Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại học ở Trung Quốc đào tạo eSports chuyên nghiệp

Một số đại học của Trung Quốc mở khóa học về eSports (thể thao điện tử), nhằm đào tạo sinh viên cách để tồn tại ở thế giới kỹ thuật số hứa hẹn rất khốc liệt trong tương lai.

Dai hoc day eSports anh 1

Nền eSports Trung Quốc những năm gần đây phát triển thần tốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Họ sở hữu những tổ chức eSports giàu tài chính và mạnh về thực lực như Royal Never Give Up, Invictus Gaming, FunPlus Phoenix, PSG.LGD, Team Aster... Nói cách khác, người Trung Quốc luôn vươn lên đỉnh cao trong nhiều tựa game lớn trên thế giới, từ Liên Minh Huyền Thoại (LMHT), Dota 2 cho đến các thể loại bắn súng.

Quốc gia tỷ dân thậm chí xem eSports là ngành công nghiệp có tiềm năng khổng lồ và ra sức đổ tiền đầu tư. Các trường đại học ở Trung Quốc cũng bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp tỷ USD.

Dai hoc day eSports anh 2

Các giải đấu eSports ở Trung Quốc được tổ chức quy mô và hiện đại.

Đào tạo chuyên nghiệp

Đại học thành phố Thẩm Dương là một trong những trường đi tiên phong trong đào tạo eSports. Ở đó, sinh viên được học tư duy chơi game, sản xuất nội dung, quy trình quảng cáo và bình luận các trận đấu eSports chuyên nghiệp.

"Trung Quốc thiếu hơn 260.000 chuyên gia eSports"

Sun Wenyuan, giảng viên dạy eSports

Sinh viên được học ở những giảng đường có cơ sở vật chất hiện đại và phù hợp. Mục đích của việc đào tạo nhằm cung cấp tài năng cho ngành công nghiệp eSports đang bùng nổ ở Trung Quốc.

Năm 2018, chức vô địch Chung kết Thế giới (CKTH) Liên Minh Huyền Thoại của Invictus Gaming thúc đẩy nhiều trường đại học ở Trung Quốc bắt đầu nghiêm túc đầu tư giảng dạy eSports. "Khóa đào tạo không chỉ dành cho game thủ, mà còn tìm kiếm tài năng có thể phân tích các trận đấu, nghiên cứu trò chơi, điều hành các đội eSports và tổ chức giải đấu", Li Giang, phó hiệu trưởng một trường đại học ở Đông Bắc Trung Quốc, chia sẻ với BJ News.

Yang Yuhai, một sinh viên ngành eSports, nói muốn trở thành chuyên gia quảng cáo cho các tựa game hoặc trở thành trọng tài giải đấu sau khi tốt nghiệp. Trong khi, nữ sinh viên Tang Ting, cho biết muốn chơi game giỏi như bao người con trai khác. "Bố mẹ ủng hộ quyết định của tôi. Họ tin tôi có thể cân bằng giữa việc học và chơi game", Tang nói với Pear Video.

Sun Wenyuan, một giáo viên phụ trách giảng dạy eSports ở Trung Quốc, tin game không chỉ đơn thuần là để chơi. "Khóa đào tạo nhằm hỗ trợ toàn diện cho ngành công nghiệp eSports. Trung Quốc thiếu hơn 260.000 chuyên gia eSports", ông nhấn mạnh.

Đại học thành phố Thẩm Dương không phải là trường duy nhất ở Trung Quốc đào tạo eSports chuyên sâu. Trường kỹ thuật Lanxiang ở miền Đông Trung Quốc là một trong những nơi đầu tiên khai giảng khóa học eSports. Ngôi trường ở Tế Nam khởi động chuyên ngành eSports và thu hút 50 sinh viên trong năm đầu.

Dai hoc day eSports anh 3

Nhiều đại học ở Trung Quốc bắt đầu mở các khóa giảng dạy về eSports.

Giờ đây, Trung Quốc là thị trường lớn của eSports. Năm 2017, hơn 40.000 người có mặt ở sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh, để theo dõi trận chung kết LMHT giữa T1 và Samsung Galaxy (eSports).

Năm 2018, Invictus Gaming trở thành đội Trung Quốc đầu tiên vô địch CKTG Liên Minh Huyền Thoại. Tiếp đến, FunPlus Phoenix nối gót để lên ngôi vô địch CKTG vào 2019. Năm 2020, Suning Gaming, đội của game thủ hay nhất Việt Nam Lê "SofM" Quang Duy, giành ngôi á quân ở CKTG.

Thành tích mà các đội LMHT giành được trong những năm qua chứng minh phần nào sự phát triển mạnh mẽ của eSports ở Trung Quốc. Esports sẽ được đưa vào thi đấu ở kỳ Asian Games 2022 tại Hàng Châu. Trung Quốc cũng ra sức vận động hành lang để đưa eSports góp mặt ở Olympic trong tương lai.

Nghề có thu nhập cao ngất ngưởng

Sự thành công của nhiều ngôi sao eSports khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này. Ở Trung Quốc, game thủ có cơ hội trở thành ngôi sao của giới trẻ, nếu đạt được những giải thưởng hay thành tựu nổi bật.

Theo Abacus, game thủ chuyên nghiệp có mức thu nhập trung bình chỉ kém nhân viên ngân hàng và kế toán - 2 ngành nghề được trả lương cao nhất Trung Quốc. Nhân viên làm các ngành nghề trong lĩnh vực eSports kiếm trung bình hơn 1.500 USD mỗi tháng.

Trong cuộc khảo sát về thu nhập trong phạm vị người làm công ăn lương, những ngành nghề liên quan quản lý tài sản, ngân hàng hay chứng khoán có mức lương cao nhất với hơn 1.700 USD mỗi tháng.

Ge "Kid" Yan, cựu game thủ Invictus Gaming, tiết lộ mức lương trung bình của thành viên chính trong một đội LMHT rơi vào khoảng hơn 4.500 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, "Kid" nhấn mạnh mức thu nhập của những ngôi sao hàng đầu như Lê "SofM" Quang Duy hoặc Yu "JackeyLove" Wen-Bo đều không dưới 1 triệu USD mỗi năm.

Đầu 2021, người hâm mộ LMHT Trung Quốc bàn tán sôi nổi về mức lương tin đồn của ngôi sao eSports Việt Nam. Cụ thể, "SofM" được tiết lộ có mức thu nhập ở Suning Gaming lên đến gần 2 triệu USD mỗi năm.

Dai hoc day eSports anh 4

Game thủ sẽ trở thành ngôi sao nổi tiếng ở Trung Quốc nếu đạt được thành tựu nổi bật.

Song song với việc thi đấu, game thủ hàng đầu ở Trung Quốc có thể kiếm thêm số tiền khổng lồ khi làm streamer. Theo Inven Global, huyền thoại LMHT Trung Quốc, Jian "Uzi" Zi-Hao, từng đón nhận lượt người xem kỷ lục 8,5 triệu trong một buổi phát trực tuyến vào 2018.

"Trung Quốc là thị trường eSports lớn. Các game thủ được đối đãi như một siêu sao"

Daily Mail

Dù không còn thi đấu chuyên nghiệp, "Uzi" vẫn là cái tên rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Kỹ năng chơi game xuất chúng và sự am hiểu tường tận về LMHT, giúp "Uzi" luôn thu hút lượng người theo dõi lớn trong các buổi phát trực tuyến.

"SofM" cũng là cái tên nổi tiếng và thu hút lượng người theo dõi lớn mỗi khi phát trực tuyến. "Thần rừng LMHT" Việt Nam luôn có hàng triệu người theo dõi trong các buổi phát trực tuyến.

Lượng người xem tỷ lệ thuận với mức thu nhập mà các game thủ hay streamer nhận được trong mỗi buổi trực tuyến. "Uzi" và "SofM" nhận rất nhiều tiền donate (người theo dõi tặng tiền cho streamer) trong mỗi buổi phát trực tuyến.

Tất cả ngành nghề kể trên từ game thủ chuyên nghiệp, streamer cho tới những nhân viên làm về eSports đều cần được đào tạo bài bản. Nhận thấy những thiếu sót trong quá trình phát triển, các trường đại học ở Trung Quốc nghiêm túc đầu tư vào giảng dạy, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của eSports.

"Trung Quốc là thị trường eSports lớn. Các game thủ được đối đãi như một siêu sao", trang Daily Mail nhận định.

Streamer là một nghề thuộc ngành công nghiệp eSports (thể thao điện tử). Công việc của streamer là ngồi trước màn hình máy tính để chơi game thông qua các nền tảng trực tuyến. Thu nhập của ngành nghề này phần lớn đến từ tiền quyên góp của người xem.

Thần rừng SofM và pha xử lý 'lườm rau gắp thịt' với Lee Sin Trong chiến thắng 2-1 của Suning Gaming (SN) và Victory Five (V5) tại LPL Mùa Hè 2020, Lê "SofM" Quang Duy có pha xử lý mẫu mực, giúp đội nhà lật ngược thế cờ.

Esports trở thành ngành công nghiệp tỷ USD

Xuất phát từ các giải đấu phong trào đầu những năm 2000, eSports dần lớn mạnh và trở thành ngành công nghiệp tiếp theo vượt ngưỡng một tỷ USD.

Chân dung game thủ gốc Việt được định giá triệu USD

"Tyson "TenZ" Ngo có mọi thứ bạn muốn ở một game thủ và hơn thế nữa", trang Dot eSports đánh giá về ngôi sao Valorant gốc Việt.

Kinh Vân

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm