Theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes, 5 doanh nhân người Việt được tạp chí này thống kê có khối tài sản trên 1 tỷ USD hồi đầu năm. Đến nay, 2 người trong nhóm này tăng được khối tài sản của mình.
Các ông chủ Việt tăng bao nhiêu tài sản từ đầu năm?
Người có mức tăng tài sản lớn nhất là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với 7,8 tỷ USD, thêm 1,2 tỷ USD so với thống kê hồi đầu năm.
Tỷ phú USD thứ 2 chứng kiến sự phình to của khối tài sản là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air với 2,5 tỷ USD, thêm 200 triệu USD.
Trong khi đó, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, lại bốc hơi 100 triệu USD so với đầu năm, hiện còn 1,6 tỷ USD.
Hai cái tên còn lại là ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan duy trì khối tài sản sở hữu như đầu năm, lần lượt đạt 1,7 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng có thêm 1,2 tỷ USD tài sản từ đầu năm đến nay. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sự giàu lên của ông Vượng và bà Thảo chủ yếu đến từ biến động cổ phiếu tại các doanh nghiệp mà 2 doanh nhân này sở hữu.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VIC đã tăng xấp xỉ 12%, kéo khối tài sản của ông chủ doanh nghiệp này tăng xấp xỉ 18%. Ngoài ra, nửa đầu năm 2019, Vingroup cũng đã mang về cho ông chủ của mình hơn 61.157 tỷ đồng doanh thu, và lãi sau thuế 3.401 tỷ đồng, cao hơn 150% cùng kỳ.
Tương tự, cổ phiếu VJC (chiếm trên 50% tài sản của bà Thảo) cũng tăng 18%. trong khi cổ phiếu HDB lại giảm gần 3% khiến tổng tài sản ròng bà Thảo sở hữu tăng thêm gần 10%. Vietjet cũng ghi nhận 24.556 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 1.981 tỷ đồng 6 tháng gần nhất và nằm trong nhóm doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cao nhất thị trường.
Ngược lại, đà giảm 8% của cổ phiếu TCB là nguyên nhân khiến tài sản ròng của ông Hồ Hùng Anh bốc hơi 100 triệu USD, tương ứng 6%.
Chưa phải các tỷ phú USD, nhiều ông chủ Việt tại các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng có mức tăng tài sản ấn tượng, lên tới cả trăm triệu USD chỉ từ đầu năm.
Tài sản quy đổi từ chứng khoán của bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng), Phó chủ tịch Vingroup, hiện đạt xấp xỉ 17.700 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Số tiền hơn 2.500 tỷ đồng này đều đến từ cổ phiếu VIC tăng giá. Hiện bà Hương cũng nằm trong nhóm 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.
Một doanh nhân khác tăng tài sản trên sàn chứng khoán Việt hơn 100 triệu USD kể từ đầu năm là ông chủ Thế giới Di động - Nguyễn Đức Tài. Gần 2.500 tỷ đồng tài sản mới này đến từ mức tăng thị giá 50% của cổ phiếu MWG.
Các doanh nhân như ông Trần Lê Quân (Thế giới Di động), Nguyễn Văn Đạt (Bất động sản Phát Đạt), Đỗ Hữu Hạ (Tài chính Hoàng Huy)… cũng thu về hàng trăm tỷ đồng tài sản từ đầu năm nhờ cổ phiếu doanh nghiệp tăng giá.
Tài sản các tỷ phú cùng ngành trong khu vực biến động ra sao?
Nếu xét trong khu vực Đông Nam Á, các tỷ phú lĩnh vực bất động sản đang có một năm thành công khi hầu hết đều có thêm từ hàng trăm triệu USD cho tới hàng tỷ USD tài sản.
Trong đó, ông Manuel Villar (Philippines), Chủ tịch của Starmalls - nhà điều hành trung tâm mua sắm lớn nhất Philippines và Vista & Landscapes - tập đoàn xây dựng nhà lớn nhất của nước này đã tăng 1,1 tỷ USD tài sản từ đầu năm. Hiện ông sở hữu 6,6 tỷ USD tài sản ròng, phần lớn đến từ đế chế bất động sản của mình. Ông Manuel Villar cũng là người giàu nhất Philippines.
Con số mà ông Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) thu về được từ đầu năm lên tới 2,4 tỷ USD. Trong đó, bất động sản là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của vị tỷ phú này, sau sản xuất đồ uống.
Hiện ông chủ tập đoàn bất động sản TCC Land có trong tay khối tài sản 16,9 tỷ USD, và là một trong 2 người giàu nhất Thái Lan cùng với ông chủ Tập đoàn CP Group - Dhanin Chearavanont (16,9 tỷ USD).
Ngoài những đại gia trên, 4 anh em doanh nhân nhà Kwee (Singapore) sở hữu Tập đoàn Pontiac Land cũng có thêm hơn 200 triệu USD tài sản, hiện đạt 5,8 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú Kwek Leng Beng (Singapore) - Chủ tịch City Developments - nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai quốc đảo này cũng tăng hơn 200 triệu USD…
Ngược lại, lĩnh vực tài chính ngân hàng lại ghi nhận đà sụt giảm tài sản của hầu hết doanh nhân Đông Nam Á từ đầu năm. Nguyên nhân do kinh tế thế giới chững lại và các ngân hàng phải đưa ra các chính sách tiền tệ nới lỏng, kích thích kinh tế.
Hai anh em doanh nhân nhà Hartono (Indonesia), chủ sở hữu ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á - Bank Central Asia đã mất tổng cộng 1,8 tỷ USD tài sản ròng do đà sụt giảm của cổ phiếu.
Ông Teh Hong Piow (Maylaysia), sở hữu phần lớn vốn của Public Bank Maylaysia đã mất 1,5 tỷ USD tài sản từ đầu năm do đà giảm của cổ phiếu ngân hàng. Hiện ông sở hữu khối tài sản khoảng 5,2 tỷ USD.
Tương tự, ông Lucio Tan (Philippines) Chủ tịch của Tập đoàn LT đã sụt giảm 1,1 tỷ USD tài sản từ đầu năm; tỷ phú Quek Leng Chan, giàu thứ 2 Malaysia, chủ sở hữu Hong Leong Bank đã mất 200 triệu USD...