Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng trốn thuế
Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu… nổi tiếng nhận thù lao hàng chục triệu đồng mỗi sô diễn, nhưng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nộp khá khiêm tốn.
Năm 2012, Cục thuế TP.Hà Nội kiểm tra thuế với tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho các cá nhân trong năm 2011, truy thu hơn 40,66 tỷ đồng. Trong đó, riêng truy thu thuế TNCN của 6 nghệ sĩ gần 600 triệu đồng.
Không tiết lộ danh tính nghệ sĩ bị truy thu thuế, nhưng ông Đoàn Văn Hạnh, Trưởng phòng thuế TNCN (Cục thuế TP.Hà Nội) cho biết: “Trong số này, một đạo diễn có thu nhập trên 1 tỷ đồng, ca sĩ nổi tiếng có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, không hẳn là họ trốn thuế. Bởi vì có trường hợp, đơn vị trả thu nhập đã khấu trừ 10% thuế thu nhập. Nhưng khi quyết toán, tổng thu nhập của họ lại thuộc mức chịu thuế suất cao hơn (tối đa là 35%).
Cục thuế Hà Nội vừa truy thu hơn 40 tỷ đồng tiền thuế. |
Năm 2011, một nghệ sĩ đã bị truy thu thuế TNCN gần 200 triệu đồng”. Theo ông Hạnh, khi cơ quan thuế gửi thông báo, lập biên bản vi phạm thì hầu hết các nghệ sĩ đều chấp hành nộp ngay.
Ông Phạm Tuyên, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn âm nhạc Việt Thành (Hải Phòng) cho biết: “Nếu muốn mời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về Hải Phòng hoặc các tỉnh lẻ biểu diễn (khoảng 5-6 tiết mục), chúng tôi phải trả 200 triệu đồng/sô. Giá này bao gồm chi phí cho cả vũ đoàn gồm vé máy bay, chỗ ăn ở, phương tiện đi lại…”.
Với cặp đôi ca sĩ trẻ Lê Hiếu - Văn Mai Hương hiện đang được khán giả yêu thích, để mời họ về Hải Phòng biểu diễn, bầu sô trả 60 triệu đồng/sô. Các ca sĩ nổi tiếng khác như Mỹ Tâm, Tuấn Hưng, cát xê một sô cỡ 50 triệu đồng/người.
Cát xê của ca sĩ dòng nhạc đỏ như Trọng Tấn, Anh Thơ khoảng 20-25 triệu đồng/người, được xem là khá thấp so với nhiều ca sĩ nhạc nhẹ khác. Chi phí mời các ca sĩ có thể thay đổi theo thời điểm, mức độ nổi tiếng của họ, quy mô chương trình…
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường mời ca sĩ nổi tiếng đến biểu diễn trong các dịp hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm, khai trương, khánh thành để hút khách hàng. Ca sĩ nổi tiếng, “đắt sô” thì thu nhập của họ có thể tới vài tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều nghệ sĩ hiện có thu nhập cao từ hoạt động biểu diễn và các hợp đồng làm đại diện thương hiệu, đi dự sự kiện, dẫn chương trình, chụp hình, nhưng thu nhập của họ là bao nhiêu là điều khó ước đoán.
Khó kiểm soát thu nhập
Hiện nay, ngành thuế đang áp dụng hệ thống phần mềm quản lý thuế TNCN (PIT) quản lý thu nhập theo mã số thuế. Nhờ vậy, cơ quan thuế có thể theo dõi các khoản thu nhập của nghệ sĩ trên phạm vi toàn quốc.
Dù nghệ sĩ không kê khai đầy đủ các khoản thu nhập, nhưng nếu đơn vị chi trả thu nhập kê khai thuế thì cơ quan thuế sẽ thống kê được tất cả thu nhập. Do đó có nghệ sĩ khi cơ quan thuế phát hiện, yêu cầu kê khai lại thì số thu nhập “bỗng” tăng thêm 300 triệu đồng.
Một ông bầu cho biết: “Ca sĩ nhận tiền thù lao cao, nhưng chi phí lớn cho trang phục biểu diễn, đạo cụ, vũ công, vé máy bay, ăn ở… Các khoản chi này rất tốn kém và khó xác định. Nếu chúng tôi đòi trích thuế thì ca sĩ sẽ phản ứng, khó hợp tác sau này. Còn doanh nghiệp thuê công ty tổ chức sự kiện cũng không muốn đóng thuế TNCN cho ca sĩ”.
Ông bầu này đã “khoán” chi phí trọn gói cho ca sĩ, và quy định trong hợp đồng để nghệ sĩ tự đóng thuế TNCN. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, “công ty, cá nhân không thực hiện khấu trừ thu nhập của nghệ sĩ là sai quy định. Các công ty, cá nhân chi trả thu nhập; nghệ sĩ kê khai giảm thu nhập là hành vi gian lận, trốn thuế, và có thể xử phạt tới từ 1-3 lần tiền thuế. Nhưng cơ quan thuế phải thanh tra, kiểm tra thì mới khẳng định họ có trốn thuế không”.
Hiện, Cục thuế TP.Hà Nội đã cấp hơn 2,4 triệu mã số thuế cá nhân. Nếu kiểm tra phát hiện cá nhân có gian lận thu nhập thì cơ quan thuế sẽ truy thu thuế cá nhân, thậm chí truy thu cho 5-7 năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Vụ phó Vụ quản lý thuế TNCN, do nguyên tắc “tự kê khai, tự nộp”, nên nếu cơ quan thuế không kiểm tra tổ chức chi trả thu nhập thì khó biết thu nhập thực tế của nghệ sĩ bao nhiêu.
Hơn nữa, hiện đã có hơn 12 triệu người được cấp mã số thuế cá nhân, nhưng không phân cụ thể từng đối tượng làm nghề nghiệp gì, nên rất khó xác định nghệ sĩ nào gian lận thuế.
Ông Minh nói: “Chỉ khi cơ quan thuế tiến hành phân tích rủi ro, kiểm tra xác suất mã số thuế của cá nhân mới biết họ có khai báo đúng không. Đơn cử, nếu cá nhân có thu nhập 200 triệu đồng, nhưng số tiền nộp thuế chỉ vài triệu thì sẽ vào diện nghi ngờ trốn thuế”.
Giả sử công ty trả thu nhập không kê khai đầy đủ các khoản thu nhập của cá nhân thì cơ quan thuế không có thông tin, dữ liệu để phân tích, đánh giá.
Thực tế, vài năm gần đây, nhiều nghệ sĩ, hoa hậu đã thành lập công ty riêng và ký hợp đồng biểu diễn với các đối tác. Khi đó, nguồn thu nhập này được hạch toán vào doanh thu của công ty, kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Trong trường hợp này, nếu công ty làm ăn thua lỗ hoặc “cố tình” khai lỗ, thì cơ quan thuế cũng khó thu được thuế.
Hiện nay, việc sử dụng thanh toán bằng tiền mặt vẫn khá phổ biến lại càng gây khó cho cơ quan thuế khi quản lý, kiểm tra thuế của cá nhân. Do đó, trong thời gian tới, việc chi trả thu nhập được thực hiện qua ngân hàng thì việc kiểm tra, ngăn chặn trốn lậu thuế sẽ hiệu quả hơn.
Luật thuế TNCN quy định, các tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho nghệ sĩ phải trích thuế trước khi trả thu nhập và kê khai nộp thuế TNCN hàng tháng. Cuối năm, phải làm thủ tục quyết toán thuế, hạn chót là 31/3 năm sau. Còn nếu cá nhân có thu nhập từ 2 nơi trở lên thì phải tự quyết toán thuế.
Theo Tiền Phong