Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sân golf cạnh phi trường Tân Sơn Nhất xưa: Ai sở hữu, ai chơi?

Thập niên 1950, sân golf nhỏ nằm ở phía Nam của phi trường Tân Sơn Nhất (trái ngược với phía Bắc như ngày nay) và do câu lạc bộ Golf Club de Saigon thuê.

Cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất của tác giả Quốc Việt vừa được Công ty Phương Nam và NXB Thế giới ấn hành tháng 6/2018. Sách chứa đựng nhiều thông tin thú vị về lịch sử của phi trường từng chứng kiến bao biến thiên thời cuộc.

Được sự đồng ý của Phương Nam, NXB Thế giới và tác giả Quốc Việt, Zing.vn trích đăng một số chương từ cuốn sách. Đoạn trích được lược bớt so với nội dung trong sách, các tiêu đề, đề mục được thay đổi trong quá trình biên tập.

Nằm ở khu vực công viên Gia Định ngày nay

Trong ký ức của các chứng nhân một thời, khoảng thập niên 1950, Tân Sơn Nhất cũng có một sân golf nhỏ nhưng nó nằm ở vị trí khác khu vực sân golf hiện nay và hoàn toàn không thuộc nội vi hoạt động của phi trường.

Ngược hướng hoàn toàn với sân golf đang hiện hữu, nó nằm bên cạnh đường Võ Di Nguy (đường Nguyễn Kiệm) và trại Trần Văn Chẩn, gần nghĩa trang Bắc Việt, tức khu vực công viên Gia Định ngày nay.

Lịch sử khởi lập sân golf đầu tiên này bắt đầu từ năm 1932 dưới thời chính quyền Pháp thuộc. Hội Golf Club de Saigon đã ký khế ước thuê mảnh đất rộng gần 40ha thuộc sở hữu của Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn tọa lạc tại các xã Phú Nhuận và Hạnh Thông, tỉnh Gia Định.

Giai đoạn ấy, mảnh đất này chưa thuộc về Tân Sơn Nhất, vì diện tích phi trường còn nhỏ hẹp, chưa được mở rộng đến đây. Thời hạn thuê chín năm, đến năm 1941 Hội Golf lại tái ký gia hạn thêm ba năm. Nhưng năm 1945, khế ước không được tái lập nữa mặc dù Hội Golf vẫn tiếp tục sử dụng khu đất này.

100 nam phi truong tan son nhat anh 1
Cuốn sách 100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất.

Đến năm 1947 thì khu đất trên được Toàn quyền Pháp ký Nghị định trưng thu vì công ích để nới rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Như vậy, từ thời điểm này, khu đất 40ha do Golf Club thuê đã thật sự thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất và dưới sự quản trị của Nha Hạ tầng Cơ sở Hàng không thuộc chính phủ Pháp cho đến năm 1954.

Sau khi miền Nam chuyển giao sang chính thể Việt Nam Cộng hòa, khu đất này thuộc Nha Căn cứ Hàng không, Bộ Công chánh.

Tuy nhiên, do tình hình thời chiến giai đoạn ấy, các cơ sở vận hành hàng không chưa cần thiết phải mở rộng sang phía sân golf bên đường Võ Di Nguy, nên nó vẫn được quy hoạch là khu đất dự trữ tạm để Hội Golf hoạt động như cũ và sẽ thu hồi khi nào cần thiết. Giáp ranh sân golf là kho phế liệu quân đội, trại Trần Văn Chẩn, Bộ Tổng Tham mưu…

CLB golf thuê, Nhà nước có quyền tịch thu không bồi thường

Đến năm 1964, xét vì tình trạng cho sử dụng đất đã không hợp thức từ năm 1945, và với tư cách là cơ quan quản trị công sản hàng không, Nha Căn cứ Hàng không, Bộ Công chánh đã làm các thủ tục hợp thức hóa tình trạng này. Giấy phép số 64/HK/A4/Đ ngày 16/3/1965 được cấp cho Hội Golf để tạm thời sử dụng khoảng đất diện tích 397.241 mét vuông trong phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất.

Mỗi năm, Hội này phải trả vào ngân sách Quốc gia 79.448 đồng, tương đương với tiền thuê 0,2 đồng mỗi mét vuông. Nha Căn cứ Hàng không là cơ quan đại diện thu tiền thuê đất nhưng phải nộp hết về cho ngân sách Nhà nước.

Golf Club de Saigon phải cam kết trả lại toàn bộ khu đất khi nào phi trường có nhu cầu sử dụng, đồng thời cam kết để lại các cơ sở hạ tầng xây dựng trên đất hoặc có trách nhiệm phải chịu ngân phí tổ chức dỡ bỏ, di dời những cơ sở nào mà phi trường không cần thiết.

100 nam phi truong tan son nhat anh 2
Cam kết của Hội golf về việc trả lại đất mà không đòi hỏi bất cứ bồi thường nào. Ảnh: TTLTQG2 .

Ngày 2/3/1964, Chủ tịch Hội Golf Club de Saigon Trương Duy Nhật đã phúc đáp bằng công văn số 215/GCS gửi đến ông Tổng trưởng Bộ Công chánh và Giao thông.

Trong đó, đoạn cuối ghi rõ: “Hội chúng tôi cam kết sẽ giao hoàn lại nguyên trạng và không đòi một bồi thường thiệt hại nào cả, nếu nhu cầu Quốc gia cần thu hồi mảnh đất này. Trong khi chờ nhận thẩm định của ông Tổng trưởng, kính xin ông Tổng trưởng thể nhận nơi đây sự biết ân chân thành và tấm lòng tôn kính của chúng tôi”.

Về quản lý chung, Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng tỉnh Gia Định, cũng gửi công văn đến Hội Golf Saigon và khẳng định rõ: “Thưa ông Chủ tịch. Trân trọng tin ông rõ Tỉnh chấp thuận cho quý Hội được khai thác miếng đất nằm dài trên lộ Võ Di Nguy nối dài, để lập một sân tập về môn gôn – cầu với điều kiện: Khi nào có mở rộng đường sá tại khu vực này, quý Hội phải tuân theo lộ giới mới, không được kêu nài hoặc đòi bồi thường thiệt hại về khai thác cũng như về kiến trúc”.

Ngoài ra, nhiều cơ quan khác như Bộ Quốc phòng, Yếu khu Tân Sơn Nhất, Không đoàn 33 đều được lấy ý kiến và trả lời chấp thuận cho Hội Golf thuê đất ở vị trí này nhưng phải trả lại bất cứ khi nào chính phủ cần thu hồi mà không được bồi thường.

Thiếu tá Trần Văn Mành, Chỉ huy trưởng Yếu khu Tân Sơn Nhất còn ký bản xác đích phân ranh đất Hội Golf thuê: “Đầu hàng rào được thiết lập cách ngã 3 Chú Ía 20 thước vào bên trong, để dành lối đi cho dân chúng ở xóm Võ Ngói. Chiều dài hàng rào sẽ được thực hiện từ hướng ngã 3 Chú Ía đến giáp hệ thống phòng thủ của Tiểu đoàn 508. Làm một hàng phân ranh giữa sân golf được nới rộng và hệ thống phòng thủ của Tiểu đoàn 508 với khoảng cách 20 thước”.

100 nam phi truong tan son nhat anh 3
Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao qua sơ đồ vào năm 1962. Trong ảnh là thiết kế đường băng phản lực. Ảnh: TTLTQG2.

Thời kỳ ấy, sân golf còn hoàn toàn tách biệt với hoạt động phi trường ở bên này. Đất đai Tân Sơn Nhất khi đó còn rộng mênh mông, nên câu lạc bộ thể thao chẳng ảnh hưởng gì đến việc vận hành phi trường.

Tuy nhiên, thực tế cũng không có mấy người vào đây đánh golf vì an ninh thời chiến không được bảo đảm. Thêm nữa, tần suất máy bay quân sự, dân sự hoạt động quá cao, không lúc nào ngừng gầm rít xé tai, xả khí thải ô nhiễm ra môi trường.

Hiện nay, vị trí sân golf mới ở phía Bắc, nằm ngược lại với sân golf trước 1975. Đây là khu đất mà Tân Sơn Nhất ngày trước để trống, dành để phát triển phi trường khi cần mở rộng. Theo ông Phan Tương, nguyên Giám đốc Tân Sơn Nhất thời kỳ tiếp quản từ 1975 đến giữa thập niên 1980, thì giai đoạn ấy khu đất phía Bắc cũng vẫn còn để trống, chưa có công trình xây dựng nào có thể ảnh hưởng đến việc mở mang phi trường sau này…

60 năm trước, sân bay Tân Sơn Nhất chống ngập như thế nào?

Trong lịch sử, chưa bao giờ có chuyện sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập úng nặng nề như trong vài đợt mưa lớn của ngày nay, theo trí nhớ của Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung.

Lịch sử hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam có gì thú vị?

Air Việt Nam, hay Việt Nam Hàng không, là hãng bay chính thức duy nhất ở thời Việt Nam Cộng Hòa. Hãng khai thác đường bay Sài Gòn đi tỉnh, mở rộng ra Bangkok, Singapore, Nhật Bản.





Trích đăng "100 năm Phi trường Tân Sơn Nhất"

Ảnh: Phương Nam/NXB Thế giới

Bạn có thể quan tâm