biến nổ tại quốc gia Đông Nam Á ngày 1/2 đến nay.