Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI) vừa thông báo danh sách 8 thành viên HĐQT, 3 thành viên Ban kiểm soát, ứng viên tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật để bầu tại đại hội cổ đông bất thường vào ngày 9/12 tới.
Tất cả thành viên được đề cử đều liên quan đến SCG, tập đoàn Thái Lan đang chuẩn bị hoàn tất thương vụ thâu tóm SOVI.
Danh sách 8 thành viên HĐQT mới của SOVI dự kiến bao gồm 5 người Thái Lan, 2 người Nhật và 1 người Việt. Đây đều là những nhân sự điều hành các công ty thành viên hoặc đối tác của tập đoàn SCG. Người được chỉ định để bầu làm CEO SOVI là ông Ekarach Sinnarong, hiện là Tổng giám đốc Công ty Công Nghiệp Tân Á, một doanh nghiệp thuộc SCG tại Việt Nam.
Trước đó, 6/7 thành viên HĐQT cùng 3 thành viên Bản kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023 của SOVI đã gửi đơn từ nhiệm.
Trao đổi với Zing, đại diện SCG từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tiến độ thương vụ thâu tóm này. Tập đoàn Thái Lan chỉ chia sẻ giao dịch mua lại phần lớn cổ phần SOVI dự kiến hoàn tất trong tháng 12.
Hiện tại, SOVI vẫn chưa thông báo về thay đổi cơ cấu cổ đông. Đến cuối năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu 5,6% cổ phần doanh nghiệp bao bì này. Dù vậy, một số quỹ đầu tư thuộc SSI và Bảo Việt đã liên tục chuyển nhượng tổng cộng 26% cổ phần tại doanh nghiệp sản xuất bao bì này từ đầu năm.
Nhà máy của SOVI ở Khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: SVI. |
Đầu năm nay, SCG tuyên bố ý định thâu tóm SOVI. Giá trị thương vụ ước tính khoảng gần 450 tỷ đồng, theo Nikkei. Hồi tháng 7, công ty hoàn tất thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa lên 100%. Đây là điều kiện để mở đường thực hiện thương vụ sáp nhập SOVI vào SCG.
Trước đó một tháng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương cho biết nhận được hồ sơ thông báo về việc Công ty Thai Containers Group Company (TCG) có trụ sở chính tại Thái Lan sẽ chỉ định công ty con nhận chuyển nhượng 94,1% vốn điều lệ của SOVI. TCG chính là công ty thành viên của SCG.
SOVI là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì thành lập năm 1968. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 128 tỷ đồng. Năm 2019, SOVI đạt doanh thu 1.700 tỷ và lợi nhuận 141 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đến cuối tháng 9 là 1.056 tỷ. Vốn hóa doanh nghiệp hiện hơn 1.000 tỷ đồng.
Còn tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng. SCG trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp Việt như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group.
Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn siêu dự án này.