Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho (có trụ sở tại Nhật Bản) vừa chính thức thông báo về việc chào mua công khai hơn 28,35 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.
Số cổ phần chào mua công khai lần này tương đương 21,68% vốn điều lệ của công ty dược bên phía Việt Nam. Giá chào mua được phía Taisho đưa ra đợt này là 120.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá trị giao dịch hiện tại của cổ phiếu DHG trên sàn chứng khoán.
Ước tính, công ty Nhật Bản sẽ phải chi ra khoảng 3.400 tỷ đồng để thực hiện thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay tại Dược Hậu Giang.
Phía Taisho cũng cho biết đối tượng chào mua cổ phần đợt này chính là các cổ đông hiện hữu của Dược Hậu Giang đang nắm giữ cổ phiếu phổ thông không bị giới hạn chuyển nhượng hoặc không có bất cứ hạn chế nào khác. Nguồn vốn để thực hiện thương vụ cũng sẽ bằng tiền mặt có sẵn của công ty.
Dự kiến thời gian đăng ký mua diễn ra từ 18/3 đến 16/4.
Taisho là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei. |
Taisho đã đầu tư vào Dược Hậu Giang từ tháng 5/2016, và hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này.
Công ty hiện hiện nắm giữ hơn 45,76 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 35% tổng số cổ phần của Dược Hậu Giang.
Lượng cổ phần này chỉ xếp sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 53,62 triệu cổ phiếu (43,31% vốn cổ phần).
Nếu thương vụ chào mua lần này thành công, Taisho sẽ nâng tổng sở hữu tại đây lên gần 74,12 triệu cổ phiếu, tương ứng 56,68% vốn và chính thức là cổ đông lớn nhất nắm quyền kiểm soát công ty.
Khó khăn lớn nhất trong thương vụ lần này chính là việc SCIC đang nắm giữ tới 43,31% vốn tại Dược Hậu Giang, trong khi Taisho nắm 35%, lượng cổ phiếu DHG trên thị trường chỉ còn khoảng 21,6%, tương đương lượng cổ phiếu doanh nghiệp Nhật Bản muốn mua vào.
Vì vậy, nếu SCIC không bán ra, Taisho sẽ phải mua hết toàn bộ cổ phần do các cổ đông khác nắm giữ tại Dược Hậu Giang mới đủ lượng cổ phiếu mong muốn.
Trong khi đó, SCIC vẫn chưa có bất kỳ thông báo hay động thái nào cho thấy đơn vị muốn thoái vốn.
Đây cũng không phải lần đầu doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn thâu tóm hoạt động tại Dược Hậu Giang.
Liên tiếp những tháng trước đó, Taisho đã mua vào lượng lớn cổ phiếu với giá cao hơn nhiều giá thị trường.
Hồi tháng 2/2019, Taisho thông báo đăng ký mua thêm 925.200 cổ phiếu DHG thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn từ 20/2 đến 21/3.
Tháng 10/2018, công ty này đã mua vào 3 triệu cổ phiếu DHG từ nhóm quỹ Templeton Frontier Markets Fund. Và trước đó là 9,2 triệu cổ phiếu mua vào tháng 7/2018.
Giá chào mua công khai thời điểm đó cũng là 120.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với việc Taisho đã phải chi hơn 1.107 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Thời điểm này, cổ phiếu DHG chỉ được giao dịch với giá dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, nên giá mà doanh nghiệp phía Nhật Bản đưa ra đã cao hơn 20% so với giá trị giao dịch của DHG.
Thực tế, Dược Hậu Giang cũng đã xin nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Vì vậy, không loại trừ khả năng Taisho muốn thâu tóm toàn bộ vốn và lợi ích tại doanh nghiệp dược lớn của Việt Nam này (vốn hóa trên 15.000 tỷ đồng).
Trong năm 2018 vừa qua, doanh nghiệp này thu về tới 3.888 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ việc tiết giảm nhiều chi phí nên lợi nhuận trước thuế công ty vẫn tăng nhẹ từ 719 tỷ lên 732 tỷ đồng.
Taisho là doanh nghiệp thành lập từ năm 1912 hiện có trụ sở tại thành phố Tokyo của Nhật Bản. Vốn điều lệ công ty hiện vào khoảng 30 tỷ Yên Nhật, tương đương hơn 6.200 tỷ đồng. Công ty cũng đang sở hữu 10 công ty con, có 1 công ty liên kết cùng 8 nhà máy sản xuất tại Nhật Bản.