Công ty Cổ phần Chế tạo thuốc Taisho (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) vừa công bố về kết quả chào mua công khai cổ phiếu DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang tại Việt Nam.
Taisho cho biết công ty đã mua được hơn 20,6 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 15,8% vốn doanh nghiệp trong đợt chào mua công khai vừa qua.
Đây là lượng cổ phiếu nằm trong kế hoạch chào mua công khai 28,3 triệu cổ phiếu DHG (21,68% vốn) mà doanh nghiệp phía Nhật Bản dự kiến mua trước đó.
Tuy không mua được đủ số lượng cổ phiếu như đăng ký, nhưng với hơn 20,6 triệu cổ phiếu lần này, Taisho đã chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 66,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 50,78% vốn điều lệ công ty.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Taisho chính thức trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại doanh nghiệp sản xuất thuốc của Việt Nam.
Với mức giá chào mua công bố trước đó là 120.000 đồng/cổ phiếu, ước tính, Taisho đã phải chi thêm hơn 2.472 tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang đợt này.
Thực tế, đây là thương vụ mà đại diện doanh nghiệp phía Nhật Bản đã theo đuổi khá lâu. Từ tháng 5/2016, Taisho đã rót hàng nghìn tỷ vào Dược Hậu Giang và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây chỉ sau SCIC với 43,3% cổ phần.
Sau giai đoạn này, Taisho cũng liên tục đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu DHG với giá cao hơn nhiều thị trường niêm yết. Như tháng tháng 7/2018, công ty này đã mua vào 9,2 triệu cổ phiếu DHG với giá chào mua công khai thời điểm đó cũng là 120.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với việc Taisho đã phải chi hơn 1.107 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ. Đến tháng 10 cùng năm, doanh nghiệp Nhật Bản lại mua thêm 3 triệu cổ phiếu từ nhóm quỹ Templeton Frontier Markets Fund.
Gần nhất, hồi tháng 2 vừa qua, Taisho cũng đã đăng ký mua thêm 925.200 cổ phiếu DHG thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Những lần tung hàng nghìn tỷ đồng để mua vào cổ phiếu DHG cho thấy tham vọng thâu tóm rất lớn của đại gia sản xuất thuốc của Nhật Bản với doanh nghiệp Dược Hậu Giang tại Việt Nam.
Taisho là một trong 5 tập đoàn dược phẩm lớn nhất Nhật Bản. Ảnh: Nikkei. |
Được biết, Taisho là doanh nghiệp thành lập từ năm 1912, hiện có vốn điều lệ vào khoảng 30 tỷ Yên Nhật, tương đương hơn 6.200 tỷ đồng. Công ty cũng đang sở hữu 10 công ty con, có 1 công ty liên kết cùng 8 nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Hiện, doanh nghiệp này là một trong 5 tập đoàn dược phẩm lớn nhất tại Nhật Bản với tổng tài sản lên tới hàng tỷ USD và mạng lưới chi nhánh rộng khắp Châu Á.
Về phía Dược Hậu Giang, năm 2018 vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận 3.888 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ, nhưng nhờ việc tiết giảm nhiều chi phí nên lợi nhuận trước thuế công ty vẫn tăng nhẹ lên 732 tỷ đồng.
Trong quý I vừa qua, doanh thu công ty đã giảm hơn 15%, đạt 767 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp theo đó cũng giảm hơn 10%, còn 153 tỷ đồng.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo, doanh thu và lợi nhuận giảm là do trong quý vừa qua công ty không còn phân phối hàng cho MSD và Eugica, việc ngừng kinh doanh mặt hàng MSD và Eugica đã bắt đầu từ tháng 4 và tháng 6/2018.
Ngoài ra, khoản lợi nhuận sau thuế giảm gần 21% (đạt 135 tỷ đồng) giảm nhiều hơn so với lợi nhuận trước thuế do năm 2019 thuế TNDN áp dụng tại chi nhánh nhà máy Dược phẩm tại Hậu Giang là 5% thay vì mức ưu đãi 0% như năm trước đó.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2019 trước đó (3.943 tỷ doanh thu và 754 tỷ đồng lãi trước thuế), Dược Hậu Giang mới hoàn thành được 19% chỉ tiêu doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận.