Theo bà Lan, "Vừa rồi, Cục thuế TP.HCM đã truy thu hàng chục tỷ đồng thuế TNCN của một số đại gia. Lý do là bởi việc quản lý thuế TNCN không có nghĩa là chỉ quản lý tại thời điểm hiện tại, mà phải quản lý trên dữ liệu lịch sử. Theo quy định, thời hạn có thể truy thu lên tới 10 năm. Chính vì vậy, vừa qua, cơ quan thuế TP.HCM sau khi kiểm tra, có cơ sở dữ liệu truy thu lại thuế của một số đại gia".
"Tuy nhiên, sự sơ xuất này, không phải do các đại gia này tìm cách "trốn" đóng thuế mà do họ không hiểu hết pháp luật Thuế TNCN", bà Lan khẳng định.
Bà giải thích: "Các khoản thu nhập chịu thuế của các đại gia cũng vẫn tính là tiền lương, tiền công. Tại mỗi nơi trả thu nhập, họ cũng đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân rồi. Nhưng họ lại không biết rằng thuế TNCN có một đặc điểm là phải tổng hợp thu nhập cả năm. Khi đó, mức thuế đóng TNCN sẽ bị "nhảy" bậc và đội lên. Trường hợp này, họ phải tới cơ quan thuế để tự kê khai nộp thêm". Vì "không hiểu biết" nên bà Lan cho hay, các đại gia không bị phạt về hành vi nộp thiếu thuế mà chỉ bị truy thu.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Thuế thu nhập cá nhân |
Hồi tháng 7, Cục Thuế TP.HCM đã công bố truy thu tới 10,8 tỷ đồng đối với 11 đại gia. Trong đó, có 1 cá nhân bị truy thu mức thuế khủng nhất là 2,2 tỷ đồng. 5 vị đại gia khác bị truy thu từ 1,2- 1,85 tỷ đồng và 5 đại gia còn lại truy thu con số vài trăm triệu đồng/người. Hầu hết, các đại gia này đều làm ở lĩnh vực bất động sản, thương mại, ngân hàng.
Khi đó, đại diện Cục thuế TP.HCM cho hay, các đại gia này đã không khai thu nhập chịu thuế ở nơi thứ hai. Khi quyết toán thuế, nơi chi trả thu nhập chỉ khai áp mức thuế 10%, trong khi tính tổng thu nhập cả năm từ các nguồn khác trong giai đoạn 2009-2011, mức thuế áp dụng phải là 35%.
Bà Lan cho biết, hiện Cục Thuế TP.Hà Nội cũng đang rà soát, tiến hành truy thu thuế TNCN đối với các "đại gia" là các chủ doanh nghiệp trên địa bàn.
Mới đây, một kết quả điều tra của các tổ chức quốc tế đã gây bất ngờ dư luận khi công bố, Việt Nam có tới 195 người đạt chuẩn siêu giàu. Tổng tài sản của họ lên tới 20 tỷ USD. Theo "chuẩn" siêu giàu, những cá nhân này có tài sản lên tới 30 triệu USD trở lên. Năm trước, Việt Nam có 170 cá nhân siêu giàu, với tổng giá trị tài sản là 19 tỉ USD.
Một câu hỏi được đặt ra, liệu 195 tỷ phú siêu giàu này có nộp thuế TNCN đầy đủ hay không và mức nộp cao nhất của một tỷ phú là bao nhiêu?.
Bà Tạ Thị Phương Lan cho hay, theo luật của Việt Nam, ở bậc 7, bậc cuối cùng của biểu thu nhập chịu thuế thì cứ thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng, thuế suất phải đóng là 35%. Tuy nhiên, danh tính và con số "khủng" về nộp thuế thu nhập cá nhân siêu giàu không được tiết lộ vì lý do, bí mật trong ngành. Bên cạnh việc truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế của các đại gia thì hiện nay, cơ quan thuế đang bị quá tải vì phải hoàn thuế cho những hồ sơ chỉ mười mấy nghìn đồng, bà Lan cho hay.
Theo quy định, thời gian hoàn thuế chỉ trong 15 ngày nhưng hiện nay, khâu này phải kéo dài tới 6 tháng, thậm chí 1 năm. Việc chủ động hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp bị tính thừa hiện mới chỉ phụ thuộc vào tính chủ động của người nộp thuế. Nếu người nộp thuế thấy thừa thì có hồ sơ đầy đủ để hoàn và cơ quan thuế sẽ thực hiện việc hoàn thuế này.
Tại nhiều nước tiên tiến, việc hoàn thuế là do cơ quan thuế chủ động. Cuối năm cơ quan thuế sẽ thực hiện quyết toán thuế cho toàn bộ cá nhân, ai thừa sẽ hoàn lại.
Để xác định cá nhân có được hoàn thuế hay không thì phải xác định được tổng thu nhập của họ, tổng hợp từ các khoản trừ gia cảnh thực tế tính tới cuối năm thế nào thì mới xác định số thuế nộp thừa hay thiếu.
Tuy nhiên, hiện nay mã số thuế cho người phụ thuộc mới dần cấp được nên chưa có được số liệu cụ thể cá nhân nào được hoàn bao nhiêu. Ước tính, cả nước có tới gần 20 triệu người phụ thuộc, tương đương với số người nộp thuế thu nhập cá nhân và phải tới năm 2014 mới có thể cấp hết.