Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ba tháng vừa qua, PNJ đạt doanh thu thuần 2.962 tỷ đồng, thấp hơn con số cùng kỳ 2018 là 3.217 tỷ. Trong đó, doanh thu vàng, bạc, đá quý giảm từ 3.202 tỷ xuống 2.936 tỷ. Ngược lại, doanh thu từ hàng hóa khác bao gồm đồng hồ tăng từ 5 lên 13 tỷ.
Theo PNJ, việc doanh thu thuần sụt giảm 8% có 3 nguyên nhân chính là sức mua chung của thị trường với hàng trang sức suy giảm, doanh số kênh bán sỉ trong quý giảm 23% và doanh nghiệp tập trung nguồn lực vận hành hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP).
Doanh thu thấp hơn cùng kỳ nhưng giá vốn hàng bán của công ty lại có tỷ lệ giảm cao hơn nên PNJ có lợi nhuận gộp tăng thêm 9%, đạt 636 tỷ. Tuy vậy, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của PNJ đều tăng khiến lợi nhuận trước thuế của công ty giảm từ 223 tỷ xuống còn 210 tỷ.
PNJ cho biết tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 18% lên 403 tỷ đồng, chủ yếu do chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ ngành vàng, đồng hồ. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng gấp 2 lần, từ 10 tỷ của cùng kỳ năm trước lên 21 tỷ trong quý vừa qua do nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh tăng.
Kết sổ, lãi ròng của PNJ trong quý II là 169 tỷ. Đây là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của "ông trùm" trang sức tính từ quý III/2017.
Ảnh: Việt Đức. |
Sau 6 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần 7.745 tỷ đồng, hoàn thành 42% chỉ tiêu cả năm và đạt lợi nhuận sau thuế 753 tỷ đồng, tương ứng 51% kế hoạch 2019.
Trong cơ cấu sở hữu của PNJ hiện tại, Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung vẫn là cổ đông lớn nhất với 9,04% cổ phần. Theo giá cổ phiếu PNJ chốt phiên giao dịch ngày 22/7 là 77.000 đồng, số cổ phần của bà Dung hiện có giá trị 1.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình Chủ tịch PNJ cũng sở hữu tổng cộng 15,8 triệu cổ phiếu, tương đương 7,1% vốn cổ phần doanh nghiệp.