Cuối tuần trước, báo chí Trung Quốc đưa tin Evergrande (Hằng Đại) - công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh số - đối mặt với “cuộc khủng hoảng lòng tin” do khoản nợ lên tới hơn 120 tỷ USD.
Theo Bloomberg, Evergrande nợ các tổ chức trong nước khoảng 88 tỷ USD và nợ các trái chủ nước ngoài 35 tỷ USD. Hơn 2 triệu khách hàng đã thanh toán tiền cho công ty này đều chưa nhận được nhà.
Những lo lắng và nghi ngại về sức khỏe tài chính của Evergrande bùng lên sau khi có tin tập đoàn này gửi thư lên chính phủ Trung Quốc, thừa nhận nguy cơ thiếu tiền mặt có thể dẫn đến những rủi ro lớn.
Phản ứng lại, Evergrande tuyên bố các tin đồn và tài liệu đang được chia sẻ trên mạng là "thêu dệt" và "phỉ báng", nhưng không xác nhận hay phủ nhận tin hãng gửi thư cảnh báo nguy cơ thiếu tiền mặt tới chính quyền Trung Quốc. Điều này đã khiến giá trái phiếu công ty sụt 28% xuống mức thấp kỷ lục do các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn, Chủ tịch của Evergrande. Ảnh: China Daily. |
Thông tin tích cực được Evergrande công bố vào tối ngày 29/9 tại Hong Kong ngay lập tức đẩy giá trái phiếu ngoại tệ của công ty lên mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3. Raymond Cheng, một nhà phân tích bất động sản tại CGS-CIMB Securities, cho biết: “Thỏa thuận giải quyết vấn đề cốt lõi của Evergrande, đó là khả năng thanh khoản”.
Trong tuyên bố mới nhất, Evergrande cho biết những nhà đầu tư đang sở hữu 86,3 tỷ NDT (12,7 tỷ USD) cổ phiếu của công ty đã đồng ý giữ lại cổ phần. Họ cũng là đại diện cho phần lớn các cổ đông nắm giữ 130 tỷ NDT (19 tỷ USD) cổ phần tại Evergrande. Đây là những người từng yêu cầu Evergrande trả lại tiền nếu công ty không xin được giấy phép niêm yết cửa sau tại sàn Thâm Quyến trước ngày 31/1. Con số này chiếm khoảng 92% lượng tiền mặt và tài sản tương đương tiền mặt của hãng.
Công ty cho biết đang đàm phán với các nhà đầu tư còn lại về thỏa thuận tương tự. Một số nhà đầu tư sở hữu 15,5 tỷ NDT cổ phần chưa đưa ra quyết định. Công ty cũng đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư nắm giữ 28,2 tỷ NDT cổ phần còn lại. Tuy nhiên, không rõ chính quyền Trung Quốc có tham gia vào các thỏa thuận này hay không.
Một số cơ quan quản lý cho biết có thể hỗ trợ Evergrande bằng việc chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước mua lại cổ phần công ty hoặc cho phép một đơn vị sản xuất xe điện của hãng được lên sàn.