"Chúng tôi hy vọng Tổng thống Trump sẽ đích thân phát biểu tại Đại Hội đồng", Kelly Craft, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ngày 30/7 cho biết ông Donald Trump có thể là nhà lãnh đạo "duy nhất" đọc diễn văn trong phòng hội nghị vào tháng 9.
"Năm nay là kỷ niệm 75 năm (của Liên Hợp Quốc), nên điều này càng đặc biệt hơn nữa", bà tiết lộ trong một sự kiện trực tuyến.
Vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 7 đồng ý lãnh đạo mỗi nước ghi hình trước bài phát biểu và gửi đến phiên họp toàn thể năm nay. Tại hội trường, chỉ có một lượng giới hạn nhà ngoại giao các nước được phép góp mặt. Chỉ một vài sự kiện bên lề được lên lịch tổ chức.
Tổng thống Donald Trump đọc diễn văn tại phiên họp toàn thể Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2019. Ảnh: Getty. |
Trong những năm trước, vào mỗi phiên họp toàn thể của Đại Hội đồng, hàng nghìn nhà ngoại giao, quan chức cấp cao và nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đến trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York. Trong sự kiện kéo dài khoảng 1 tuần, các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và bộ trưởng ngoại giao từ 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc sẽ có diễn văn trước Đại Hội đồng, bên cạnh đó là hàng trăm sự kiện bên lề và cuộc gặp riêng giữa đại diện các nước.
Năm nay, các bài diễn văn cho phiên họp năm nay sẽ bắt đầu được chiếu từ ngày 22/9. Trước đó 1 ngày, Liên Hợp Quốc tổ chức sự kiện kỷ niệm 75 hoạt động với chủ đề "tái khẳng định cam kết tập thể với chủ nghĩa đa phương".
Đại sứ Kelly Craft cho biết Mỹ sẽ tập trung vào các vấn đề "nhân quyền, minh bạch và trách nhiệm".
Theo Politico, trong giai đoạn dịch bùng phát ở New York, bà Craft đã tranh thủ thời gian giãn cách tiếp xúc để gọi điện cho 185 đại sứ các nước thành viên Liên Hợp Quốc "chỉ để hỏi thăm tình hình mọi người".
Bà Craft nói đại sứ một vài nước nhỏ đã sốc khi nhận cuộc gọi của bà. Đại sứ Mỹ mô tả các nước "phản hồi tích cực" và sẽ hỗ trợ xây dựng "liên kết đặc biệt" hữu ích cho những nỗ lực của Mỹ nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc.