Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học là ánh cầu vồng hay cơn ác mộng?

Đậu đại học rồi những cô cậu trò nhỏ liệu có vui không? Để trở thành tân sinh viên các em đã phải đổ bao mồ hôi và có thể là những giọt nước mắt. Nhưng sau đó, liệu có nụ cười?...

Đã hơn một tuần, tôi mới thấy cô bé hàng xóm bước ra khỏi nhà. Tưởng em ốm, tôi vội chạy lại hỏi thăm. Nhưng không phải, hóa ra em chỉ đang “ở ẩn” mà thôi. Suốt từ hôm biết điểm thi, cô bé cứ trốn ở trong nhà.

Cũng dễ hiểu thôi, em đang sợ hãi: sợ bị so sánh, sợ bị đánh giá và sợ cả sự quan tâm. Vốn là cô bé học giỏi nhất khu phố, nhưng giờ đây điểm thi của em lại không được như mong đợi. Liệu tôi có nên an ủi em bằng câu “Học tài thi phận” nữa hay không?

Thầy cô và cha mẹ có thể đặt những kì vọng lớn hơn ở em? Nhưng số điểm ấy đâu phải là thấp, sao em phải buồn đến vậy? Hỏi ra, tôi mới biết, bố mẹ em muốn em vào trường Y.

Dai hoc la anh cau vong hay con ac mong? anh 1
Vào đại học đôi khi còn là thử thách để chúng ta trả lời cho câu hỏi: "Mình muốn làm gì? Và muốn trở thành ai trong tương lai?

Điểm số mà em vừa đạt được khiến em đứng chênh vênh trên con đường trở thành bác sĩ. Thấy đôi mắt buồn rười rượi của em đang vô hồn nhìn vào phố xá, tôi hỏi em: “Em có thực sự thích mặc áo blouse trắng không?”. Và em đã lắc đầu.

Em thủ thỉ với tôi rằng em muốn trở thành nhà thiết kế thời trang. Sau câu nói có chút rụt rè ấy mắt em sáng lên lấp lánh. Từ nhỏ, cô bé ấy đã rất khéo tay. Tôi còn nhớ, cách đây mấy tháng, chiếc váy mới mua của tôi không may bị rách.

Nhờ đôi bàn xinh xẻo của em hì hụi cắt cắt, khâu khâu mà tôi đã có một chiếc váy mới bắt mắt hơn cả chiếc váy cũ.

Thi đại học đâu phải chỉ là chuyện học

Sau nụ cười vừa chớm nở trên môi, nước mắt em khẽ rơi. Em nói rằng đã xin bố mẹ để được thực hiện ước mơ, nhưng bố mẹ em lại cho rằng thiết kế thời trang là một nghề nghiệp không có tương lai.

Phải chăng, đó chỉ là cách gọi “sang trọng” hơn dành cho những người thợ may mà thôi. Trường Y, trường Kinh tế, trường Dược… mới là những cái đích cho giấc mơ đại học.

Thế mới biết, thi đại học đâu chỉ có chuyện học. Một kì thi nhưng không chỉ có câu chuyện của những kiến thức trong sách giáo khoa. Ở đó, còn có cả giấc mơ, tương lai nghề nghiệp và có khi là những viễn cảnh xa xôi về cuộc sống của 10 hay 20 năm nữa.

Ta học cho chính mình, ta lao động để phục vụ bản thân, nhưng giấc mơ của ta có bóng dáng của muôn vàn người khác. Đó là cha mẹ, là thầy cô và đôi khi có cả hình bóng của những người xa lạ…

Một bác sĩ giỏi với thu nhập vài trăm triệu/năm. Một giám đốc kinh doanh lương tháng vài ngàn USD… có thể lắm chứ? Làm thế nào để bản thân trở thành tâm điểm trong giấc mơ của riêng mình? Đó là điều mà không phải bạn trẻ nào cũng làm được.

Dai hoc la anh cau vong hay con ac mong? anh 2
Áp lực thi cử đã trở thành "bóng ma vô hình" trong mỗi kì thi lớn. 

Giống như chúng tôi trước kia, trước kì thi đại học đám sĩ tử phần nhiều còn đang ngơ ngác về tương lai thường chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là những bạn trẻ có một giấc mơ rõ ràng về nghề nghiệp, về việc mình sẽ trở thành ai và sẽ là những gì.

Tiếc thay, những người biết ấp ủ giấc mơ và đáng trân trọng như vậy luôn nằm ở phe thiểu số.

Nhóm thứ 2 là những ai không có giấc mơ nghề nghiệp cụ thể. Họ sẽ chọn trường, chọn ngành dựa vào học lực và một số tiêu chí như: ngành đó có “hot” không, có dễ dàng xin việc không, lương bổng ra sao? Và dường như quá nửa đám học trò chúng tôi ngày đó quyết định tương lai theo cách này.

Nhóm thứ 3 có lẽ là những người khiến thầy cô lo lắng nhất. Với họ vào trường nào cũng được, học ngành nào cũng xong, miễn là bước chân vào được cổng trường đại học.

Biết đâu thất bại lại là cơ hội của tương lai

Trong thời buổi “người người học đại học, nhà nhà có bằng cử nhân” thì ta cũng không thể đứng ngoài cuộc. Trường đại học đình đám hay vô danh, ngành “hot” hay “ế ẩm” không phải là điều đáng bận tâm. Cốt sao dành được một tấm vé vào đại học.

Dai hoc la anh cau vong hay con ac mong? anh 3
Dù chọn con đường nào, hãy luôn nhớ rằng: công việc là một trong những điều khiến ta hạnh phúc. 

Bởi chúng tôi là thế hệ “gà công nghiệp” được nuôi dưỡng chỉ để học, nên ngoài học chúng tôi có biết làm gì khác đâu. Học tiếp lên đại học với nhiều người trong chúng tôi thời đó dường như là “phương án tạm thời” cho những ngày tháng tiếp theo của tuổi trẻ. Chính những người bạn ấy, cũng không biết được mình làm tốt điều gì và nên làm gì?

Trong những năm gần đây, đại học không còn là đích đến của nhiều cô cậu học trò vừa rời ghế trường trung học. Các em chọn đi học nghề nhiều hơn. Chúng ta có thể trở thành đầu bếp, thành thợ kĩ, thành nghệ nhân chế tác sản phẩm thủ công truyền thống....

Tuổi trẻ vốn có nhiều con đường, đâu nhất thiết phải vào đại học và cầm trên tay tấm bằng cử nhân. Và những điều đó cũng đâu đảm bảo chắc chắn cho một tương lai tốt đẹp.

Lại quay về với câu chuyện về cô bé hàng xóm của tôi. Nếu em đậu vào trường Y liệu em có hạnh phúc thực sự không? Khi em trở thành một bác sĩ nhưng không yêu nghề. Nếu em không đậu vào trường Y liệu đó có phải là một thất bại?

Biết đâu, thất bại này lại mở ra cho em cơ hội theo đuổi ước mơ thật sự thì sao? Có thể lắm chứ! Miễn là em can đảm!





Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm