Công ty CP Masan MEATLife (MML), công ty con của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vừa khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng tại Long An. Bên cạnh đó, công ty này cũng chính thức mở rộng hoạt động sang thị trường thịt gia cầm thông qua việc mua lại 51% vốn sở hữu tại Công ty 3F Việt.
Nhà máy 1.800 tỷ đồng nói trên là nhà máy chế biến thịt mát thứ 2 của Masan MEATLife sau nhà máy tại Hà Nam đi vào hoạt động từ tháng 12/2018. Nhà máy mới tại Long An sẽ phục vụ chủ yếu người tiêu dùng tại thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Đây là dự án được Masan khởi công từ tháng 5/2019 với tổng diện tích hơn 20 ha, và công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm. Ở giai đoạn 1, tổ hợp có quy mô 155.000 tấn sản phẩm thịt mát và thịt chế biến từ thịt mát gồm giò lụa, giò thủ, chà bông và các sản phẩm khác…
Đến giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn/năm.
Ngoài việc mở rộng thêm ở lĩnh vực thịt lợn, Masan MEATLife cũng chính thức lấn sân thị trường thịt gia cầm với việc chi 613 tỷ đồng để sở hữu 51% Công ty 3F Việt - doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến thịt gia cầm trong nước.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA MASAN MEATLIFE | ||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 6T2020 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 25959 | 19669 | 14833 | 14575 | 7588 |
Lợi nhuận sau thuế | 1970 | 797 | 232 | 370 | 85 |
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020 của Masan MEATLife, doanh nghiệp này ghi nhận 7.588 tỷ đồng doanh thu trong nửa năm qua, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn và các chi phí vận hành trong kỳ, nhà sản xuất thịt lợn này chỉ ghi nhận 85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của lãnh đạo công ty, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do ngành thịt là động lực tăng trưởng chính, đóng góp hầu hết con số tăng 2 quý đầu năm.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 55% do lãi suất các khoản vay trung và dài hạn tăng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20% chủ yếu do tăng chi phí để mở rộng và phát triển thị trường của ngành thịt khiến lợi nhuận công ty sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, doanh thu bán hàng mảng thức ăn gia súc 6 tháng đầu năm cũng giảm hơn 366 tỷ đồng, thấp hơn 8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do tổng đàn lợn sụt giảm bởi dịch bệnh và gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam.
Doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm nay của Masan MEATLife cũng giảm tới 90% so với cùng kỳ do không còn được chia lợi nhuận từ các công ty con.
Các chỉ tiêu này gộp chung lại khiến lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp bán niên 2020 của Masan MEATLife giảm tới 64%.
Thậm chí, doanh thu thuần trên báo cáo tài chính riêng công ty mẹ Masan MEATLife nửa năm qua chỉ ghi nhận 4.360 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận sau thuế âm tới 96 tỷ, giảm 141% so với kỳ 6 tháng 2019.