Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày đầu lên sàn, cổ phiếu công ty thịt mát của Masan giảm giá

Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu MML của Công ty CP Masan MEATLife đã giảm 12,6% so với giá tham chiếu, khiến vốn hóa công ty giảm gần 3.300 tỷ so với định giá ban đầu.

Hơn 324,33 triệu cổ phiếu MML của Công ty CP Masan MEATLife chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM phiên hôm nay (9/12) với giá tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, Masan MEATLife được định giá vào khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD vốn hóa.

Tuy nhiên, tại phiên giao dịch đầu tiên, thị giá cổ phiếu này đã giảm 10.100 đồng (12,6%) so với giá tham chiếu, hiện còn 69.900 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, vốn hóa của Masan MEATLife trong ngày giao dịch đầu tiên được thị trường định giá ở mức 22.670 tỷ đồng, giảm gần 3.300 tỷ đồng so với định giá ban đầu.

Trước đó, chia sẻ trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, ban lãnh đạo Masan MEATLife cho biết lượng cổ phiếu của công ty tương đối cô đặc với 3 cổ đông lớn nắm 94,41% vốn. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Masan nắm 79,32%; Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm 7,95%; và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14%.

masan meatlife niem yet anh 1
Masan MEATLife là doanh nghiệp chế biến và phân phối thịt mát của Masan với thương hiệu MEAT Deli. Ảnh: QuangcaoMTK.

Tại phiên giao dịch hôm nay, cũng chỉ có khoảng 63.600 cổ phiếu MML khớp lệnh giao dịch, trong đó không có lệnh nào từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Masan MEATLife là công ty thứ 5 trong "hệ sinh thái" doanh nghiệp có liên quan Tập đoàn Masan niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các doanh nghiệp lên sàn trước đó bao gồm Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vốn hóa 70.700 tỷ; Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) vốn hóa 54.000 tỷ; Công ty CP Tài nguyên Masan (MSR) vốn hóa 13.000 tỷ; và Techcombank (TCB) vốn hóa gần 80.000 tỷ.

Cũng trong phiên giao dịch hôm nay, chỉ có cổ phiếu MSR giữ được sắc xanh tăng 0,7%, trong khi, 4 cổ phiếu còn lại đều giảm. Trong đó, TCB giảm 1,5% hiện ở mức 22.800 đồng/cổ phiếu; MCH giảm 3,6% xuống 74.000 đồng, và MSN giảm 3,2% xuống 60.500 đồng.

masan meatlife niem yet anh 2

Masan niêm yết Masan MEATLife lên sàn chứng khoán với tham vọng đưa công ty này trở thành nhà sản xuất, phân phối thịt mát đóng gói có thương hiệu lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam vào năm 2022. Ước tính doanh thu công ty khi đó sẽ vào khoảng 2-3 tỷ USD (50% từ thịt heo) và lợi nhuận sau thuế khoảng 200-450 triệu USD nhờ việc chiếm lĩnh 10% thị trường tiêu thụ thịt heo.

Đến cuối tháng 11, công ty này đang sở hữu 28 cửa hàng trực tiếp, sản phẩm có mặt tại 77 siêu thị (hầu hết là Vinmart) và 311 điểm bán. Dự kiến đến cuối năm này, công ty sẽ nâng số cửa hàng sở hữu lên 45, cùng 130 siêu thị và 375 điểm bán. Đến năm 2022, công ty sẽ sở hữu khoảng 5.000 điểm bán lẻ mát và 200.000 điểm bán truyền thống.

Riêng năm 2019, công ty ước tính EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) sẽ đạt khoảng 65 triệu USD và sẽ tăng lên 100 triệu USD vào năm 2022.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2018, Masan MEATLife ghi nhận 13.977 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25% so với năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty giảm gần 71%, đạt 232 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2019, Masan MEATLife ghi nhận 6.741 tỷ doanh thu thuần và báo lãi sau thuế tăng 29%, đạt 234 tỷ đồng. Lãi lũy kế trên bảng cân đối kế toán của công ty là 147 tỷ đồng.

Masan MEATLife có gì để lên sàn với định giá hơn 1 tỷ USD?

Công ty Masan MEATLife hiện có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng, doanh thu năm gần nhất đạt gần 14.000 tỷ, tương đương Masan Consumer, công ty công bố sáp nhập Vinmart và VinEco.



Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm