Điện thoại của Raul Romero reo lên vào buổi sáng thứ ba. Đặt máy xuống, chàng sinh viên 21 tuổi người Venezuela không thể ngủ tiếp.
Romero đang là du học sinh tại Đại học Kenyon của Ohio. Cậu vừa nhận được thông tin về chỉ thị visa mới của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE). Theo đó, ICE ngưng cho phép sinh viên nước ngoài học 100% online vào kỳ học mùa thu năm nay.
Raul Romero không thể ngủ được và dành hàng giờ để suy nghĩ về quyết định tiếp theo sau chỉ thị visa mới của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Hoang mang và bối rối
Chàng sinh viên trẻ ngồi hàng giờ liên trên giường để tiếp nhận thông tin và suy nghĩ về các lựa chọn sau khi quy định mới được ban hành. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Mỹ, các trường rất có thể sẽ phải tiếp tục học online 100%. Điều đó có nghĩa Raul buộc phải về nhà.
Romero là một trong hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế tại Mỹ có thị thực F-1 và M-1 phải đối mặt viễn cảnh bị trục xuất khỏi đất nước này, nếu trường dạy trực tuyến toàn bộ.
Theo Reuters, một số sinh viên bày tỏ sự lo lắng và xem xét phương án bỏ học vì chính sách mới. Trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn trên, rất nhiều sinh viên bày tỏ cảm giác hoang mang, bối rối trước những thay đổi về chính sách dành cho du học sinh của chính quyền Trump.
Romero cho hay ở quê nhà Venezuela, mẹ và anh trai đang sống nhờ khoản tiền tiết kiệm. Internet là điều gì đó rất xa xỉ. Gia đình phải vật lộn để kiếm sống. Raul đi học theo diện học bổng toàn phần nên nếu bị trục xuất, học ở quê nhà, đồng nghĩa cậu rất khó để theo kịp các lớp học online.
Bởi vậy, chàng sinh viên 21 tuổi bàng hoàng khi nghĩ về viễn cảnh phải quay về nhà, vất vả học tập trong “sân chơi giáo dục bất bình đẳng”.
“Tôi nghĩ rằng mình không thể”, Romero buồn bã thừa nhận. Và ngay cả khi Romero quyết định về nhà, hiện tại, cũng không có chuyến bay nào từ Mỹ về Venezuela.
Benjamin Bing, 22 tuổi, đến từ Trung Quốc, người dự định học ngành Khoa học Máy tính tại Carnegie Mellon vào mùa thu năm nay, bày tỏ cảm giác chán nản khi không được chào đón ở Mỹ.
“Chúng tôi trả tiền để đi học và chẳng làm gì sai. Tôi cảm thấy như chỉ thị mới đang cố tình đưa chúng tôi khỏi Mỹ”, Reuters dẫn lời chàng sinh viên.
Hàng nghìn sinh viên quốc tế đắn đo đi hay ở giữa tình hình hiện tại tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Nhiều trường trấn an và tạo điều kiện cho du học sinh
Việc sinh viên quốc tế lo lắng là điều dễ hiểu. Phản ứng trước chỉ thị visa mới, không chỉ sinh viên, rất nhiều đại học lên tiếng phản đối. Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg (Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health) thuộc Đại học Johns Hopkins lên tiếng phản đối kịch liệt quyết định của ICE.
Trong khi đó, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã khởi kiện Bộ An ninh Nội địa Mỹ, sau khi cơ quan này công bố quy định di trú mới gây tranh cãi.
Một số trường khác đưa ra lời khuyên hướng dẫn du học sinh trước tình hình hiện tại. Trên website của mình, trường Reed College đưa ra thông báo với một số hướng dẫn như: Ưu tiên sinh viên quốc tế ở tại ký túc xá, nhà ở trong khuôn viên trường và ở lại trường đến năm 2021, nếu chỉ thị không thay đổi. Nhà trường cũng hỗ trợ du học sinh đăng ký ít nhất một khóa học offline để đảm bảo không thuộc diện bị trục xuất.
Thêm vào đó, những sinh viên mới chuẩn bị nhập học không thể tới Portland kịp cho kỳ học mùa thu, cần liên hệ trực tiếp qua email của nhà trường, để được hướng dẫn cụ thể, trực tiếp.
Cùng hướng giải quyết như Reed College, ĐH Duke đưa phương án hỗ trợ tối đa cho du học sinh, đảm bảo những sinh viên quốc tế trong diện visa F-1 sẽ được học tối thiểu một khóa học trực tiếp.
Theo ABC 11, hội sinh viên của Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill (UNC) lập một bảng hướng dẫn và nhóm hỗ trợ để giải đáp bất kỳ thắc mắc hay yêu cầu nào liên quan đến chỉ thị visa mới từ du học sinh.
Hiện, số phận của những sinh viên bị ảnh hưởng vì chỉ thị mới vẫn còn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, việc cần làm của du học sinh đến thời điểm này là chờ đợi thông báo từ ban giám hiệu trường.